15/02/2009 06:01 GMT+7

Ngưu Lang - Chức Nữ thời nay - Kỳ cuối: Chờ đợi những mùa trăng

PHI LONG
PHI LONG

TT - Xã biển Hoài Hương, Hoài Nhơn (Bình Định) có tiếng với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ. Đàn ông ở đây từ nhỏ đã quen với việc xa đất liền, đến khi có vợ cuộc sống của họ cũng gắn liền với những vùng biển xa khơi. Những người vợ ở nhà chờ ngày trở về của chồng. Những người có tiền thì chờ mùa trăng để vào Nam hoặc ra Bắc thăm chồng, người nào gia đình khó khăn phải mòn mỏi đợi đến giáp tết mới gặp được mặt chồng sau một năm xa cách.

2XdPS8rP.jpgPhóng to

Cứ mỗi mùa trăng đến, nhiều phụ nữ ở Hoài Hương lên cầu Dợi (Bồng Sơn) đón xe đi gặp chồng -Ảnh: Phi Long

Những chuyến xe

Mùa trăng là cách mà người dân nơi đây gọi để chỉ thời gian các ghe đi đánh cá vào bờ buôn bán. Thường sau ngày rằm (15 âm lịch hằng tháng), các ghe sau khi lấy dầu và lương thực là bắt đầu những chuyến đánh bắt cá mực ở vùng biển xa khơi và trở về sau ngày 5 (âm lịch). Đây là thời điểm phụ nữ đi gặp gỡ chồng, giúp chồng bán cá mực, lên chợ mua lương thực thực phẩm cho chuyến đi tiếp theo.

Ông Võ Xuân Phải, phó chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cho biết: “Toàn xã có hơn 800 tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ ở nhiều vùng biển trong cả nước, trải dài từ mũi Sa Vỹ (Quảng Ninh) đến tận Hà Tiên (Kiên Giang).

Cả xã sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ biển nên hầu hết đàn ông ở đây đi biển từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Họ sống xa vợ con và một số ít phụ nữ có cơ hội gặp chồng vào các mùa trăng, số còn lại mỗi năm gặp một lần vào dịp tết. Phụ nữ ở đây ngoài việc nhà đảm đang còn phải canh cánh nỗi nhớ nhung chờ đợi người chồng từ phương xa. Tuy nhiên, những bất trắc trên biển luôn rình rập và nhiều người đã ra đi không trở lại, để lại vợ con mòn mỏi trông chờ”.

Cứ đến hẹn, nhiều chiếc xe trong huyện và các huyện lân cận kéo về bến xe trước trung tâm văn hóa xã chờ khách. Bà Bùi Thị Liễu (thôn Thạnh Xuân) nhớ lại: “Cách đây chục năm về trước tìm một chiếc xe để đi gặp chồng vào mùa trăng là vô cùng khó khăn. Cả xã có cả trăm phụ nữ muốn đi gặp chồng, nhưng xe chỉ hai ba chiếc nên không đáp ứng đủ nhu cầu”.

Thời đó, mỗi chuyến xe từ xã Hoài Hương ra Hòn Gai (Quảng Ninh) phải mất ba ngày hai đêm hay vào miền Nam cũng mất hai ngày đêm. Bà Liễu cho biết thêm sợ cảnh “chặt chém” trong các quán xe tù cơm nhốt, nên mỗi người chuẩn bị các cà mèn mang theo cơm nấu sẵn hoặc lương khô ăn dọc đường để đỡ tốn kém. Các điểm đến như Quảng Bình, Mỹ Tho (Tiền Giang)… cũng là nơi đón nhiều phụ nữ Hoài Hương đến vào các mùa trăng vì những vùng biển này được nhiều ghe chọn làm nơi đánh bắt cá mực. Bây giờ xe nhiều và có phần tốt hơn, những chuyến đi cũng đỡ vất vả.

Chị Trần Thị Liệu ở thôn Thiện Đức cho biết đã gần 10 năm nay, cứ mỗi mùa trăng đến là chị lại đi thăm chồng. Đã có lần chị đinh ninh ghe sẽ vào Quảng Ninh bán mực nên ngày 5 lên xe và có mặt tại Hòn Gai sau đó hai ngày. Chịu khó kiếm chỗ nhà quen ngủ để đỡ tốn kém năm ngày nhưng vẫn không thấy tin tức của chồng.

Sốt ruột, chị gọi điện thoại về nhà mới biết chồng chị vừa điện về báo do gặp bão nên ghe đã vào Quảng Bình. Ngày trước vùng biển ngoài khơi Quảng Ninh đánh bắt được nên chị ra tận Hòn Gai gặp chồng, nay ghe chồng chuyển xuống Phú Quốc, Côn Đảo, chị lại theo xe vào Nam.

Mỗi chuyến đi gặp chồng cũng phải tốn 200.000-400.000đ tùy theo địa điểm tàu cập bến, tất cả đều cậy nhờ vào tiền đi biển của chồng. Chị Huỳnh Thị Hồng (thôn Thạnh Xuân) cho biết những chuyến biển trúng mỗi người đi bạn có thể được chia 500.000-1 triệu đồng, nhưng không ít chuyến chỉ được 100.000-200.000đ và cũng có khi trắng tay. Vì thế không ít người đắn đo có nên đi thăm chồng hay không. Chị Hồng còn kể một chuyện tế nhị: “Chuyện nam nữ dưới ghe là điều kiêng cữ của người làm biển, do đó vợ chồng có gặp nhiều khi chỉ hỏi thăm sức khỏe của nhau rồi tâm sự vài câu và chia tay”.

ZbEiV3bC.jpgPhóng to

Chị Cao Thị Kim Cúc ở nhà nuôi con một mình - Ảnh: Tuấn Tú

Nuôi con đợi chồng

Cũng không hiếm trường hợp không có cơ hội vào thăm chồng mỗi tháng vì khó khăn. “Muốn đi cũng được nhưng tính đi về tốn tiền nên đành ở nhà. Đành sống với cảnh nhớ chồng, còn số tiền ra vào phải dành cho con ăn học. Những mùa trăng trúng cá mực còn đỡ, chứ mùa ế coi như chồng trắng tay”, chị Huỳnh Thị Hồng cho biết. Không riêng chị Hồng, nhiều chị em ở Hoài Hương không có điều kiện đi hằng tháng, phải đợi đến hết chuyến tàu cuối năm chồng họ mới có cơ hội về nhà. Có trường hợp chuyến biển mùa tết có mực, nhiều người chấp nhận đi biển qua ngày tết để hi vọng có thêm thu nhập gửi về nhà cho vợ con. Một số tìm cách đi thăm chồng bằng cách đến đó tìm việc làm như vá lưới thuê cho các ghe để có tiền đi đường.

Trong căn nhà trên động cát cao, chị Cao Thị Kim Cúc (thôn Thạnh Xuân Đông) ở nhà một mình vò võ nuôi con. Sống với hai đứa con trong khi chồng đi biển, mỗi ngày chị phải lo ăn uống cho con và quán xuyến chuyện nhà cửa. Rảnh tay, chị về nhà mẹ để phụ cơm nước cho cha mẹ già rồi quay về nhà lo tiếp cho hai đứa con. Chồng đi bạn thu nhập bấp bênh, trăng có trăng không nên chị và nhiều chị em khác chấp nhận ở nhà đợi chồng. Những mùa trăng trúng biển, vài tháng chồng về nhà một lần, nhưng năm nào biển đói kém cả năm chị mới có cơ hội gặp chồng một lần.

Chị nói: “Cứ mùa trăng đến thấy chị em nô nức đi thăm chồng, tôi cũng tủi thân lắm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn phải chấp nhận”. Cùng cảnh ngộ với chị Cúc, chị Vương Thị Tuyết (thôn Thiện Đức) cũng đành ở nhà nuôi con đợi chồng. Buổi sáng sau khi cho con đi học, chị lại quảy gánh ra chợ bán hàng đến trưa về lo bữa cơm cho con. Ngày chị sinh đứa thứ hai anh vẫn còn ở ngoài biển khơi và không hề biết tin tức gì, chỉ khi ghe cập bến anh điện về gia đình hỏi thăm sức khỏe mới biết mình được làm cha lần thứ hai.

Phụ nữ ở xã biển Hoài Hương có cách tính thời gian xa chồng dựa vào ánh trăng. Chị Hồng cho biết nhiều lúc hỏi đã xa chồng bao lâu nhiều chị em ở đây không nhớ được bao tháng, mấy ngày, nhưng hỏi mấy mùa trăng thì họ có thể nhớ không sai. Cũng như bao người phụ nữ khác, cứ gần đến ngày rằm chị Hồng lại ngắm trăng mong mỏi hình bóng chồng. “Trăng đến, trăng lại đi nhưng có khi chồng đi biền biệt không thấy trở về. Đó là tình cảnh của không ít phụ nữ ở đây khi chồng chẳng may gặp tai nạn và mất đi”, chị Hồng tâm sự.

Những chuyến biển ở đây nuôi sống cả gia đình, nhưng những chuyến đi dài ngày với nguy hiểm luôn rình rập ngoài khơi xa khiến nhiều phụ nữ nơi đây trở thành hòn vọng phu vò võ chờ chồng. “Tôi là người trong cuộc nên biết và hiểu nỗi niềm của người phụ nữ miền biển. Chúng tôi phải một mình cam chịu gánh hai vai nhưng vui vẻ chấp nhận, vì biết ngoài biển khơi các anh còn vất vả hơn gấp bội lần và không ít nguy hiểm luôn rình rập. Vợ chồng miền biển giống viễn cảnh của Ngưu Lang - Chức Nữ ngày xưa lâu lâu mới gặp một lần. Nhưng Ngưu Lang - Chức Nữ chắc chắn gặp được nhau sau mỗi lần chia tay nhờ nhịp cầu Ô Thước, còn chúng tôi có khi vĩnh viễn không gặp lại chồng”, chị Cúc nói với giọng đầy nỗi niềm thương nhớ.

_________________________

Đón đọc số tới: Dung Quất - dòng dầu đã chảy

Ngày 22-2, Nhà máy lọc dầu Dung Quất xuất xưởng mẻ dầu đầu tiên.

Đã 17 năm tính từ tháng 9-1992, khi những nhà khoa học đặt bước chân đầu tiên đến Dung Quất. Tròn 15 năm nếu tính từ tháng 9-1994, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thị sát và sau đó cùng với Chính phủ có những quyết định để có một Dung Quất bây giờ.

Có những câu chuyện về Dung Quất bây giờ mới kể...

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên