20/05/2004 15:34 GMT+7

Nguy cơ mất làng nghề truyền thống

Theo Thương Mại
Theo Thương Mại

Cả nước có gần 1490 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống. Hàng năm giá trị kinh tế từ sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề khoảng 600 triệu USD. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, làng nghề còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng.

RClg24jx.jpgPhóng to
Tranh Đông Hồ cũng có nguy cơ bị thất truyền
Cả nước có gần 1490 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống. Hàng năm giá trị kinh tế từ sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề khoảng 600 triệu USD. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, làng nghề còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng.

Hà Nội, mảnh đất có nhiều nghề, phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng đang dần bị mai một hoặc đang sống một cách lay lắt. Điển hình là làng nghề làm giấy sắc Nghĩa Đô. Tuy hiện nay giấy sắc không được dùng nhưng giấy sắc vẫn có công dụng quan trọng trong việc khôi phục gia phả, thư tịch cổ và nhất là dùng để viết những bằng khen cao quí.

Hiện nghề làm giấy sắc Nghĩa Đô chỉ còn duy nhất ông Lại Phú Bàn nhờ bí quyết gia truyền. Vì tuổi cao sức yếu, ông Bàn cũng đã thôi không làm giấy sắc và con cháu ông thì không ai theo nghề. Việc thất truyền nghề giấy sắc là điều có thể xảy ra. Không riêng nhà họ Lại mất nghề gia truyền mà xã hội cũng mất đi một nghề cao quí của tổ tiên.

Các không xa làng Nghĩa Đô là làng Vòng với nghề cốm nổi tiếng. Trước đây hơn 80% dân làng Vòng làm cốm thì nay số hộ làm cốm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng Vòng với nghề cốm nức danh nay cũng đang trong tình trạng mất nghề truyền thống.

Ngoài hai làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền kể trên, Hà Nội còn rất nhiều các nghề, làng nghề truyền thống đang mai một như nghề đúc đồng Ngũ Xá, nghề làm tranh dân gian, làng thuốc nam Đại Yên...

Tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với tranh Đông Hồ nhưng nay làng tranh đã thành làng làm hàng mã. Làm tranh Đông Hồ hiện chỉ còn 3 gia đình còn duy trì, nhưng chủ yếu là người cao tuổi gắn bó với nghề. Một mai khi thế hệ này về với tổ tiên thì tranh Đông Hồ không biết có tồn tại được với thời gian?.

Nguyên nhân chính của việc mai một và biến mất của các nghề và làng nghề là do cơn lốc đô thị hóa, do đầu ra cho các sản phẩm truyền thống không còn nhiều. Các sản phẩm truyền thống khi làm ra không có thị trường tiêu thụ nên các hộ sản xuất phải tìm nghề khác để mưu sinh. Dẫu sao nhiều người cũng rất quyến luyến nghề của tổ tiên nhưng họ cũng đành dứt bỏ.

Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì yếu tố nhân lực, thợ nghề cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng làng nghề hiện nay. Số nghệ nhân đã vào tuổi "xưa nay hiếm", thợ có tay nghề lại đếm trên đầu ngón tay. Lớp thanh niên phần lớn đều không mặn mà với nghề "cha truyền con nối". Hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn.

Ngoài ra vấn đề thiếu thốn, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống rất khó khăn, chật vật.

Để các làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, điều quan trọng là xây dựng được kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. Vì thế mà thời gian gần đây, các nhà qui hoạch đang nhất trí với nhau ý tưởng liên kết các làng nghề với ngành du lịch, với mục đích là biến các làng nghề thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của du khách.

Với ý tưởng này phần nào sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch, mặt khác tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm thủ công truyền thống.

Với tầm quan trọng của làng nghề và để giữ nghề truyền thống, "Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ" Hà Nội có dự án đáng khích lệ là: "Cải tiến thiết kế mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề truyền thống", do cơ quan hợp tác phát triển Australia tài trợ.

Nội dung dự án là xây dựng bộ giáo trình và tiến hành đào tạo hơn 120 thợ cả các nghề mây tre, đan, gốm, sứ, chạm bạc, đúc đồng, sơn mài và khảm trai. Hy vọng các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp sớm có nhiều dự án tích cực để các nghề, làng nghề truyền thống mãi tồn tại và phát triển giữ lại cho thế hệ mai sau những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Theo Thương Mại
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên