Trại kỹ năng sống lần 2: "96 giờ thử thách"
![]() |
Siết tay nhau với Trại kỹ năng sống lần 2 “96 giờ thử thách” |
Ngày đầu tiên mang tên “Ngày của cảm xúc” chứng kiến những khoảnh khắc tìm thấy bản ngã của mình giữa cộng đồng và trăn trở làm sao để cuộc sống mình có ý nghĩa của các bạn trẻ.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp tổ chức tại căn cứ Minh Đạm (Bà Rịa - Vũng Tàu) với sự tài trợ của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential VN.
"Đi để cảm nhận cuộc sống tốt đẹp"
Trước ngày tham gia trại, các bạn trẻ đã ới nhau trên mạng Yume.vn để lên kế hoạch cho những hoạt động xã hội của mình.
Đêm đầu tiên đến với căn cứ Minh Đạm, các bạn đã chia sẻ những cảm nhận của mình qua các chuyến đi từ thiện xã hội ở Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi Thị Nghè, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trò chuyện với anh Năm Nghị (người anh lớn trong phong trào Đoàn của TP.HCM).
Cảm xúc của các bạn được trình bày qua những đoạn quay phim ngắn, hình ảnh thu được từ những chuyến đi.
Câu chuyện của chàng thanh niên tên Ý sinh ra đã bị tạo hóa lấy đi đôi mắt và mồ côi cha mẹ, nhưng cuộc sống xung quanh đã giúp anh tìm thấy nghị lực vươn lên và ý nghĩa sống cho mình.
“Đi để cảm nhận, thấy cuộc sống tốt đẹp quanh mình”, các bạn của tiểu trại Năng động bày tỏ, như soi mình qua trường hợp của Ý để sống có ích trong cuộc sống này.
Trại kỹ năng lần này có sự tham gia của những người trẻ ở mọi miền đất nước. Bạn Nguyễn Thị Loan vượt 1.700km từ Hà Nội vào TP.HCM và cùng các thành viên trong tiểu trại Kỷ luật đến thăm bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm hình hài của đất nước.
“Người trẻ như mình học được qua câu chuyện chàng thanh niên đi tìm đường cứu nước ấy là phải tìm ra con đường sống sao cho có ý nghĩa, bởi mỗi người chỉ sống có một lần” - Loan nói.
“Chúng ta dùng 24 giờ mỗi ngày để làm gì và người trẻ bây giờ sống thế nào để có ích cho đất nước?”, đó là câu hỏi của các bạn lứa tuổi 8X, 9X đặt với anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực). Và cả tiểu trại Đoàn kết chăm chú lắng nghe những trải lòng của anh Năm Nghị về việc giữ lại cái cốt của người Việt mình trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Đó là nền tảng gia đình cùng sự ham học hỏi, lấp chỗ hổng kỹ năng để góp sức xây dựng quê hương.
Đối diện thử thách
Đêm 6-8, cuộc vượt rừng giải mã câu đố, học và thể hiện kỹ năng sinh tồn trước nhiều khó khăn thiếu thốn trong tự nhiên đã hấp dẫn các trại sinh; giúp các bạn nhận thấy nhiều năng lực tiềm tàng trong mình. Chẳng hạn sau khi tạo được những tia lửa cháy từ bột than gỗ khoan; lùa than lửa vào lá khô để nhóm lên với rơm rác mềm tạo lửa cháy, bài học thực tế tìm ra lửa trong rừng sâu nảy ra từ đó.
Sau khi tìm lửa xong, các bạn tiếp tục giải mã các dãy ký tự đã được mã hóa thành câu có nghĩa để tìm đến những thử thách khác và sáng tạo mới: nấu cơm chỉ với gạo và một miếng bạc; rang bung bắp (ngô) với một hộp đèn cầy bé tí; đốt một sợi tóc sao cho nó không cháy, cắt một tờ giấy có chu vi chứa được hàng chục người…
“Qua các trò chơi đó, khả năng phối hợp nhóm của tụi mình được nâng cao” - bạn Đoàn Thế Dũng cho hay. Còn bạn Nguyễn Tấn Thọ cho biết: “Trước những khó khăn cần giải quyết thì khả năng tư duy, sáng tạo của mọi người được thể hiện. Đêm đi giải mật mã này sẽ là một kỷ niệm khó quên của mình”.
Kết thúc trò truy tìm “Báu vật của rừng” là khi trời đã chuyển sang một ngày mới, chân ai cũng mệt rã rời nhưng đều thấy thú vị qua những kỹ năng nhỏ bất ngờ mà mình vừa vỡ ra được.
Sáng 7-8, 152 trại sinh đã có cuộc trò chuyện với anh Hà Trung Thành, phó trưởng phòng tổ chức hành chính quản trị Trường Cán bộ TP.HCM, với chủ đề “Hãy nhìn lại mình”.
Bằng những câu chuyện cụ thể với giọng dí dỏm, anh Thành đã gợi cho các bạn nhiều cảm xúc mà dường như một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay đã bị bào mòn như tình thương và sự đồng cảm với cha mẹ, nền tảng hạnh phúc gia đình.
Chuyện thị hiếu, trào lưu của các bạn trẻ về âm nhạc, tình yêu, hướng sống cũng được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Khi nghe nhiều bạn cho biết không quan tâm nhiều đến chính trị, anh Thành nói như tâm sự: “Không quan tâm nhưng rõ ràng chúng ta phục vụ cho chính trị. Mỗi người cũng như một đất nước, khi chúng ta không biết con đường đó tên là gì thì sao có thể xây dựng, làm đẹp con đường đó. Những kiến thức về lịch sử, chính trị nhìn có vẻ khô khan nhưng nếu chúng ta chạm vào nó, hiểu nó thì sẽ có tình yêu với nó”.
Chiều cùng ngày, các tiểu trại đã tham gia chương trình “Hành trình đến với biển đảo quê hương” với các trò chơi hành quân rèn luyện tinh thần đồng đội, hành quân “Bước chân người lính”, thuyết trình chủ đề “Thanh niên VN - biển đảo VN”, tìm hiểu kiến thức về biển đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận