![]() |
Mụn dừa - một loại rác thải độc hại tràn ngập ở Bến Tre nay đã được xuất khẩu - Ảnh: Vân Trường |
Bước ngoặt cuộc đời
Cơ sở của anh Trí..., thì ra đó là cơ sở sản xuất mụn dừa - thứ được thải ra từ những cơ sở làm chỉ xơ dừa - của DNTN Đất Xanh, do Trần Minh Trí làm giám đốc. Mỗi tháng cơ sở này đã cứu cho sông Thom khỏi nhận gần 2.000 tấn mụn dừa.
Ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày, có phân xưởng 2 của Đất Xanh. Tôi gặp anh Trí tại phân xưởng này, lúc anh kiểm tra các lô hàng đã đóng kiện chuẩn bị đưa lên Tân Cảng xuất sang Hàn Quốc. Con đường trở thành ông chủ trẻ của một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu mụn dừa của anh gần như chỉ là tình cờ. Tốt nghiệp ĐH ngành quản trị kinh doanh, Trần Minh Trí tiếp tục học ĐH Luật để trở thành luật sư theo ý nguyện của người cha, một luật sư. Năm 1998 trở về quê nhà xin vào làm việc ở Xí nghiệp Cơ khí công nông (XNCKCN) Bến Tre. Loay hoay mấy năm rồi... thất nghiệp.
Một hôm, tình cờ Trí gặp một người quen ở Công ty O.P (DN từng có mối quan hệ làm ăn với XNCKCN những năm trước). Anh này than thở: “XNCKCN không bán mụn dừa để xuất sang Hàn Quốc nữa”. Rồi đột nhiên anh ấy nói: “Hay là ông mở nhà máy ép mụn dừa cung cấp cho công ty tôi đi!”. Trí cứ nghĩ ông bạn nói đùa nên chỉ cười trừ. Tối hôm đó, Trí lướt web như mọi ngày để tìm việc. Nhớ lời đề nghị của người bạn, Trí gõ chữ “coco peat” (mụn dừa)... Một loạt tên DN từng là đối tác thu mua mụn dừa của XNCKCN hiện ra.
Từng là nhân viên phòng kinh doanh, nhiều lần Trí được tháp tùng cùng các DN nước ngoài đi khảo sát thị trường Bến Tre. “Lần nào đưa khách đi ngang sông Thom họ cũng dừng lại thắc mắc tại sao người ta xả rác xuống sông nhiều thế. Khi biết đó là mụn dừa, họ tặc lưỡi tiếc rẻ bảo rằng mụn dừa là tiền. Tiền mà để... gây ô nhiễm. Hồi ấy, có lẽ do ngày nào cũng nhìn dòng sông đầy rác nên tôi không có ấn tượng gì về lời nói của họ...” - Trí nhớ lại.
Đến khi đọc kỹ các thông tin về mụn dừa trên mạng, Trí mới giật mình thấy rằng mình quá... vô cảm. Nếu cứ bỏ mụn dừa trôi sông như vậy thì quá lãng phí và có ngày dòng sông này sẽ “chết”. Bấy giờ anh mới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về lời đề nghị mở xưởng ép mụn dừa. Một thời gian ngắn sau đó DNTN Đất Xanh ra đời và một xưởng ép viên mụn dừa mọc lên ở xã Nhơn Thạnh, thị xã Bến Tre. Từ đó, Trần Minh Trí chuyển hướng cuộc đời, gắn với việc gom rác thải mụn dừa dọc bờ sông Thom...
Kiếm tiền từ... rác
Mụn dừa (hay mùn dừa - coco peat) được coi là loại rác thải độc hại. Chất chát (tên khoa học là lignin) có trong mụn dừa tươi gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Cá, cây sẽ chết nếu sống ở nơi bị nhiễm chất chát của mụn dừa... Vì sao nhiều nước lại nhập khẩu thứ rác độc hại này? Trí tiết lộ: “Họ nhập về để sản xuất đất sạch phục vụ ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, trồng hoa kiểng. Do mụn dừa ép viên hút ẩm cực tốt nên người ta còn dùng để lót sàn trang trại chăn nuôi. Sau một thời gian họ xúc toàn bộ lớp mụn dừa này làm phân bón cho cây...” |
Một người từng làm việc tại XNCKCN Bến Tre là anh Hà Văn Thương nghe tin Trí mở DN sản xuất mụn dừa đã giơ hai tay ủng hộ. Theo anh Thương, nghề này vừa kiếm được tiền, vừa giải quyết việc làm cho nông dân và quan trọng hơn là sẽ góp tay cứu dòng sông Thom đang có nguy cơ trở thành bãi rác của ngành công nghiệp chỉ xơ dừa.
Anh Thương giao cho Trí một chiếc máy ép mụn dừa trị giá 70 triệu đồng. Với chiếc máy này, mụn dừa sẽ biến thành từng khối, mỗi khối như viên gạch to, nặng khoảng 5kg. Những khối mụn dừa này vượt đại dương đến nhiều nước...
Từ năm 2005 đến nay, tháng nào DNTN Đất Xanh của Trí cũng xuất cho Công ty TNHH Mecos (Hàn Quốc) gần 100 tấn mụn dừa thành phẩm. Ngoài khách hàng quen thuộc là Công ty O.P, Trí còn lên mạng tìm được nhiều đối tác ở Trung Quốc, châu Âu... Trí đưa tôi xem đơn hàng của một DN ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đặt mua hơn 200 tấn mụn dừa/tháng với giá 80 USD/tấn và tỏ ý tiếc rẻ: “Giá này cao hơn giá tôi bán cho một số DN ở Hàn Quốc, nhưng khổ nỗi không có hàng để giao cho họ”.
Trí nói rằng vài năm nay nhu cầu tiêu thụ mụn dừa ép viên ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... rất lớn. Một DN Hàn Quốc khi đến tham quan xưởng của Trí đã... chê: “Máy ép này chậm quá, chỉ có 50-60 viên/giờ. Bên Sri Lanka người ta có máy ép tới 100 viên/giờ”. Trí tìm gặp “chiến hữu” Hà Văn Thương và mấy người bạn làm nghề cơ khí bàn cách tăng công suất máy ép. Cuối cùng các anh tìm ra cách gắn thêm một máy bơm thủy lực vào máy... Kết quả thật bất ngờ: công suất tối đa đạt tới 120 viên/giờ. Ấy vậy mà vẫn không đủ cung cấp.
Để sản xuất được 1 tấn mụn dừa thành phẩm phải cần tới 10 tấn mụn dừa tươi. Hiện DN của Trí thu mua mụn dừa tươi với giá 6.000 đồng/m3. Trung bình mỗi tháng DNTN Đất Xanh cần tiêu thụ trên dưới 1.800 tấn mụn dừa tươi. Khoảng 20% trong số này được Công ty cổ phần chế biến chỉ xơ dừa 25-8 ở Mỏ Cày cung cấp, số còn lại do người dân địa phương thu gom chở đến.
Chở mụn dừa đã trở thành nghề của nhiều nông dân nghèo ở Bến Tre, như anh Phương, người hàng xóm của Trí. Anh nói rằng rất nhiều cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa khu vực Chợ Thom rất vui vẻ khi cho tất cả mụn dừa thải ra, bởi “nếu không thì họ cũng lén đổ xuống sông chứ biết làm gì đâu...”. Vì vậy, với một chiếc ghe trọng tải hơn 20 tấn và hai lao động, mỗi ngày anh có thể kiếm được hơn 100.000 đồng. “Chỉ mỗi việc xúc mụn dừa vào cần xé rồi vác xuống ghe chở đi bán mà thôi...” - anh Phương nói.
Sau gần hai năm sống với nghề xuất khẩu mụn dừa, Trần Minh Trí vẫn không quên ước mơ trở thành một luật sư để nối nghiệp cha. “Khi công việc làm ăn ổn định, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để học hỏi, làm luật sư miễn phí giúp đỡ người nghèo quê tôi”. Hiện Trí đã được Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre nhận làm luật sư tập sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận