18/02/2019 16:18 GMT+7

Nguyên phó chủ tịch Quốc hội, Anh hùng Nguyễn Phúc Thanh qua đời

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nguyên phó chủ tịch Quốc hội, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Nguyễn Phúc Thanh qua đời ngày 8-2-2019 (tức ngày 4 tháng giêng năm Kỷ Hợi) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Nguyên phó chủ tịch Quốc hội, Anh hùng Nguyễn Phúc Thanh qua đời - Ảnh 1.

Nguyên phó chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh dịp nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - Ảnh: Quochoi.vn

Sinh năm 1944 tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Phúc Thanh từng trải qua nhiều vị trí công tác trong quân đội, giữ các chức vụ quan trọng như Tư lệnh Quân đoàn 2, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX; nguyên phó chủ tịch Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội khóa X, khóa XI.

Ông Nguyễn Phúc Thanh được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Theo thông cáo được phát đi từ Văn phòng Trung ương ngày 18-2, Ban Bí thư đã quyết định thành lập ban lễ tang gồm 23 người, do Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng ban. 

Tang lễ ông Nguyễn Phúc Thanh được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước, linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thành Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng từ 8h -11h ngày 20-2, sau đó lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Xuất thân từ một quân nhân dày dạn trận mạc, kinh qua nhiều vị trí công tác trong quân đội, trở thành đại biểu Quốc hội và giữ các vị trí quan trọng cũng như giữa đời thường, ông Nguyễn Phúc Thanh là người giản dị, dễ gần, hòa đồng và ân cần với cấp dưới.

Được dự nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, cuộc giám sát do ông chủ trì, tôi thấy ông luôn căn dặn cấp dưới là dù làm bất cứ công việc gì cũng phải chu đáo, tận tụy, phân tích và đánh giá đúng tình hình, tránh chủ quan, khinh địch.

"Không chỉ trong chiến tranh mà trong thời bình, mỗi khi thất bại, hỏng việc thì kinh nghiệm quý báu cần phải rút ra nhất là tránh đánh giá ta quá cao, đánh giá địch quá thấp, từ đó dẫn đến bị động" - ông thường nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên