10/05/2004 06:02 GMT+7

Nguyên Lê - Hương Thanh: "phiêu lưu" cùng nhạc dân tộc

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - "Tôi không thích nhạc theo trào lưu. Tôi không đi theo kiểu làm hài lòng mọi người. Tôi nghĩ tôi thích và làm những tác phẩm mà tôi cho là đẹp"

wRIGnlrq.jpgPhóng to
Nguyên Lê - Hương Thanh cùng ban nhạc

Nguyên Lê, tay guitare jazz nổi tiếng người Pháp gốc Việt, đã tâm sự như thế trong buổi họp báo ngày 7-5.

Đó cũng là lý do khiến anh chọn nữ ca sĩ Hương Thanh, người nghệ sĩ đã cùng anh "phiêu lưu" trong kiểu chơi đầy sáng tạo suốt 10 năm qua - dân ca theo phong cách jazz...

Vạn sự khởi đầu nan...

Ba mẹ là người Việt nhưng Nguyên Lê sinh ra và lớn lên tại Pháp, ít nhiều ảnh hưởng phong cách nhạc châu Âu. 15 tuổi, anh đã tập chơi nhạc cụ: từ trống chuyển sang guitare rồi basse điện. Tự học, tự tìm tòi, chơi đầy ngẫu hứng để rồi dần định hình theo phong cách jazz khi anh khoảng 17 tuổi.

Năm 1983, anh đồng thành lập nhóm Ultramarine và nhóm đã đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia Jazz de la Défense. Từ năm 1987-1999, chơi cho dàn nhạc jazz quốc gia của Pháp, anh đã tạo được sự chú ý vì sự năng động trong phong cách. Và cũng tại đây anh đã chơi nhạc của Jimmi Hendrix - một nghệ sĩ lớn nổi tiếng trong việc tự học guitare, người mà Nguyên Lê chịu nhiều ảnh hưởng.

Nhưng rồi sau nhiều năm chơi nhạc, định hình được phong cách, tạo dựng được tên tuổi, Nguyên Lê nhận ra rằng cần phải tìm lại bản sắc qua cách chơi của mình. Và đây là một thử thách lớn đối với anh. Duyên thay! Anh gặp Hương Thanh và được nghe cô hát những làn điệu dân ca ngọt ngào trong một buổi biểu diễn cho sinh viên vào dịp tết. Nguyên Lê bỗng nhớ lại những giai điệu mà mẹ anh thường nghe, thường hát ru anh lúc ấu thơ.

Anh thổ lộ: "Là một nghệ sĩ guitare theo phong cách jazz, kế thừa một truyền thống khác với văn hóa phương Tây, tôi muốn kết nối cả hai, dùng truyền thống này để phát huy truyền thống kia". Và kết quả là Tales from Vietnam, đĩa nhạc dân ca theo phong cách jazz đầu tiên của Nguyên Lê và Hương Thanh, đã ra đời vào tháng 4-1996 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những thính giả phương Tây.

Hương Thanh kể: "Mới đầu khi hát những bản dân ca phối theo phong cách jazz tôi cũng rất lúng túng vì... lạ quá! Hát ru mà có tiếng piano, dân ca mà có tiếng guitare điện, basse, trống... Phải mất gần hai năm tôi mới quen cách hát và diễn dân ca theo phong cách jazz đầy ngẫu hứng như thế".

Mới đầu hai nghệ sĩ đầy tâm huyết ấy chỉ nhắm đến thế hệ người Việt thứ ba sống tại hải ngoại, hy vọng với cách phối âm mới cho nhạc dân tộc sẽ làm những người trẻ ấy chú ý đến nhạc của cha ông nhiều hơn. Nhưng không chỉ những người Việt trẻ cảm thấy thích thú mà người lớn tuổi cũng hài lòng, cả những thính giả phương Tây cũng khoan khoái vì "làn điệu mới lạ, cách phối mới khiến họ có thể hiểu dân ca VN qua ngôn ngữ âm nhạc hiện đại".

Và... ngày trở về

Sau thành công bất ngờ từ Tales from Vietnam, Nguyên Lê - Hương Thanh đã nghĩ ngay đến việc quay về biểu diễn trên mảnh đất quê hương. Nhưng đến tận bây giờ, album đầu tay ấy cùng ba album khác: Moon and wind (1999), Dragonfly (2001), Mangustao (2004), họ mới có cơ hội diễn ngay tại quê nhà.

Hai buổi diễn tại Hà Nội (5 và 6-5) và tại TP.HCM tối 8-5 (*) vang lên những tràng pháo tay đầy ngẫu hứng như chính nhạc jazz vậy. Khán giả "ồ" lên đầy kinh ngạc khi những Lý mười thương, Dạ cổ hoài lang, Lý ngựa ô... quen thuộc đến ngỡ tưởng có thể nhàm chán bỗng cuốn hút lạ lùng. Chẳng thể ngờ được những làn điệu dân ca ngọt ngào, chầm chậm lại có thể phối hợp cùng jazz hay đến thế! Mà cũng dễ nghe nữa. Lại thấy vui!

Này nhé. Mở đầu Lý mười thương là tiếng đàn tranh réo rắt, rồi tiếng sáo véo von, bộ gõ bập bùng, Hương Thanh hát ngân nga như thơ, hững hờ, duyên dáng. Sau "tám thương" là đoạn solo guitare vô cùng hiện đại và trở lại "chín thương... ".

Khăn piêu, một bài ca của dân tộc thiểu số, mơ hồ, mộng mị với tiếng cồng chiêng và những âm thanh vang vọng từ bản làng, tiếng chim hót véo von, tiếng gió, tiếng sáo, tiếng chuông chùa cùng giọng hát cao vun vút của Hương Thanh. Khán giả ngỡ ngàng.

Thỏa nỗi nhớ mong, bài dân ca Bắc bộ, lại tiếp tục gây ngạc nhiên với phần bè bằng tiếng Pháp, rồi tiếng đàn nguyệt... Lý ngựa ô rộn rã không ngờ. Hát. Ngừng hát để từng nhạc cụ "trỗi dậy". Rồi hát. Ngừng hát, diễn điệu bộ. Và cứ thế với Ngồi tựa mạn thuyền, Hoa thơm bướm lượn, Cơi trầu...

Mỗi bài dân ca quá cũ lại mang về nhiều cảm giác mới từ những nhạc cụ hiện đại, những nhạc cụ tự chế như những chiếc chuông lắc làm từ gáo dừa..., cồng chiêng, đàn tranh, đàn bầu, sáo, đàn nguyệt...

Và bất ngờ. Bất ngờ khi giáo sư Trần Văn Khê xuất hiện. Ông ngâm thơ cổ theo tiết tấu mới để Nguyên Lê đệm theo. Chiều tiễn đưa không "thảm" như ta tưởng. Ừ, người đi thì đi thật rồi đó. Cũng chẳng mong gặp lại. Nhưng chút hi vọng nào đó vẫn còn.

Còn với khán giả, bỗng lóe lên nhiều tia hi vọng. Hy vọng những tinh tế của văn hóa VN, sự trong sáng, vẻ đẹp của nhạc dân tộc VN sẽ "sống dậy một đời sống mạnh mẽ", lan tỏa rộng rãi trong nay mai. Buổi trình diễn đã kết thúc với những niềm hân hoan như thế!

(*) Buổi diễn thứ hai của Nguyên Lê - Hương Thanh vào ngày 11-5 tại Nhà hát TP.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên