Phóng to |
Có giai thoại về Vũ Bình khi cùng các đồng nghiệp báo Người Lao Động thâm nhập thực tế để viết loạt phóng sự Tôi đi ăn mày. Ai cũng trang bị “đạo cụ”, hóa trang cho giống ăn mày, nhưng riêng Vũ Bình thì không, anh vẫn bộ đồ nhàu nát, bộ dạng “mất sổ gạo” đi tác nghiệp, vậy mà chiều về trong khi các đồng nghiệp không “xin” được đồng nào, Vũ Bình đã trọn vai ăn mày với gần trăm ngàn bà con “thương tình” bố thí cho.
Khi Vũ Bình về ban phóng sự - ký sự báo Tuổi Trẻ, những thiên phóng sự nhiều kỳ Đời xe ôm, Ở nơi “ý thức đi vắng”, Đi bán giấc mơ triệu phú, Cửu vạn vùng biên..., anh đều vào trọn vai và có những trang viết không chỉ ngồn ngộn chất sống của đời thường mà còn âm thầm chia sẻ với những phận đời bần hàn nhất, khốn cùng nhất.
Có đôi lúc anh cũng “đi tây đi u” viết phóng sự ở nước ngoài, cũng có những bài anh viết về giới ăn chơi, thượng lưu nhưng với tôi, những phóng sự về thân phận những người nghèo khó đang ngày đêm âm thầm mưu sinh trên góc phố lề đường mới chính là những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của anh.
Có lần tôi hỏi anh: “Ông viết vì muốn nổi tiếng hay viết vì những thân phận nghèo?”. Hỏi xong đã biết mình hỏi một câu vô duyên. Cuộc sống thật của Vũ Bình là một cuộc sống êm đềm mà ai cũng mơ ước với vợ đẹp con ngoan, điền trang ở miệt ngoại ô với vườn kiểng có thể mang đến cho anh cuộc sống thật sự an nhàn. Vậy mà anh lại chọn cho mình con đường viết về những thân phận nghèo khổ trên đời; và hơn thế nữa, anh “cùng ăn, cùng ở, cùng sống” như họ, có khi hàng tháng trời... Phải có tấm lòng yêu nghề, yêu người thật sự mới có thể dấn thân đến như thế…
Những trang viết từ sự dấn thân ấy (của Vũ Bình cùng các đồng nghiệp: Duy Bình, Kim Em, Phương Nguyên...) vừa được tập hợp lại trong tập phóng sự - ký sự Phố đèn đỏ do Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ thực hiện, Sahara.com.vn phát hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận