03/07/2005 07:00 GMT+7

Nguyễn Cường: "Nhặt những câu chữ của đời..."

BÙI DŨNG thực hiện
BÙI DŨNG thực hiện

TTCN - Nguyễn Cường trông mong “Con đường âm nhạc” số 3 sẽ là sự khắc họa chân dung mình một cách chân thực nhất. “Mũ cao bồi + cặp kính to sụ + ria tóc rậm rạp tạo nên phong cách, tính kinh viện + hơi thở cuộc sống + màu sắc dân gian tạo nên “chất” nhạc của tôi”...

9kqOUe1K.jpgPhóng to

* “Muốn nói lời âu yếm nhất, lời dịu dàng nhất, lời thầm kín, lời dông bão nhất, từ em…”, đó là ca từ bài Giờ em đã có anh vừa được giới thiệu trên Tác phẩm mới. Dù đã vào tuổi lục tuần nhưng những bài hát gần đây của ông lại cho thấy một Nguyễn Cường ngày càng trẻ ra?

- Vì tôi vẫn thấy lạc quan, “trời cho thì được đất gọi là đi”, sống ngày nào vui ngày ấy, tại sao mình lại tự làm bản thân già đi. Điều quan trọng đó vẫn là cảm xúc thật sự.

* Ông viết cho mình hay cho khán thính giả? Và thích được coi là nhạc sĩ của Tây nguyên hay nhạc sĩ của Hà Nội?

- Có một nguyên tắc: tôi chỉ viết cho chính tôi, công chúng thấy thích thì họ xem những bài hát đó như của mình. Và tôi vẫn viết theo đặt hàng vì là nhạc sĩ chuyên nghiệp. Hầu hết tất cả các tác phẩm tôi viết đều là đặt hàng, kể cả Ly cà phê Ban Mê

Trước hết người cần bài đặt hàng và khi mình có cảm xúc để viết thì lúc đó là cuộc sống đặt hàng, tình yêu cao nguyên đặt hàng. Không bao giờ tôi viết chỉ để thỏa mãn thị hiếu khán giả vì không thể biết được sở thích của mỗi người thế nào, tôi chỉ chiều chính tôi.

Là nhạc sĩ Tây nguyên hay Hà Nội đều là vinh dự, nhưng tôi không muốn gắn với riêng một địa danh nào, tại sao không lấy vòng tay mình ôm trọn đất nước VN, tại sao phải phân biệt?...

* Có hai giải thưởng dành cho ông, giải thưởng của Hội Nhạc sĩ VN và giải thưởng trong lòng công chúng, ông thích cái nào hơn?

- Cái đích cuối cùng là công chúng, nhưng song song với đó có những cuộc chơi với các giải thưởng và mỗi cuộc chơi có một tiêu chí riêng. Có thể bài hát đoạt giải nhất, nhì của Hội Nhạc sĩ nhưng đưa ra thị trường lại không ăn thua. Bài hát nào cũng đều được định tính và định lượng.

Tôi tự hào mình có những tác phẩm được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ và những bài ấy đều được công chúng yêu mến. Ngoài sáng tác ca khúc, tôi còn viết khí nhạc mà tôi rất tâm đắc, nhưng những tác phẩm đó đâu được công chúng biết đến.

CZoIkeUr.jpgPhóng to
Nhac sĩ Nguyễn Cường atị buôn làng Tây Nguyên
* Tên ca khúc của ông giống như một câu nói: Anh muốn sống bên em trọn đời, Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột, Và ta lại thấy mặt trời trên môi em, Tình yêu của em mấy sắc cầu vồng, H’ Ren lên rẫy, Em hát thương ai… Ông có cố ý đặt như thế?

- Đó là những câu đời sống cho tôi, tôi “đạo” nó trong thực tế cuộc sống đấy chứ. Tôi thích câu nói của Chế Lan Viên, đại ý, vạt áo nhà thơ không thể chứa hết những ngọc ngà kim cương trong cuộc đời. Chính đời sống thực tế mới là nơi bắt nguồn cho xúc cảm của nhạc sĩ.

Tôi nghe một cô gái nói “ở nơi này mặt trời đỏ như trái cam” về tôi viết bài Trái cam mặt trời. Một đôi trai gái nói chuyện với nhau qua điện thoại ở thành phố Buôn Mê Thuột “nếu còn thương em sao không về với em”… sau đó tôi có bài Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột. Như vậy, tôi đi nhặt những câu, những chữ từ cuộc đời.

* Giả sử bây giờ có một đêm rock Nguyễn Cường, bài hát nào trong số những ca khúc ông đã sáng tác nhất thiết phải có trong show diễn này? Có bài nào ông kỳ vọng khi đưa ra công chúng nhưng cuối cùng bài đó mất hút, không để lại tăm tích?

- Ba yếu tố: chất kinh viện, bác học; nhịp điệu, hơi thở cuộc sống và màu sắc dân gian cùng hội tụ trong một bài hát, theo tôi đó mới là bài thành công. Suốt nhiều năm sáng tác, tôi chỉ theo đuổi lý tưởng thẩm mỹ đó.

Có bài của tôi như Tôi về đây nghe sóng rất nổi tiếng, nhiều người khen hay nhưng không hội đủ ba yếu tố ấy, tôi không cho nó là bài thành công. Có một bài tôi mới sáng tác là Sao không phone cho anh, tôi cho là hội tụ đủ ba yếu tố ấy và sẽ được thể hiện theo cách đặc biệt trong “Con đường âm nhạc” tới đây.

Nếu phải chọn ra một bài tiêu biểu nhất thì hơi khó với tôi bởi tôi muốn người nghe nhìn vào nhạc sĩ với nhiều bài chứ không phải một bài duy nhất nào đó. Tôi quan niệm mỗi bài hát có một số mệnh. Nó cũng bị chi phối bởi thời điểm. Ví dụ, bài Em muốn sống bên anh trọn đời đã từng bị vất đi, bỏ xó, có người nói đã viết bài như Ơi, Ma Drak còn viết bài này làm gì. Một hôm tình cờ Y Moan đem bài này ra hát, rồi đến Siu Black hát trong Liên hoan giọng ca vàng ASEAN, bất ngờ nó trở nên nổi tiếng.

* Người ta thường nhìn vào các nhạc sĩ với những thành công của họ mà quên đi thất bại họ đã trải qua. Ông có phải là một người đi đến thành công từ việc vượt qua những thất bại?

- Trong cuộc sống, thất bại là chuyện thường. Tôi cũng đã phải trải qua quá trình đào luyện rất gian khổ. Có giai đoạn với tôi nhuốm nước mắt và máu khi tôi ở độ tuổi hai mươi. Thời gian đó tôi đang theo học nhạc, một ngày học không dưới 10 tiếng, ăn uống cực khổ. Nhìn vào tôi thì khó có ai nghĩ có lúc tôi bế tắc, nhưng thực tế có những thời điểm, suốt nhiều năm liền tôi không viết được gì.

* Một vài nhìn nhận, đánh giá của ông về những sáng tác gần đây của các tác giả trẻ, đặc biệt là qua sự thể hiện ở chương trình Bài hát Việt 2005?

- Đến Bài hát Việt 2005 chủ yếu là những thế hệ nhạc sĩ trẻ. Những nhạc sĩ lớp trước gần hơn với họ như Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương… thì đã thể hiện mình là “cây chín”, quả nào đã ra quả đấy, khó mà khác được.

Nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay là những nhân tố mới. Không thể đòi hỏi họ phải thế này thế khác ngay được. Tuổi trẻ có hướng ra ngoài là chuyện bình thường, đừng đặt câu hỏi “bài hát Việt mà thế này à?” trừ khi sáng tác của họ không còn là tiếng Việt. Tôi tin khi đi hết chặng đường cần thiết, họ sẽ tìm ra bản thân mình. Đời sống nào thì âm nhạc đó. Khi hướng ra ngoài họ sẽ nhìn rõ hơn bản thân mình. Tôi biết nhạc sĩ có tên Nguyên Lê, gốc Việt, là tay sừng sỏ nhạc jazz, nhạc rock nhưng khi chơi nhạc dân gian thì đâu có kém ai?

Tôi cho rằng có hai loại người làm nhạc. Loại thứ nhất hành nghề âm nhạc, coi nhạc như một nghề với đủ các ngõ ngách của nó, vì thế họ sáng tác theo nhu cầu thị trường, âm nhạc là nghề kiếm cơm. Có người làm nhạc như một cách để tìm kiếm tâm hồn mình thì tôi đảm bảo sức mấy họ cũng không bao giờ đạo nhạc. Họ muốn đi tìm bản thân, khẳng định mình chứ không muốn làm cái bóng, sống tầm gửi vào người khác.

* “Con đường âm nhạc” số 3 có phải là thời điểm thích hợp nhất để bộc lộ gương mặt âm nhạc Nguyễn Cường? Hai nhạc sĩ trước đó là Phú Quang và Dương Thụ đã thành công với chương trình mới lạ này, liệu đến chương trình của ông có thể đem lại những bất ngờ gì với khán giả?

- 21 bài hát, bất kể những bài cũ hay mới, đều được “làm mới”, trình bày theo hình thức mới, kể cả những bài trước đây đã phối khí thành công nay đều làm lại. Chương trình của Dương Thụ là “Im lặng”, nếu được đặt tên cho chương trình của mình, tôi muốn nó là “Không thể im lặng”, bởi tại sao mình lại không lên tiếng trước cuộc sống vốn rất đẹp như thế.

Những nét mới trong âm nhạc của tôi sẽ được khai thác tối đa trong chương trình này. Bảy ca khúc đầu tiên biểu diễn theo hình thức liên khúc, đan xen vào nhau. Có bài lần đầu công bố như Bi ca Trọng Thủy là cách nhìn nhận khác của tôi về việc Trọng Thủy có phải là gián điệp hay không… Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ đơn nam duy nhất tham gia chương trình. Ngoài ra có Siu Black, Mỹ Lệ, Hồng Ngọc, Ngọc Khuê, Anh Thơ, nhóm Bazan…

Khi tham gia “Con đường âm nhạc” tôi muốn được có thêm một hình dung về mình và công chúng thấy khi Nguyễn Cường đứng một mình thì có gì hay, dở. Xưa nay người ta vẫn nghĩ Nguyễn Cường gắn với Tây nguyên, tôi muốn trong chương trình này người nghe nhạc Nguyễn Cường sẽ thấy rõ hơn chất liệu âm nhạc dân gian trong các sáng tác của tôi.

* Giả sử trong một đêm diễn, người dẫn chương trình kể tên bốn nhạc sĩ được coi là “tứ trụ” của âm nhạc đương đại VN, có phong cách riêng, đóng góp nhiều cho nền âm nhạc nước nhà, có điều … không có tên ông. Nếu ông ngồi bên dưới, liệu ông có giật mình?

- (Hơi bối rối) Không có tên tôi trong không gian này thì có thể có tên trong không gian khác, nhưng điều ấy đâu quan trọng lắm. Nhạc của tôi là của mọi người. Tuy nhiên, nói thế không phải đánh đồng tất cả bởi vì lịch sử âm nhạc của VN hay thế giới cũng đều gắn với những cá tính âm nhạc, những cá nhân tiêu biểu.

Lịch sử sinh ra những con người bằng xương bằng thịt với những tác phẩm cụ thể với những đỉnh cao mà công chúng có thể hình dung… Tất nhiên, đôi khi nhạc sĩ vẫn nghĩ mình là “đỉnh”, cho rằng sáng tác của mình là hay nhất, đó là chuyện thường, miễn là anh không quên nhiệm vụ của mình là sáng tác thật hay. Điều đó mới quan trọng hơn việc anh có là “tứ trụ”, “tứ quái” gì đó không...

* Xin cảm ơn ông.

BÙI DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên