20/12/2024 12:30 GMT+7

Nguy cơ sắp hết một nguồn quặng lớn, ảnh hưởng tới ngành phân bón, hóa chất

Chất lượng quặng apatit suy giảm khó đáp ứng được tiêu chuẩn phân bón cung cấp ra thị trường, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguy cơ sắp hết một nguồn quặng lớn, ảnh hưởng tới ngành phân bón, hóa chất - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Phùng Quang Hiệp - Ảnh: NGỌC AN

Ngày 20-12, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản quốc gia theo quyết định 866 ngày 18-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phùng Quang Hiệp, chủ tịch Vinachem, cho hay quặng apatit trong sản xuất phân bón chứa lân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả, nâng cao chất lượng cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Khó khăn trong thực hiện quy hoạch

Từ thực tế triển khai, ông Phùng Ngọc Bộ, trưởng Ban kỹ thuật Vinachem, cho hay trong quyết định 866, apatit được coi là khoáng sản có trữ lượng lớn, có chiến lược quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030 với gần 2 triệu tấn. Cùng đó, có 10 khu vực với mục tiêu trữ lượng 260 triệu tấn được thăm dò mới.

Theo đánh giá, nguồn cung ứng apatit của Việt Nam đứng top 5 thế giới. Tuy nhiên, ông Bộ cho hay việc thực hiện quy hoạch 866 có những khó khăn nhất định. Đó là công suất khai thác chưa phù hợp với công suất khai thác trong các giấy phép đã được cấp.

Tại khai trường 23, công ty khai thác chỉ huy động cấp trữ lượng vào thiết kế khai thác mỏ với tổng khối lượng là 865.435 tấn, thấp hơn trữ lượng huy động theo quy hoạch là hơn 1,3 triệu tấn, gây khó khăn cho hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp phép.

Chưa kể tọa độ ranh giới khai trường theo quy hoạch với khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản có sai lệch. Khu vực có quặng apatit là không nằm trong quy hoạch 866 và quy hoạch vùng khoáng sản dự trữ quốc gia. Việc xin cấp phép thăm dò cần nhiều thời gian…

Thực trạng trên đặt ra nguy cơ, đó là thiếu hụt nguồn quặng apatit nguyên khai để duy trì hoạt động của các nhà máy tuyển; thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy phân bón và hóa chất chứa lân. Thực tế này ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của gần 10.000 người lao động trong ngành.

Ông Vũ Việt Tiến - tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 - Vinachem - cho biết theo thiết kế, xưởng sản xuất axit phosphoric (PA) cho các sản phẩm phân bón của Nhà máy DAP số 2 sử dụng 100% quặng tuyển từ Nhà máy tuyển Tằng Loỏng. 

Lo chất lượng apatit suy giảm, đến năm 2040 có thể hết quặng 

Tuy vậy, chất lượng quặng qua các năm ngày càng suy giảm, hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại (Fe2O3, Al2O3, MgO,…) có xu hướng ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty, đặc biệt là chất lượng sản phẩm phân bón, gây khó khăn cho bán hàng. 

Để tháo gỡ khó khăn, ông Tiến đề nghị cần sớm có giải pháp ổn định sản xuất đảm bảo nguồn cung cấp quặng; nâng cao chất lượng quặng tuyển; tìm kiếm các giải pháp để cải thiện điều kiện, tận thu triệt để tài nguyên khi chất lượng quặng ngày càng suy giảm.

Thực tế này cũng được ông Nguyễn Văn Sơn, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, đưa ra khi cho biết việc duy trì nhà máy tuyển là cực kỳ khó khăn. Bởi đến hết năm 2024 việc đáp ứng nguồn nguyên liệu quặng III cung cấp cho các nhà máy tuyển chỉ còn lại khoảng 30,5 triệu tấn, từ năm 2026 nguồn quặng III kho lưu hết, chỉ còn khai thác với công suất 1,4 triệu tấn. 

Cùng đó, với trữ lượng và công suất khai thác quặng II hiện có, công ty cũng không đủ cơ sở nguyên liệu để xây dựng nhà máy tuyển quặng II. Với thực trạng hiện tại, công ty không đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trong tập đoàn, đặc biệt là quặng III và dự kiến từ năm 2037 đến 2040 sẽ hết nguồn quặng (I, II, III), mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp về công nghệ. 

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, cấp phép

Đại diện Vinachem kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép Công ty Apatit Việt Nam được thăm dò quặng II và giấy phép khai thác tại cụm khai trường 20-22, 23 không qua đấu giá. Ủng hộ gia hạn giấy phép khai thác khai trường 10 và 18; giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhu cầu sử dụng đất.

Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp với quy hoạch 866 để tháo gỡ vướng mắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác; kiến nghị, báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương không qua đấu giá, giao công ty của Vinachem thực hiện các dự án…

Nguy cơ sắp hết một nguồn quặng lớn ảnh hưởng tới ngành phân bón, hóa chất - Ảnh 3.Vinachem đưa phân bón, săm lốp, hóa chất tiến vào thị trường Brazil

Vinachem tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, bạn hàng tại Brazil trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp hóa chất xanh, lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành hóa chất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên