13/05/2009 04:01 GMT+7

Người viết văn như người đi tìm đạo

LÊ TẤN QUỲNH thực hiện
LÊ TẤN QUỲNH thực hiện

AT - Bộ phim Trăng nơi đáy giếng đã đoạt giải Cánh diều bạc 2008. Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai.

iSgiMDNB.jpgPhóng to

Chị sinh năm 1954, hiện là biên tập viên của NXB Thuận Hóa. Nhà văn của đất cố đô này đã xuất bản nhiều tập truyện như: Bài thơ về biển khơi, Thị trấn hoa quỳ vàng, Cỏ hát, Trò chơi cấm, Gió thiên đường, Quỷ trong trăng (giải B, Hội Nhà văn VN năm 2002), Biển đời người, Thập tự hoa (giải thưởng văn học - nghệ thuật 2003), Đêm tái sinh, Mưa đời sau...

Nhiều truyện ngắn của chị cũng đã được các đạo diễn điện ảnh chuyển thể thành phim như: Gió thiên đường, Thập tự hoa...

* Tình yêu là một đề tài đã được rất nhiều văn nghệ sĩ khai thác, bởi vậy viết về nó có thể nói dễ mà cũng khó. Bí quyết nào đã giúp chị viết rất thành công về đề tài tình yêu, một tình yêu mang đậm tính cách Huế?

- Nhà văn Trần Thùy Mai: Cả tình yêu và cả Huế đều có sẵn trong cuộc sống quanh tôi, tôi chỉ việc viết ra chứ có bí quyết gì đâu!

* Điều làm nên nét riêng biệt nhất cho Trăng nơi đáy giếng là chất Huế. Câu chuyện tình yêu, gia đình, số phận của cô giáo Hạnh do diễn viên Hồng Ánh đóng đã thể hiện rõ nét vừa thương, vừa buồn... như những giọt Huế đậm đặc. Chị có thể nói thêm về điều này?

- Đó là xu hướng nội tâm và tâm linh của người Huế, chịu ảnh hưởng nhân sinh quan và vũ trụ quan phương Đông, xu hướng này thấm sâu tiềm tàng trong kiến trúc, mỹ thuật, văn chương và cách sống của con người. Ta hay giới thiệu đền đài lăng tẩm với vẻ tự hào, thật ra kiến trúc của mình tuy đẹp nhưng không phải là kỳ vĩ cho lắm trong con mắt của du khách đã đi qua nhiều nơi, nên giới thiệu phần hồn trong đó hơn là chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bên ngoài...

* Chị nghĩ gì về những bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của chị? Chị có sợ các bộ phim đó chưa chuyển tải hết được nội dung mà nhà văn muốn nói?

- Thông thường phim không giống truyện, vì đạo diễn thường đưa vào phim những sở thích và quan niệm riêng của mình. Nên nếu xem phim để tìm lại tác phẩm của mình thì các nhà văn đều thất vọng. Vì vậy, mỗi khi xem phim chuyển thể từ tác phẩm của mình, tôi thường chuẩn bị cho mình tâm thế: "À, để xem dựa vào truyện của mình, đạo diễn sẽ làm ra một tác phẩm khác như thế nào đây!".

Và mình mong sao cái hồn của truyện vẫn được các đạo diễn giữ lại. Vậy là đã thành công lắm rồi. Tôi thấy nhiều đạo diễn làm phim của Việt Nam còn rất trẻ. Đây là điều rất đáng mừng, nhưng cũng chính vì vậy kinh nghiệm làm phim vẫn còn chưa được tin tưởng như các bậc tiền bối cũng là chuyện thường tình. Nhưng tôi hi vọng họ sẽ nhanh chóng đạt được điều đó.

* Chị đánh giá thế nào về đề tài "sex" của một số tác giả nữ Việt Nam trong những năm gần đây? Có bao giờ chị nghĩ mình cũng sẽ viết về đề tài này?

- Sex là một phần cuộc sống thực. Việc cố tình sử dụng nó như yếu tố câu khách là rẻ tiền, việc né tránh nó như điều cấm kỵ là hèn nhát. Khi diễn tiến của tác phẩm cần phải có nó thì nó là chính đáng. Phần tôi, tôi không lấy sex làm một đề tài, nhưng khi nó là yếu tố cần cho tác phẩm, tôi sẽ không ngại viết.

* Sắp đến chị có dự định xuất bản tiếp tác phẩm nào không?

- Tôi đang viết một cuốn sách, nói chung là có liên quan về lịch sử. Tác phẩm này vẫn đề cập đến đề tài tình yêu, nhưng lần này nhân vật là những người đàn bà trong lịch sử. Cụ thể là một số bà công chúa, cung phi của vương triều Nguyễn. Có một người đàn bà là "chiến lợi phẩm", trong mấy mươi năm bà ta phải làm vợ và sinh con cho một người đàn ông đã xé xác chồng mình. Con gái của bà, công chúa Ngọc Ngôn, đã lớn lên như thế nào giữa ánh mắt kỳ thị trong một hoàng cung triều Nguyễn sau chiến tranh... Những con người ấy chỉ có cái tên nhỏ trong lịch sử nhưng bi kịch thì lớn, và bi kịch ấy không phải của riêng một thời nào...

* Đôi điều của chị tâm sự về nghề văn?

- Một nghề làm cho người ta không còn cô đơn, không có tuổi già. Vì nghề này cho ta nhiều tình bạn, và không bao giờ bắt ta phải về hưu, chỉ trừ khi bạn phụ rẫy nó trước...

* Chị có thể nói một điều gì về các nhà văn trẻ, nhất là đối với những nhà văn nữ trẻ hiện nay?

- Tôi sẽ không nói gì cả, vì các nhà văn nữ trẻ bây giờ chịu nghe tôi nói sao? Hơn nữa người viết văn cũng như người đi tìm đạo vậy. "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!".

* Xin cảm ơn chị.

u8ZnahHM.jpgPhóng to

Áo Trắng số 8 (ra ngày 1-5-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ TẤN QUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên