04/10/2018 14:50 GMT+7

Người thực thi đổi mới, đưa kinh tế vượt khó

BẢO NGỌC - VŨ TUẤN ghi
BẢO NGỌC - VŨ TUẤN ghi

TTO - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đã kể những câu chuyện về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười với những quyết sách đổi mới, vượt khó.

Người thực thi đổi mới, đưa kinh tế vượt khó - Ảnh 1.

Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm Nông trường Sông Hậu tháng 1-1996. Ông Năm Hoằng - ba của bà Ba Sương, một người nông dân luôn đi chân đất cho dù đón lãnh đạo cao cấp - Ảnh tư liệu

Năm 1989 là thời điểm kinh tế kiệt quệ, nhưng nhờ đổi mới của Đảng, cá nhân ông Đỗ Mười - người trực tiếp chỉ đạo - đã giảm được lạm phát, kinh tế dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng.

Lạm phát lúc ấy do mất cân đối tiền - hàng trong khi Việt Nam chưa in được tiền, phải nhờ Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc in rồi chuyển về nước để chi tiêu. In quá nhiều tiền trong khi sản xuất không phát triển.

Ngày đó, cứ ngủ một đêm, sáng hôm sau giá cả đã tăng vọt. Đời sống của người dân cực kỳ khó khăn. Cán bộ bị nợ 4, 5 tháng lương là chuyện bình thường. Bội chi thường xuyên, ngân sách không có tiền để trả lương.

Tiền in ra cho dân tiêu nhưng ngân sách không thu được. Hàng hóa không có, xí nghiệp không có lãi để nộp. Cán bộ lĩnh lương bằng sản phẩm, dân mua hàng bằng tem phiếu, ăn theo tiêu chuẩn.

Tôi còn nhớ, năm 1990 ngân khố trống rỗng, cần 1 triệu USD để nhập phân bón nhưng đi bòn mót khắp nơi không nổi, phải đi vay nóng bên ngoài để có tiền nhập phân bón. Đỉnh điểm của lạm phát vào năm 1989, mức lạm phát tăng tới 700%.

Bối cảnh đó, ông Đỗ Mười được bầu làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Dưới sự chỉ đạo của ông Đỗ Mười, có 3 nhân tố giúp quá trình chống lạm phát thành công.

Thứ nhất, ông Đỗ Mười đã chủ trương mở cửa ra bên ngoài, làm bạn với các nước, đẩy mạnh hội nhập để thu hút nguồn lực từ bên ngoài vào.

Thứ hai, xây dựng thể chế kinh tế theo hướng thị trường và giải quyết nút thắt tiền - hàng. Bài toán đặt ra khi đó là làm sao chống được bao vây cấm vận từ bên ngoài, trở lại được với các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB.

Lúc đó có nhiều rào cản như nợ nước ngoài của chính quyền Sài Gòn đối với các tổ chức tài chính quốc tế khoảng 240 triệu USD. Giờ phải gỡ các vướng mắc này thông qua các câu lạc bộ Paris, London để trả nợ. Đó là các động tác "gỡ rối" để trở lại hội nhập, làm bạn với các nước.

Thứ ba, khi vay các tổ chức nước ngoài thì chúng ta phải trả nợ họ. Ba việc này mình làm được thì họ cho mình tham gia trở lại cộng đồng ngân hàng thế giới (ADB, WB và IMF). 

Khi đã trả nợ các tổ chức này thì mình vay tự do theo chế độ mình là nước còn gặp khó khăn, vay lãi suất thấp, vay theo kiểu tài trợ và họ có chính sách rất rõ ràng.

Từ đó, 3 tổ chức này vào thì tư nhân mới vào, các nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam để mở cửa nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống luật pháp theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải cơ cấu lại toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Khi đã mở cửa được nền kinh tế thì phải đẩy mạnh chống lạm phát, nhờ đó nền kinh tế mới có thể ổn định trở lại và phát triển.

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn

Năm 1988, khi làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười ra Quảng Ninh để giải quyết tình trạng thiếu gạo cho công nhân vùng mỏ, lúc ông tới nơi thì công nhân đã thiếu gạo mấy tháng.

Ông Đỗ Mười đã điện thẳng cho tôi (khi đó làm bí thư Tỉnh ủy Thái Bình) yêu cầu xuất ngay 2.000 tấn gạo để chi viện cho công nhân ăn tết.

Lúc đó, tôi còn trẻ và ta mới áp dụng kinh tế thị trường, tôi hỏi ông Đỗ Mười: "Thế thanh toán thế nào anh?". Ông không trả lời và yêu cầu tôi trong hai ngày phải chở 2.000 tấn gạo ra cứu đói cho công nhân ở Quảng Ninh.

Ông nói với tôi rằng: "Trong từng bối cảnh phải biết cái gì cần làm trước, cái gì làm sau".

Thời kỳ bắt đầu đổi mới, có phong trào trăm hoa đua nở, địa phương nào cũng cấp phép thành lập quỹ tín dụng nhân dân. Vì vậy đã dẫn tới hệ lụy vỡ quỹ tín dụng vào năm 1990.

Có lần khi ông Đỗ Mười vừa từ Sài Gòn ra đến sân bay Nội Bài, tôi điện thông báo: "Anh đừng về nhà nữa, về ngay Phủ thủ tướng vì có bảo vệ canh giữ".

Ông Đỗ Mười nói luôn: "Cứ để tôi ra, tôi tiếp xúc trực tiếp, không có gì phải trốn tránh dân cả". Sau đó, ông đã hẹn người dân tập trung ra trụ sở UBND TP Hà Nội để giải thích, thông báo công khai tình hình để người dân hiểu.

Quốc tang 2 ngày tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười Quốc tang 2 ngày tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

TTO - Trong hai ngày quốc tang 6 và 7-10-2018 tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

BẢO NGỌC - VŨ TUẤN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên