01/07/2010 07:53 GMT+7

Người về từ ngàn năm

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Ra mắt tại Hà Nội vào ngày 28-6, tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường gây chú ý vì được công bố cùng sự kiện ông Lý Xương Căn - hậu duệ của hoàng thúc Lý Long Tường - được nhập quốc tịch Việt Nam (Tuổi Trẻ 29-6).

ELSBqZGs.jpgPhóng to
Ông Lý Khánh Huân (cha, bìa trái) và ông Lý Xương Căn (con trai, giữa) nhận quyết định nhập quốc tịch VN - Ảnh: Việt Hoài

Có ai biết: một danh nhân nước Cao Ly (tên gọi cũ của Hàn Quốc) là người họ Lý gốc Việt?Có ai biết: người ấy là một hoàng tử triều Lý?Có ai biết: người ấy đã đến Cao Ly từ hơn tám trăm năm trước?Có ai biết: người ấy đã có công giúp vua Cao Ly hai lần chống trả quân xâm lược Mông Cổ (1232 và 1253), được vua phong tước, phong đất?Có ai biết: người ấy được dựng tượng ở gần Seoul (Hàn Quốc), được lập bia ghi công ở Bồn Tân (Cao Ly cũ)?

f5H6NvZu.jpgPhóng to
Bìa tiểu thuyết Hoàng thúc Lý Long Tường (ấn bản mới)

Người ấy là hoàng tử Lý Long Tường, con thứ của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175), em của vua Lý Cao Tông (trị vì 1176-1210) và là chú của vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224). Khi triều Lý suy tàn, để tránh sự truy diệt của vương triều mới, Lý Long Tường đã cùng gia quyến tìm đường trốn sang nước khác những mong bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, duy trì dòng họ.

Ông đến ở lại Cao Ly, trở thành một nhân vật lịch sử của đất nước Đông Á này, nhưng lưu chảy trong các thế hệ khởi đi từ ông ở xứ người vẫn là dòng máu Việt nhớ nước thương nòi. Gốc tích, hành trạng của ông mãi đến nửa sau thế kỷ XX mới bắt đầu được hé lộ và tìm hiểu ở trong nước.

Các sử gia Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tiểu sử Lý Long Tường và hành trình ra đi của ông. Nhưng ở Hàn Quốc ngày nay có một nhà Đông Phương học cảm phục Lý Long Tường, trân trọng ông như một anh hùng dân tộc nước mình, biết ơn ông đã góp phần xây dựng nước Cao Ly, nên đã cầm bút viết một cuốn sách về ông.

Đó là Kang Moo Hak (Khương Vũ Hạc) với cuốn tiểu thuyết Hoàng thúc Lý Long Tường. Lối viết của Khương Vũ Hạc giản dị, rành mạch, bám theo sự kiện hơn là tâm trạng, tuy có những sự kiện chênh về lịch sử giữa hai nước. Tác giả lần theo hành trình Lý Long Tường thoát khỏi Đại Việt, lênh đênh trên biển qua Trung Hoa, cập bến Cao Ly, và cuộc đời của ông sống ở đất mới với những chiến tích vẻ vang.

Từ nhân vật lịch sử trở thành nhân vật văn học, Lý Long Tường trong tiểu thuyết có hai mối tình đẹp với hai cô gái Việt và Cao Ly, đó cũng là cách tác giả thể hiện mối gắn bó sâu nặng của vị hoàng thúc với cố quốc và quê mới. Xuyên suốt tác phẩm, Lý Long Tường dưới ngòi bút Khương Vũ Hạc là một con người song trùng: “Vợ con của hoàng thúc chỉ biết hoàng thúc là Hoa Sơn quân, một trung thần của triều đình Cao Ly hơn là một hoàng thúc của đế chế Đại Việt. Bản thân hoàng thúc cũng phải tự nhận mình như vậy. Hiện thực song trùng đó trong con người của hoàng thúc giống như một định mệnh không sao cưỡng lại được” (tr. 415).

Đọc sử được tiểu thuyết hóa, người đọc nhận thêm được những rung động, cảm xúc sâu xa với tiền nhân. Chuyện của ngàn năm trước nhắc người nay và người sau: “Thân thương tuy xa cách vạn dặm/ Đất tổ quê hương mãi trong tâm”, như tâm nguyện của dòng tộc Lý trên đất Hàn.

Cuốn tiểu thuyết đã được Trần Văn Thêm dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu năm 1996. Nay bản dịch được nxb Chính Trị Quốc Gia sửa chữa, nâng cao hơn và tái bản chào mừng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm ra mắt lần này còn là ghi nhận công sức của ông Lý Xương Căn (hậu duệ trực hệ đời thứ 26 của hoàng thúc Lý Long Tường, đời thứ 31 của Thái tổ Lý Công Uẩn) và là một món quà mừng gia đình ông Căn vừa được nhập quốc tịch Việt Nam.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên