Phóng to |
Len Brault cùng vợ và con gái trong nhà kho chất đầy sản phẩm Trung Nguyên ở thành phố Medford (bang Massachussettes) - Ảnh do Len Brault cung cấp |
Cây cầu cà phê
Len Brault đã điều hành một công ty tư nhân chuyên về thiết kế và marketing từ năm 1985, từng đứng ra tiếp thị nhiều công ty và sản phẩm với tổng giá trị lên đến 400 triệu USD đến thị trường Mỹ.
2005, ông nảy ra ý định lập một doanh nghiệp trên mạng chỉ để bán cà phê, mặt hàng mà mình thực sự yêu thích. Mất nhiều tháng trời để Len chọn lựa. “Tôi mua nhiều loại cà phê khác nhau về để tự thẩm định chất lượng. Khi thử đến cà phê Trung Nguyên, tôi đã ngay lập tức cảm thấy thích...”
Vậy là Len bắt tay liên hệ trực tiếp với Trung Nguyên để đặt hàng, lập trang web www.trung-nguyen-online.com để giao dịch. Ngoài chất lượng, Trung Nguyên lọt vào mắt xanh của Len còn vì sản phẩm được cấp chứng chỉ quốc tế Utz Kapeh (chứng minh cà phê an toàn và được sản xuất một cách có trách nhiệm). Điều này rất quan trọng đối với những khách hàng khó tính ở Mỹ.
Len thường tiếp thị sản phẩm bằng chương trình Adwords trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo,…và tại các hội chợ bán hàng. Khách hàng của ông đa số là những người từng đi du lịch đến VN, đã uống và mê mẩn với hương vị đậm đà của cà phê ở VN. Sự yêu mến thái quá của họ khiến chính Len cũng phải ngạc nhiên. “Tôi đã nhận được rất nhiều thư của khách hàng nói rằng đây là loại cà phê ngon nhất mà họ từng uống, rằng từ nay họ sẽ không uống những loại cà phê trước đây nữa…Trong 21 năm làm marketing, tôi chưa bao giờ thấy khách hàng phấn khích với một sản phẩm đến như thế!” - Len nói. |
Nhìn chung, Len rất hài lòng với cung cách làm việc của Trung Nguyên, nhưng theo ông, vẫn có những điểm cần khắc phục để hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ thời gian giao hàng khá lâu, có khi mất đến tám tuần, hay bao bì của Trung Nguyên vẫn còn một số điểm chưa thống nhất với hệ thống bán lẻ của Mỹ và các nước nói tiếng Anh...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Mạnh Kha, đại diện Trung Nguyên phụ trách đơn hàng của Len Brault cho biết hiện nay Trung Nguyên có hơn 10 nhà phân phối cỡ lớn và cỡ trung bình ở Mỹ, nhưng Len là nhà phân phối qua internet duy nhất.
Xét về quy mô thì Len chỉ là nhà phân phối nhỏ (mỗi đơn đặt hàng chỉ 250 thùng cà phê), nhưng việc phân phối qua mạng khiến sản phẩm của Trung Nguyên có thể được mọi người trên thế giới truy cập, tìm hiểu và đặt mua bất cứ lúc nào. "Ông Len là một cầu nối người Mỹ và người Việt thông qua văn hóa thưởng thức cà phê. Đối với chúng tôi, ông ấy không chỉ là đối tác mà còn là người bạn tốt" - ông Kha nhận xét.
Hiện nay việc bán cà phê qua mạng của Len đang rất phát đạt với mức tăng trưởng từ 15 đến 20% một tháng. Len nói điểm khác biệt là ông nhắm đến tất cả những người uống cà phê ở Mỹ còn đa số các nhà nhập khẩu cà phê Trung Nguyên khác đều đặt cửa hàng tại California và chủ yếu bán cho người châu Á.
Len cho biết ông rất bất ngờ khi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ Canada (chương trình Adwords dùng để quảng cáo trang web của ông chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ). Ông sắp lập thêm một công ty phân phối để giao hàng ở Toronto, vừa mở rộng thị trường, vừa hạn chế được những rắc rối hải quan do phải giao hàng qua biên giới từ Mỹ.
Tiếp thị “văn hóa cà phê”
“Do bị tác động của các “chuyên gia” cà phê, nhiều người Mỹ cho rằng chỉ cà phê làm từ hạt Arabica mới là loại hảo hạng, và hầu như chỉ tiêu thụ loại cà phê này. Quan niệm như vậy là rất sai lầm. Không chỉ người Mỹ thiệt thòi vì mất cơ hội thưởng thức nhiều loại hương vị cà phê khác, mà việc trồng trọt cũng sẽ gặp nguy hiểm. Hãy hình dung xem, nếu chỉ trồng một loại cà phê thì giống cà phê ấy sẽ bị suy thoái hoặc tạo điều kiện cho virus sinh sôi, gây thiệt hại cho hàng triệu hecta đất trồng cà phê trên thế giới!” - ông nói.
Cà phê của Trung Nguyên kết hợp nhiều chủng loại khác nhau như Arabica, Robusta, Chari, Catimor… do đó giàu hương vị và thơm ngon hơn hẳn những loại cà phê thuần túy Arabica. Sự xuất hiện đa dạng, nhiều chủng loại của Trung Nguyên chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng mới. Với niềm tin đó, người đàn ông Mỹ chưa một lần đến VN này đang dốc hết tâm huyết và vận dụng 21 năm kinh nghiệm trong ngành marketing của mình để đưa cà phê Trung Nguyên vào từng ngõ ngách của đời sống người dân Bắc Mỹ.
Len nhấn mạnh “Mục đích của chúng tôi là giới thiệu với người Mỹ truyền thống của cà phê VN, phong cách của các nhà sản xuất cà phê VN, và cách pha chế cà phê VN. Tôi hy vọng cà phê VN sẽ tìm được một vị trí xứng đáng trong nhận thức của người thưởng thức cà phê ở Mỹ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận