27/02/2015 09:03 GMT+7

​Nguy hiểm biển Bãi Dài, Bãi Tây

DUY THANH
DUY THANH

TT - Chỉ trong khoảng ba tuần đã xảy ra ba vụ tai nạn khi tắm biển làm chết tám người tại khu vực biển Bãi Dài, Bãi Tây ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa).

Trưa 25-2, dù lực lượng cứu hộ ở Bãi Dài (Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cắm cờ và biển cảnh báo cấm tắm trong vùng nước nguy hiểm nhưng du khách này vẫn xuống tắm - Ảnh: Tiến Thành

Chuyên gia hải dương học khuyến cáo đây là vùng biển nguy hiểm với rất nhiều dòng xoáy ngầm có lực hút ngược ra biển rất mạnh (dòng RIP).

Bãi Dài kéo dài từ nam đèo Cù Hin đến phía đông bắc Vùng 4 hải quân có bờ biển sạch đẹp, hoang sơ, cát trắng, độ dốc thấp rất thu hút du khách...

Vào thời điểm chuyển giao từ mùa hè sang mùa đông (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch) và gió mùa đông bắc (tháng 11 năm trước đến tháng giêng âm lịch năm sau) là mùa xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ, nguy hiểm nhất của các dòng RIP trên Bãi Dài
TS LÊ ĐÌNH MẦU

Liên tục chết người

Chiều mùng 4 Tết Ất Mùi (22-2), một nhóm người trong gia đình ở xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đến biển Bãi Tây (phía đông bắc sân bay Cam Ranh) chơi và tắm biển. Trong lúc tắm, em Dương Minh Thiệu (18 tuổi) bất ngờ bị sóng kéo ra xa không bơi vào được.

Anh Ngô Minh Trí (37 tuổi, là cậu ruột của Thiệu) thấy vậy đã lao ra cứu cháu nhưng nhanh chóng bị sóng nhấn chìm. Hai người trong nhóm mặc áo phao nhảy xuống ứng cứu cũng bị sóng lớn cuốn, may mắn là sau đó họ thoát khỏi vùng xoáy và được đưa lên bờ, đi bệnh viện cấp cứu.

Một thanh niên khác ở xã Cam Phúc Ðông, trên đường đi ngang qua khu vực này thấy nhiều người chới với đã lao xuống cứu cũng bị sóng cuốn chết.

Trước đó ngày 26-1, một nhóm bảy bạn trẻ từ tỉnh Lâm Ðồng xuống vùng biển Bãi Dài thuộc P.Cam Nghĩa (TP Cam Ranh) tắm biển. Cả bảy người đều bị dòng xoáy ngầm hút ra biển nhưng may mắn chỉ đến với ba người, bốn bạn trẻ còn lại chết đuối. Tiếp đó ngày 28-1, một nam du khách Nga xuống biển Bãi Dài tắm cũng bị sóng cuốn chết...

Theo lực lượng cứu hộ bờ biển thuộc Trung tâm Dịch vụ khu du lịch bán đảo Cam Ranh, các nạn nhân chết đuối ở Bãi Dài, Bãi Tây vào đầu năm nay là do chủ quan với các cảnh báo hoặc không biết vùng hoạt động của dòng RIP và bị sóng cuốn chết.

Rất nguy hiểm

TS Lê Ðình Mầu - phó viện trưởng Viện Hải dương học, là người có công trình nghiên cứu về dòng RIP ở bờ biển tỉnh Khánh Hòa - cho biết vùng biển Bãi Dài, Bãi Tây là nơi xuất hiện dòng RIP dày đặc nhất VN và hầu hết là dòng RIP xác định, có thể nhận biết được bằng mắt thường.

Theo ông Mầu, càng về phía nam Bãi Dài các dòng RIP phân bố thưa hơn nhưng độ nguy hiểm cao hơn vì dòng RIP rộng, tốc độ chảy của nước lớn. “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy dòng RIP ở vùng bờ biển thoai thoải như tại Bãi Dài, Bãi Tây nguy hiểm hơn nhiều so với vùng bờ biển dốc như ở Nha Trang.

Với tốc độ chảy 0,5-2,5 m/giây, nếu không may sa vào vùng hoạt động của dòng RIP thì người bị sóng cuốn đối mặt ngay với nguy hiểm chết người. Nhiều người bơi rất giỏi, rất khỏe nhưng vẫn chết đuối nếu gặp dòng RIP” - ông Mầu nói.

Theo ông Huỳnh Văn Nhật Tiến - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khu du lịch bán đảo Cam Ranh, từ khi đội cứu hộ bờ biển của trung tâm đi vào hoạt động năm 2010, bình quân mỗi năm đội cứu được cả chục trường hợp người tắm biển bị dòng RIP cuốn.

Trung tâm đã dựng các biển cảnh báo, cắm cờ đỏ báo hiệu vùng nước nguy hiểm không được tắm, đồng thời cử lực lượng túc trực thường xuyên ở những vị trí đông khách du lịch, nhưng tai nạn đuối nước vẫn liên tục xảy ra. Lý giải về thực trạng này, ông Tiến cho biết năm nay du khách cùng người dân địa phương đến biển Bãi Dài du lịch và tắm biển tăng đột biến.

Trong khi đó, lực lượng đội cứu hộ bờ biển chỉ có mười người phải đảm nhiệm chiều dài bờ biển hơn 12,5km nên rất khó khăn.

“Chúng tôi phải chỉ dẫn người dân, du khách tập trung về 1-2 điểm để tắm nhằm bố trí lực lượng cứu hộ đảm bảo ứng phó khi có sự cố xảy ra, nhưng cũng không thể nào quản lý hết được vì có đến 10 ngõ nối từ đường Nguyễn Tất Thành ra biển Bãi Dài. Bên cạnh đó rất nhiều người phớt lờ các biển báo nguy hiểm, cờ, phao tín hiệu của lực lượng cứu hộ, thậm chí có trường hợp còn cho rằng chúng tôi gây khó dễ khi ngăn không cho họ xuống vùng nước nguy hiểm” - ông Tiến nói.

Theo ông Lê Ðình Mầu, vùng biển Bãi Dài đang phát triển du lịch mạnh mẽ nên cần phải tăng cường năng lực, nhân lực, vật lực cho đội cứu hộ bờ biển ở đây.

“Việc thông báo, tuyên truyền cũng phải hiệu quả hơn. Chẳng hạn nhiều du khách từ nơi khác đến không rõ cây cờ đỏ dựng trên bờ biển là gì, thấy xung quanh có sóng mà chỗ cắm cờ lại êm nên nhảy xuống tắm và gặp nạn. Ngoài ra số biển có thông tin cảnh báo dọc biển Bãi Dài cũng không nhiều” - ông Mầu nói.

Trước các vụ chết đuối liên tục xảy ra trên địa bàn, ông Trần Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh - cho biết đã chỉ đạo các địa phương cảnh báo trong dân về sự nguy hiểm của dòng RIP trên bờ biển Bãi Dài, Bãi Tây; đồng thời sẽ kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét tăng cường nhân lực, phương tiện cho đội cứu hộ bờ biển Bãi Dài để hoạt động hiệu quả hơn.      

Cách nhận biết dòng RIP

Theo TS Lê Đình Mầu, đối với dòng RIP xác định, du khách và người dân có thể nhận biết bằng cách nhìn thấy cát trên bờ biển giống như hình thù vỏ sò, mà khu vực nước dưới phần bờ cát lõm xuống thường là nơi có dòng chảy ngược ra biển, đó là dòng RIP.

“Nhìn trên biển chúng ta thấy hiện tượng sóng đổ trắng xóa ở hai bên, còn ở giữa không có sóng, nước xanh thẫm (thường có chiều ngang khoảng 150-200m) thì đó có thể là dòng RIP. Cũng có thể nhận biết dòng RIP bằng cách quan sát những vật nổi hay bọt sóng bên trên vùng biển “êm” đó sẽ thấy chúng bị kéo ngược từ bờ ra khơi. Những vùng lặng như thế rất nguy hiểm, không nên tắm, bơi” - ông Mầu khuyến cáo.

Làm gì nếu sa vào dòng RIP?

Theo ông Huỳnh Văn Nhật Tiến, nạn nhân rơi vào dòng RIP sẽ bị nhấn chìm, cuốn rất nhanh ra khơi từ vài chục đến hơn cả trăm mét. Khi đó nạn nhân sẽ bị đuối nước rất nhanh do quá sợ hãi, mất bình tĩnh, cố bơi ngược dòng nước rút để về lại bờ.

Theo kinh nghiệm, trong trường hợp bị dòng RIP cuốn, nạn nhân nên để dòng nước đưa ra xa bờ, khi lực dòng RIP yếu có thể bình tĩnh bơi ngang và tìm vùng có sóng đổ để theo lại vào bờ.

Còn những người trên bờ khi thấy nạn nhân bị dòng RIP cuốn cần tìm cách động viên để nạn nhân bình tĩnh, không nên lao vào vùng nước có nạn nhân mà nên bơi ở vùng sóng đổ ở hai bên, mang theo các vật dụng như áo phao, phao nổi và tìm cách tiếp cận nạn nhân ở xa dòng RIP.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên