Dư luận Hà Nội đang xôn xao sau loạt bài đăng trên các báo về "Dự án xây dựng, tôn tạo di tích đền thờ Cẩu Nhi". Những người ủng hộ dự án này căn cứ vào ghi chép trong "Tây Hồ chí" - tài liệu có thể nói là duy nhất đến thời điểm này viết về đền Cẩu Nhi, và lập luận "người Việt có tục thờ chó", hay "tín ngưỡng thờ chó không có gì lạ trong tín ngưỡng VN và tín ngưỡng này không có gì xấu"...
Sự thật có đúng như vậy không?
1. Ai cũng biết, nhiều dân tộc ở nước ta có tục thờ Totem hay "Totem giáo". Mỗi dòng họ nhận một loài vật, loài cây làm "Totem" (tức coi vật đó là có họ hàng, thậm chí là "tổ" của dòng họ), tên của Totem được dùng làm tên dòng họ. Người trong họ không được săn bắn, giết, ăn thịt Totem, khi thấy Totem gặp nạn thì phải cứu giúp.
2. Trong các con vật được các dân tộc ở nước ta thờ làm Totem, chỉ duy nhất có chó được người Dao thờ, vì chó được coi là Bàn Vương thủy tổ; còn hầu như ở các dân tộc thiểu số từ vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vào miền núi Thanh Nghệ, Trường Sơn - Tây Nguyên, không thấy tục thờ chó. Có một hai dân tộc, con chó lại xuất hiện trong đám tang hoặc trong lễ trừ tà.
Theo nhà dân tộc học Từ Chi, con chó là biểu tượng thế giới bên dưới, của ban đêm, bóng tối (khác với chim tượng trưng cho trời và cho mặt trời, ánh sáng, cho thế giới bên trên). Trong đám tang của người Mường - tộc người anh em với người Việt, có lễ thức "Nhìn họ" (cho linh hồn người chết nhìn lại gia đình, họ hàng ở mường Người để sang thế giới bên kia - mường Ma) do ông mo dẫn dắt bằng đọc Mo, xuất hiện hình tượng con chó là biểu tượng cho mường Ma.
Trong đám tang người Mường ở huyện Tân Lạc (Hoà Bình), khi làm lễ thức Kẹ (cắt mối liên hệ bình thường giữa ma với cõi sống), người ta đặt trên ban thờ người chết một con gà luộc, còn trên quan tài bày một con chó (nguyên vẹn cả con, đã luộc) được nối với con gà bằng một sợi chỉ.
Khi đọc hết đoạn đưa người chết sang thế giới bên kia, ông mo cắt bỏ sợi dây nối con gà với con chó với ý nghĩa hồn người chết sẽ thành ma, về với thế giới ma mà con chó là tượng trưng.
Theo nhà dân tộc học Từ Chi, chó liên quan đến pháp thuật hơn là đến thần thoại, ví như trong đám tang của người Xinh Mun có món thịt chó để cúng ma tà; người chết muốn lên được với tổ tiên ở "mường Trời", phải qua hai cửa ải khó khăn nhất và phải nhờ trợ giúp của con chó.
Cửa ải đầu ở Phiêng Luông, có con chó to màu vàng đưa người chết tắm ở một mó nước rồi mới đi tiếp. Cửa thứ hai, sau khi lên đến tầng thứ ba của mường Trời, phải qua một cây cầu có nhiều mỡ, rất trơn, không thể đi được, thầy mo phải gọi con chó đến để chó ăn hết các chất mỡ ấy cho người chết đi.
Ở một số vùng Mường huyện Ngọc Lạc (tỉnh Thanh Hoá), chó là vật tế trong lễ cầu yên (đuổi ôn thần, dịch tệ). Cũng với ý nghĩa đó, người Việt (Kinh) tin rằng, ma quái sợ máu chó, nên thường đặt chó đá ở cổng ra vào nhà, hay đền miếu, cổng thành để canh chừng kẻ trộm và ngăn cả ma tà về quấy nhiễu ban đêm.
3. Như vậy, trong tín ngưỡng của hầu hết các tộc người ở nước ta, chó không tượng trưng cho ban ngày, cho sự sống, cho tầng trên, cho thần thoại; mà ngược lại, tượng trưng cho ban tối, cho tầng dưới, cho sự chết và cho pháp thuật. Vì vậy, chó không thể được tôn thờ và không thể nói, tục thờ chó phổ biến ở các dân tộc trên đất nước ta.
Trong bối cảnh trên, người Việt cũng không thờ chó, vì từ xa xưa đã tôn thờ chim lạc, thờ rồng; bởi nếu chó là Totem thì không thể ăn thịt Totem được, trong khi người Việt coi thịt chó là một trong những món ăn ngon.
Thứ hai, chó là loài vật ăn bẩn, vì thế, không dùng thịt chó để cúng tế, cả trong cúng trừ ma tà. Thứ ba, nói đến chó là nói đến một điều xúi quẩy, vì thế, người ta cũng phải đợi gần cuối tháng, hay ít nhất là qua ngày rằm mới dám dùng thịt chó, và khi gặp vận hạn, người ta thường "giải đen" bằng ăn thịt chó.
Và điều quan trọng hơn, chó - dù khôn ngoan, có ích và trung thành, vẫn bị người Việt coi là "biểu tượng" của những gì xấu xa. Khi tức nhau, người ta lấy chó ra để nguyền rủa là "đồ chó" hay "đồ chó dại". Trong kho tàng thành ngữ của người Việt, có lẽ chó là con vật được dùng nhiều nhất để nói về những thói hư tật xấu của con người.
Như vậy, những tư liệu trên đây đủ để kết luận rằng, người Việt hoàn toàn không có tục thờ chó. Tôi và nhiều đồng nghiệp chưa từng gặp một ngôi đền thờ chó nào.
Tọa đàm về đền Cẩu Nhi: Chỉ nên phục dựng một cái miếu nhỏ?Đã có hơn một vụ việc tương tự đền Cẩu NhiTừ sự cố đền Cẩu Nhi: 4 bài học trong ứng xử với di tích!Di tích đền Cẩu Nhi: Nên sớm có một hội thảo khoa họcDự án tu bổ đền Cẩu Nhi (Hà Nội): Cần làm rõ giá trị lịch sử (Sài Gòn Giải Phóng)Tranh luận tiếp về đền Cẩu Nhi (VietNamNet)Các nhà khoa học tranh cãi kịch liệt về đền Cẩu Nhi (VietNamnet)Đền Cẩu nhi là một sự bịa đặt lịch sử...? (VietNamNet)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận