17/02/2018 11:22 GMT+7

Người Việt ăn tết theo lịch âm hay lịch âm dương?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Người Việt đón tết cổ truyền dựa vào loại lịch mà mọi người hay gọi là lịch âm. Thực tế cách gọi này đúng không?

Người Việt ăn tết theo lịch âm hay lịch âm dương? - Ảnh 1.

Ảnh: Today's Parent

Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết lịch dương phát sinh từ vùng văn hóa Ai Cập khoảng 3.000 năm TCN dựa trên chu kỳ chuyển động của mặt trời, mỗi năm 365,25 ngày.

Ngược lại, lịch âm phát sinh từ vùng văn hóa Lưỡng Hà dựa trên chuyển động của mặt trăng với chu kỳ 29,53 ngày, mỗi năm có 354 ngày.

Lịch âm chỉ còn ở một số lịch Hồi giáo

Lịch âm xác định ngày trong tháng nhờ vào mặt trăng: mặt trăng tròn rồi lại khuyết nên người xưa đã nhận thấy bầu trời đêm ở Trái đất có độ sáng khác nhau, từ đó dựa vào độ sáng tối này để tính ngày.

Ngày mà ban đêm ở Trái đất tối nhất gọi là sóc. Đây là ngày cơ bản nhất để tính lịch, khoảng cách giữa 2 sóc là một tháng dài 29,53 ngày.

Không thể để số lẻ, người ta đưa ra quy luật nếu khoảng cách giữa 2 sóc là 30 ngày thì tháng đó đủ, còn khoảng cách giữa 2 sóc là 29 ngày là tháng thiếu.

Hệ thống lịch hình thành chỉ bằng việc xác định các sóc liên tiếp nhau để tính ngày tháng là lịch hoàn toàn dựa vào mặt trăng hay là lịch âm "đúng nghĩa".

Ngày nay, loại lịch này chỉ còn được sử dụng trong một số loại lịch Hồi giáo.

Người Việt ăn tết theo lịch âm hay lịch âm dương? - Ảnh 2.

Lịch truyền thống của Việt Nam và các nước Á Đông được tính toán dựa trên cả hoạt động của mặt trăng và mặt trời - Ảnh: Getty Images

Nhờ vào mặt trời để xác định các mùa

Từ lâu mọi người vẫn quen miệng gọi lịch âm hay lịch dựa vào mặt trăng để chỉ lịch truyền thống của Việt Nam và một số nước Á Đông. Thật ra, lịch của chúng ta vẫn dựa vào mặt trời để xác định những thông tin quan trọng, do đó phải gọi là lịch âm dương.

Đầu tiên, lịch âm dương sử dụng mặt trời để xác định các khí tiết, các mùa trong năm.

Trước hết, người xưa xác định 2 ngày - 2 tiết quan trọng nhất trong năm để làm mốc là đông chí (ngày lạnh nhất trong năm) và hạ chí (ngày nóng nhất trong năm). 

Tiếp đó, người ta xác định thêm 2 ngày xuân phân và thu phân (ngày giữa mùa xuân và giữa thu). Đông chí, hạ chí, xuân phân, thu phân gọi chung là tứ thời.

Sau đó, người ta tính thêm 4 ngày khởi đầu một mùa: lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, được 8 mốc thời gian gọi là bát tiết.

Dần dần người ta chia nhỏ các khoảng giữa ra được 24 tiết ứng với các mùa trong năm.

Tính năm nhuận thế nào?

Một mối liên hệ khác giữa mặt trăng và mặt trời trong lịch âm dương nằm ở các tháng nhuận.

Mỗi năm, lịch dương (365 ngày) dài hơn lịch âm (354 ngày) 11 ngày nên cứ sau 3 năm lại phải điều chỉnh cho 2 chu kỳ phù hợp nhau, tức thường 3 năm sẽ nhuận 1 lần.

Khi tính chính xác hơn, các nhà làm lịch đưa ra quy luật: 19 năm nhuận 7 lần. Đây gọi là chu kỳ 19 năm, tức sau 19 năm âm lịch và dương lịch có thể trùng lại với nhau. Ví dụ mùng 2 Tết năm 2018 năm nay là 17-2 thì mùng 2 Tết năm 1999 hay năm 1980 cũng là 17-2.

7 lần nhuận trong chu kỳ 19 năm được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm. Do đó, để xác định một năm có nhuận hay không, bạn hãy lấy năm dương lịch chia cho 19, nếu số dư là 0, 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó có nhuận.

Ví dụ, năm 2017 chia 19 được 106 dư 3 tức có nhuận. Tương tự, năm 2020 chia 19 dư 6, 2023 chia 19 dư 9, 2025 chia 19 dư 11 sẽ là những năm có nhuận.

Các nhà làm lịch có thể tính trước tháng nhuận trong nhiều năm và thống kê thành một bảng để tiện tra cứu.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên