29/10/2006 03:48 GMT+7

Người tôi cưu mang

HOÀNG MẠNH HẢI (HMHai2005@yahoo.com)
HOÀNG MẠNH HẢI (HMHai2005@yahoo.com)

TTO - Bạn có bao giờ cảm nhận niềm vui vô bờ khi nghe tin một bệnh nhân đã qua giai đoạn hiểm nghèo nhờ số tiền ta tặng để phẫu thuật?...

3nuOW0mS.jpgPhóng to
Du học sinh Việt tại ĐH Marshall, thuộc tiểu bang West Virginia đang gây quỹ ủng hộ nạn nhânc ơn bão Xangsane

Trong chuyên mục Thời sự & suy nghĩ hôm nay, tòa soạn xin trích đăng thư của bạn đọc Hoàng Mạnh Hải, một bức thư gợi nhiều suy nghĩ trong một ngày cuối tuần.

Mỗi ngày tôi thường dành một ít thời gian để đọc báo, cả báo giấy lẫn trên mạng, và tôi thường tự hỏi:

- Khi hay tin có người bị bệnh nặng cần phẫu thuật mà không có tiền trang trải, một bạn đọc giấu tên đã gửi đến tòa soạn Tuổi Trẻ một số tiền lớn để giúp đỡ. Tại sao bạn đọc đó âm thầm làm như vậy?

- Vừa có hợp đồng mua trang thiết bị cho công ty, vị giám đốc nọ khai khống giá tăng lên để bỏ túi riêng một số tiền lớn. Tại sao vị giám đốc đó âm thầm làm như vậy?

Điểm giống nhau trong cả hai trường hợp này là ai cũng muốn giữ kín việc mình làm. Điểm khác nhau thì quá rõ: một bên làm đúng, còn một bên làm sai.

LTS: Cùng với lá thư này, bạn đọc Hoàng Mạnh Hải cũng đã nhờ tòa soạn Tuổi Trẻ giúp mở một tài khoản VCB tại Quảng Bình mang tên Dương Thị Hồng Nhi, nhân vật trong bài “Thay mẹ nuôi anh” (Tuổi Trẻ 25-10-2006). Mỗi tháng, bạn đọc Hải sẽ chuyển vào tài khoản 500.000đ từ tiền lương, coi như một khoản thu nhập thường xuyên để giúp Nhi bớt nhọc nhằn.

Chúng ta không phải trả lời hai câu hỏi trên, chỉ cần trả lời câu hỏi thứ ba này thôi: “Tại sao hầu hết mọi người hiểu rằng bạn đọc kia làm đúng và ông giám đốc kia làm sai, nhưng trong xã hội hiện nay cái bất thiện vẫn cứ nhiều hoài?”.

Tôi xin trả lời: Vì chúng ta đã và đang vô tình khen ngợi, cổ vũ cho sự giàu sang nhiều hơn lòng nhân ái. Lương tâm là một phạm trù mơ hồ ít được nhắc tên, thiếu hẳn sự nuôi dưỡng.

Tôi đề nghị tòa soạn hãy tạo ra một chương trình mang tên “Người tôi cưu mang” chẳng hạn, qua đó, những người đăng ký sẽ cam kết giúp đỡ một người nghèo khổ, hay một gia đình gặp cảnh khốn cùng. Tùy theo sức chúng ta có thể chọn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đã được báo chí, truyền hình giới thiệu, hoặc chính những người hằng ngày đi trên đường ta vẫn thường gặp. Xây dựng những hành động này thành một thói quen, đến một lúc nào đó, khi tất cả mọi người xem việc đỡ bớt gánh nặng cho người khác là một niềm vui, là một thước đo giá trị cuộc đời, thì đất nước chúng ta sẽ bớt đi những nỗi đau, những giọt nước mắt buồn tủi.

Bạn có bao giờ cảm nhận một niềm vui vô bờ bến khi nghe tin một bệnh nhân đã qua được giai đoạn hiểm nghèo nhờ vào số tiền ta tặng để làm phẫu thuật? Và khi người ấy muốn cảm ơn cũng không biết ta đang ở đâu, chỉ ngước lên trời thầm cầu chúc cho ân nhân giấu mặt được bình an. Bạn có bao giờ bước ra khỏi bưu điện lòng thấy vui vui khi mới gửi một gia đình nghèo khó ở ngoài miền Trung xa xôi mấy trăm ngàn mình tiết kiệm được, bạn có thể mường tượng khuôn mặt rạng rỡ của những người nghèo khổ đó khi nhận được tiền? Bạn không cần họ phải mang ơn, chỉ cần họ tin vào lòng tốt của con người. Nếu mai này những người được giúp đỡ đó vượt qua giai đoạn khó khăn, khá giả hơn, đi giúp đỡ lại người khác, quả thật hành động khơi nguồn của bạn có ý nghĩa biết chừng nào.

Kính gửi anh Hoàng Mạnh Hải và ban biên tập báo Tuổi Trẻ,

Đất nước chúng ta còn rất nghèo, trong số hơn tám mươi triệu đồng bào vẫn còn hàng triệu người cơ cực, lam lũ đang vật lộn với đói nghèo, bệnh tật và đôi khi cả bất công đến từ xã hội. Làm sao để những người may mắn hơn chúng ta san sẻ một phần những gánh nặng cuộc sống ấy? Làm sao mỗi một số phận không may có niềm tin và trải nghiệm thực tế rằng luôn có những đồng bào nhân ái bên cạnh họ trên mỗi bước đường gian nan của cuộc sống? Làm sao? Làm sao?...

Tôi chia sẻ suy nghĩ sâu xa của anh Hải rằng một khoản tiền cưu mang một số phận không dừng lại ở giá trị vật chất của nó. Giá trị của sự giúp đỡ được nhân lên hàng vạn lần ở giá trị tinh thần đối với người được giúp đỡ, xây dựng niềm tin và tác dụng giáo dục đối với cả cộng đồng. Thêm nữa, một phong trào xã hội trong đó người giúp người trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ tạo ra một hiệu ứng đạo đức và tinh thần trong xã hội, một sự đoàn kết cộng đồng.

Một phong trào mang tên "Người tôi cưu mang" không chỉ là lời tuyên chiến của cộng đồng với đói nghèo, bệnh tật mà cả với bất công, với sự tham nhũng trên đồng tiền bát gạo của nhân dân. Cuối cùng, kinh nghiệm của các quốc gia trên giới đã minh chứng rằng một xã hội bình yên, tốt đẹp và phát triển bền vững không dựa trên số lượng nhà tù, số lượng cảnh sát, sự nghiêm khắc của luật pháp mà dựa vào sự rộng lượng, sự khoan hồng và lòng nhân ái giữa người với người bên cạnh một hệ thống phúc lợi xã hội để đảm bảo không có cá nhân nào bị dồn đường cùng.

Những chương trình từ thiện mà báo Tuổi Trẻ đã, đang và sẽ làm, những con người như anh Hoàng Mạnh Hải và "người chị lớn" Dương Thị Hồng Nhi đang góp phần làm bớt đi những nỗi đau cuộc sống, bớt đi những tệ nạn xã hội, bớt đi những quan tham và là niềm động viên, niềm tin của mỗi chúng ta vào một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Có rất nhiều những câu hỏi "làm sao?" và có rất nhiều câu trả lời là chương trình Vì Ngày Mai Phát Triển, là những chương trình cứu trợ đồng bào vùng lũ, là một quỹ hiếu học...

"Người tôi cưu mang" sẽ là một câu trả lời rất khác: nó nói cho người giúp biết một số phận đã thay đổi như thế nào nhờ một sự giúp đỡ dù nho nhỏ, nó nói cho người được giúp biết có những con người cụ thể (thậm chí cũng còn khó khăn) yêu thương, quan tâm và theo mỗi bước đường cuộc sống của mình.

Còn nhớ cách đây vài năm, Tuổi Trẻ đăng câu chuyện về một quan chức ngành văn hóa một tỉnh miền Trung lăng mạ một cậu bé đánh giày. Có lẽ sẽ nhiều người lên án vị quan chức kia, nhiều người sẽ đặt câu hỏi về số phận chính trị của ông này. Còn tôi, tôi nghĩ đến cậu bé đánh giày không tên. Tương lai của cậu bé sẽ như thế nào? Sự đối xử khinh miệt và vô văn hóa của một người lớn sẽ hằn lại trong ký ức tuổi thơ như thế nào? Tôi ước một phép màu nào đó mang cậu bé đánh giày đến trường, biến cậu thành một công dân có ích, có văn hóa và biết thương yêu đồng loại thay vì miếng cơm manh áo đời thường đã đẩy cậu bé ra đường phố và có thể đẩy cậu đi xa hơn...

Một chương trình như "Người tôi cưu mang" có thể sẽ mang lại nhiều phép màu như vậy! Xin cảm ơn anh Hải, "chị" Nhi và báo Tuổi Trẻ. Cá nhân người viết hiện là một sinh viên vừa học vừa làm tại Canada cũng xin đóng góp cùng anh Hải vào tài khoản Dương Thị Hồng Nhi. Nhờ báo Tuổi Trẻ giúp đỡ để tôi có thể chuyển vào tài khoản Dương Thị Hồng Nhi 30 đô-la Canada/tháng

Tôi rất xúc động khi đọc bài viết này. Bản thân tôi nhiều lúc rất muốn đóng góp vào quĩ từ thiện nhưng thật lòng mà nói tôi chưa có niềm tin là số tiền ủng hộ của mọi người có thể đến được nơi cần đến. Tôi đọc được rất nhiều thông tin về việc này như học sinh ủng hộ cho các bạn vùng bão lụt thì bị ai đó "ăn mất" và còn nhiều những thông tin tương tự như thế. Có rất nhiều người như tôi muốn đóng góp song họ không tin. Hy vọng những bài viết như thế này và có nhiều tổ chức từ thiện đem lại lòng tin cho những người muốn làm từ thiện.

Đọc bài viết của anh Hoàng Mạnh Hải và thư tham gia của bạn Nguyễn Đỗ Dũng, tôi thực sự hãnh diện và vui vì xung quanh còn có rất nhiều người có lòng trắc ẩn, thương người. Không chỉ dừng lại số phận của bạn Nhi ở trong bài báo, tôi mong muốn ngày càng có nhiều số phận không may mắn được nhận sự giúp đỡ tài chính từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy tôi xin được góp ý kiến:

1. Toà soạn xác minh những hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.

2. Toà soạn kêu gọi sự tham gia của Vietcombank hoặc Ngân hàng nào có chi nhánh rộng rãi tại các tỉnh thành. (VCB có vẻ là phổ biến nhất). Mỗi hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được một tài khoản cá nhân.

3. Toà soạn và Ngân hàng công bố danh sách hoàn cảnh khó khăn kèm theo số tài khoản.

4. Để tránh trường hợp sự giúp đỡ không đồng đều, Ngân hàng nên cập nhật cho Toà soạn biết: Những hoàn cảnh nào đang nhận được sự giúp đỡ. Điều này giúp cho những người giúp đỡ sẽ định hướng và phân bổ sự giúp đỡ cho hợp lý.

Cá nhân tôi, xin dành phần thu nhập nhỏ của mình cũng như kêu gọi sự quan tâm của bạn bè và đồng nghiệp để tham gia lời kêu gọi của anh Hoàng Mạnh Hải một cách tự nguyện từ chính tấm lòng của mình chứ không phải đua đòi theo phong trào nào cả. Kính chúc sức khoẻ anh Hoàng Mạnh Hải, bạn Nguyễn Đỗ Dũng, Toà soạn báo Tuổi Trẻ và tất cả.

Tôi cũng muốn tham gia đóng góp nữa, không biết phải như thế nào?

Em Hải thân! Đọc thư em, tôi đã rớt nước mắt. Những dòng chữ của em đã giúp cho tôi thêm niềm tin yêu vào cuộc đời này, vào một lớp người trẻ đang đến giữa lòng đời bằng tấm lòng nhân ái không bờ không bến. Cám ơn em, cám ơn nhiều bạn trẻ khác đang thầm lặng đem yêu thương đến giữa đời thường không ồn ào không giả tạo. Tôi sẽ học tập các em và sẽ cố làm tốt như các em. Những người thầy thầm lặng giữa đời thường của tôi ơi.

Tôi là một người Việt Nam trẻ đang làm việc tại nước ngoài, những gì bạn Hải nêu ra cũng là những gì mà tôi đang trăn trở. Trước kia khi còn là sinh viên tại TP.HCM, tôi cũng đã dùng một chút thời gian của mình để giúp đỡ cho những trẻ em lang thang trên đường phố nhưng tôi nhận ra rằng chỉ một mình tôi hay bạn thì không thể làm thay đổi được số phận cũa những con người đang gặp khó khăn, bất hạnh mà cần có sự quan tâm đồng lòng của toàn xã hội.

Hy vọng chương trình "Người tôi cưu mang" có thể đánh một tiếng chuông vào lòng nhân ái của những người trẻ như chúng ta, để giúp cho những người đang gặp khó khăn có thêm một hy vọng và tin tưởng vào cuộc sống. Tôi mong là tôi cũng sẽ là một người trong số các bạn.

Tôi rất đồng ý với ý tưởng mà anh Hải đưa ra. Tôi hiện nay chỉ là một SV nên mọi sinh hoạt phí đều phụ thuộc phần lớn vào gia đình. Tuy nhiên, việc dành dụm những món tiền nhỏ hàng ngày để tham gia chương trình như "Người tôi cưu mang" là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Rất nhiều lần tôi nghĩ đến những việc làm như thế này, nhưng gửi tiền cho những tổ chức có trách nhiệm thì thực lòng tôi cũng không tin tưởng lắm vì không ít thì nhiều cũng đã có rất nhiều bức xúc xoay quanh vấn đề tiền giúp đỡ ngươi nghèo bị bớt, xén. Chúng ta không vơ đũa cả nắm nhưng dù sao cũng nên thận trọng.

"Của cho không bằng cách cho", nên tôi nghĩ rằng nếu chúng ta làm được chương trình như thế này thì rất hay. Mọi người có thể tùy thuộc vào khả năng của mình mà nhận giúp đỡ những hoàn cảnh khác nhau. Những người có điều kiện hơn có thể nhận giúp đỡ những người đang trong cơn hiểm nghèo, khó khăn... Còn những trường hợp như SV chúng tôi chẳng hạn, có thể tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận những trường hợp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt về gia đình, vật chất... Có thể chúng tôi không thể mang đến cho các em những giá trị vật chất lớn lao nhưng những giá trị tinh thần như động viên, an ủi, giúp đỡ các em học tập, kiếm việc làm, hỗ trợ những thứ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày hay đơn thuần chỉ là những người bạn thân... Những điều như thế là trong tầm tay của tất cả chúng tôi.

Một khi những mối quan hệ như thế được thiết lập thì mối quan hệ ấy sẽ nhân đôi, nhân ba và rất, rất nhiều, như thế sẽ thu hẹp dần khoảng cách về cách nhìn, định kiến giữa người giàu và người nghèo, và mong một ngày không xa, khoảng cách về vật chất cũng thu hẹp lại. Tôi đề nghị báo đài hãy tìm hiểu cuộc sống, hoàn cảnh những người đang cần chúng ta giúp đỡ, sau đó đăng bài lên mạng, chúng tôi sẽ vào trang web này để đọc, sau đó xem xét xem bản thân mình giúp đỡ được những trường hợp nào và sẽ tự liên lạc với trường hợp đó, nếu khó khăn sẽ nhờ đến sự giúp đỡ thêm. Trường hợp nào đã nhận được sự giúp đỡ thì đánh dấu lại để người sau biết và xem xét trường hợp khác... Mong rằng mô hình này sẽ sớm được triển khai và tôi nhất định sẽ tham gia ngay khi chương trình bắt đầu.

Đọc bài viết của anh Hải, tôi vô cùng xúc động. Mỗi ngày qua tôi vẫn thường chợt nhớ chợt quên... rồi lại lặng người khi thấy những mảnh đời mịt mù không lối thoát. Và tôi cũng muốn làm điều gì đấy để sẻ chia nhưng lại không biết phải bắt đầu thế nào. Tôi đồng ý với ý kiến của anh Duy với mong muốn lập ra một chuyên mục để những tấm lòng có thể đến được với những hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng toà soạn sớm là nhịp cầu nối của "Người tôi cưu mang"!

Tôi thấy đây là chương trình rất hay vì chúng ta có thể cảm thấy sự đóng góp của mình trở nên ý nghĩa và thiết thực hơn. Thật vui biết bao khi biết rằng cuộc sống của một người chúng ta đang giúp đỡ ngày dần tốt đẹp hơn. Nếu một người không thể cưu mang được một người nghèo thì hai, ba hoặc nhiều người cùng chung tay giúp đỡ.

Tôi mong quý báo sẽ sớm có danh sách những hoàn cảnh cần được giúp đỡ và cảm thấy thật hạnh phúc khi được tham gia chương trình "Người tôi cưu mang". Chân thành cảm ơn báo Tuổi Trẻ, anh Hoàng Mạnh Hải và những tấm lòng nhân ái!

Bản thân tôi rất vui khi đọc được những dòng chữ tâm huyết trong Người tôi cưu mang. Đúng vậy, nếu chúng ta phát huy được tấm lòng yêu thương đồng bào như vậy, sẽ có ích biết bao cho thế hệ mai sau. Tôi sẽ góp chút ít sức mình để cho chuyên mục này đến được những hoàn cảnh thương tâm.

Một cảm xúc ấm áp dâng lên khi đọc bài của anh Hải. Khi mà cả thế giới này đang bao trùm bởi chiến tranh, bạo loạn, hạn hán, bão lụt, tội ác và vô vàn những điều tồi tệ kinh khủng khiếp khác thì vẫn còn có những tấm lòng như thế, tâm hồn như thế, suy nghĩ như thế, hành động như thế... Hãy cho đi những gì bạn có, hãy chia sẻ với những người kém may mắn hơn bạn, hãy sống cho ngày hôm nay, cho hiện tại, song đừng quên học tập từ quá khứ và hoạch định cho tương lai, bạn sẽ cảm nhận được từng ngày qua đi với giá trị thực của cuộc sống...

Ý tưởng của anh Hải thật tuyệt vời! Một mình anh Hải không thể cưu mang được tất cả những mảnh đời kém may mắn trên thế giới này, nhưng có nhiều người như anh Hải, suy nghĩ được như anh Hải, hành động được như anh Hải, như các bạn, thì tôi tin xã hội của chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, ấm áp hơn, và ngày càng có nhiều người được hạnh phúc hơn! Tôi sẽ tham gia cùng các bạn!

Tôi cũng rất xúc động trước tâm tư của anh Hải và quyết tâm tham gia vào ý tưởng này. Mong quý báo sớm triển khai.

Tôi rất đồng tình và cũng muốn tham gia vào các chuơng trình giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn nhưng cũng rất bất bình khi có lần đọc một bài báo rằng có gia đình nhận được ngôi nhà tình thương với giá vài triệu nhưng đoàn đến trao nhà với hàng chục chiếc xe ô tô của các quan chức cấp tỉnh, huyện, báo chí, truyền hình, cùng rất nhiều nghi thức. Tiếp sau đó rất có thể là cuộc ăn, nhậu tốn nhiều chục triệu để chúc mừng... Dù rằng việc tuyên truyền là cần thiết nhưng cách làm như thế gây không ít phản cảm...

Chúng ta cũng có nhiều ý tưởng hay để làm sao lòng tốt không bị người khác lợi dụng và hiệu quả nhất với những người cần sự hỗ trợ (vật chất và tinh thần), thuận tiện đối với người muốn hỗ trợ. Tuy nhiên những hoàn cảnh khó khăn thì lại thường gặp ở những vùng xa xôi hẻo lánh, vậy nên việc việc lập ra các tài khoản cá nhân kia đã thật tối ưu hay chưa? Nhưng dầu sao đây vẫn là cách hay và dù với cách làm nào tôi cũng rất muốn tham gia. Rất mong chúng ta có thể nhân rộng hình thức giúp đỡ bởi sự thuận tiện cho người muốn giúp đỡ và mức độ hiệu quả tới người nhận.

Cám ơn bài viết của anh Hoàng Mạnh Hải, những suy nghĩ của anh cũng như chương trình "Người tôi cưu mang" đã đánh thức lòng nhân ái trong tôi trở nên mãnh liệt. Bản thân tôi, một người thuộc thế hệ trẻ, trong tiềm thức luôn mong muốn có cơ hội được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh bằng những hành động cụ thể và trong khả năng mà mình có được, nhưng đôi khi vì những "áp lực" trong cuộc sống mà nó tạm thời "ngủ quên".

Tôi rất ủng hộ chương trình "Người tôi cưu mang", một chương trình giàu lòng nhân ái mang ý nghĩa thiết thực. Hy vọng báo Tuổi Trẻ sẽ phát huy chương trình một cách rộng rãi để tất cả mọi người có thể chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh, lúc đó người giúp cũng như người được giúp cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tôi luôn sẵn sàng tham gia!

Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Thái Duy là tòa soạn nên tạo cho mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn một tài khoản ở ngân hàng và đồng thời cho biết có bao nhiêu người đang giúp đỡ những gia đình khó khăn nào. Tôi tuy là sinh viên nhưng khi đọc bài của anh Hải rất cảm động và cũng muốn được đóng góp một ít. Tuy là mỗi lần đóng góp không được nhiều nhưng cũng muốn được cùng chia sẻ. Chứ mỗi lần đóng góp mấy trăm ngàn trở lên sinh viên chúng tôi không có khả năng, chẳng lẽ lại cầm số tiền 50.000 đồng lên toà soạn thì ngại là số tiền ít quá.Nếu họ có tài khoản ở ngân hàng, chỉ cần có trong tay số tiền ít ỏi (20.000 - 50.000 đồng) tôi cũng có thể ra ngân hàng đóng góp dễ dàng và có thể đóng góp nhiều lần mà không ngại.

Tôi rất ủng hộ phong trào "người tôi cưu mang", bản thân tôi thì không giàu có nhưng may mắn hơn rất nhiều người trong xã hội. Tôi thực sự rất mong muốn được giúp ích phần nào vật chất bé nhỏ của mình đến với hòan cảnh khó khăn, bất hạnh. Mong các anh chị phóng viên tìm hiểu được nhiều hòan cảnh khó khăn mà chưa được biết đến để mọi người một ít chung tay giúp đỡ phần nào về vật chất cũng như tinh thần cho họ, ví dụ như những trẻ thơ bị nghèo đói không đủ dinh dưỡng và bệnh tật mà không tiền chữa trị, v, v... và nhiều hòan cảnh khác nữa, để xã hội ngày càng bớt đi những giọt nước mắt âm thầm đau khổ và mọi người biết quan tâm đến nhau hơn. Tôi xin cám ơn chương trình này.

HOÀNG MẠNH HẢI (HMHai2005@yahoo.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên