20/12/2003 07:45 GMT+7

"Người thợ rèn dao" của quân đội

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Tôi chưa được nghe tên ông. Nhưng khi đọc cuốn sách viết về ông (Tướng Nguyễn Văn Vịnh - như anh còn sống) tôi đã không ngờ được gặp hình ảnh của một vị tướng lớn đến thế, không ngờ được đọc những lời tốt đẹp đến thế được viết bởi những tên tuổi lớn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Đồng Văn Cống, đại tá Hồ Thị Bi, các nghệ sĩ ưu tú như Khương Mễ, Mai Lộc…

ju57GteF.jpgPhóng to
TT - Tôi chưa được nghe tên ông. Nhưng khi đọc cuốn sách viết về ông (Tướng Nguyễn Văn Vịnh - như anh còn sống) tôi đã không ngờ được gặp hình ảnh của một vị tướng lớn đến thế, không ngờ được đọc những lời tốt đẹp đến thế được viết bởi những tên tuổi lớn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Đồng Văn Cống, đại tá Hồ Thị Bi, các nghệ sĩ ưu tú như Khương Mễ, Mai Lộc…

Các đồng chí của ông muốn chúng tôi giới thiệu một cuốn sách, nhưng đọc xong cuốn sách tôi lại muốn giới thiệu một con người, một tướng quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thao lược quân sự, khai sinh điện ảnh kháng chiến

Thiếu tướng Nguyễn Văn Vịnh từng là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất trung ương.

Nhắc đến tài thao lược quân sự, hoạch định sách lược của ông có lẽ là quá thừa bởi nhiều người đã khẳng định ông là một trong những người đầu tiên đề xuất và chỉ đạo xây dựng đường Trường Sơn trên bộ và trên biển để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; chỉ đạo xây dựng công tác binh, địch vận từ 1960; đề xuất phát động du kích chiến tranh, nhân dân chiến tranh toàn diện và trường kỳ từ 1961; đề xuất chủ trương vừa đánh vừa đàm từ 1965…

Ngạc nhiên hơn là những việc ông đã làm trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi nhà nước cách mạng còn non trẻ, nhân lực, tài lực còn yếu, còn thiếu. Vừa được đón về từ nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Vịnh - khi đó còn là một chàng trai chưa đầy 30 tuổi - đã lao ngay vào cuộc kháng chiến, chỉ huy đội du kích Mỹ Tho, sau đó được bầu làm chính trị viên, rồi chính ủy Khu 8.

B3wrik2O.jpgPhóng to
Hồ Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Vịnh tại triển lãm kỹ thuật của thiếu nhi Liên Xô trong chuyến sang thăm Liên Xô năm 1962

Bộ tư lệnh Khu 8 không chỉ lo xây dựng căn cứ, các cơ sở cách mạng, các đội du kích, các trạm quân y; không chỉ lo cơm ăn áo mặc, vũ khí; không chỉ hoạch định chiến lược, chiến thuật…

Ở Khu 8 có cả các văn nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh. Và trong buổi triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên trong dịp 2-9-1947, cuốn sổ cảm tưởng đã có một trang thật đáng nhớ “Những hình ảnh bộ đội chiến đấu, ảnh giặc Pháp càn quét, khủng bố, đốt phá, bắn giết là những tài liệu sống rất có giá trị động viên cổ vũ quân dân ta và tố cáo tội ác của giặc ra thế giới. Tôi mong sao những hình ảnh này hoạt động được thì sẽ tăng sức mạnh bội phần…”. Dưới những dòng ấy là chữ ký của chính ủy Nguyễn Văn Vịnh.

Chỉ vài tháng sau, Bộ tư lệnh Khu 8 ra quyết định thành lập tổ nhiếp - điện ảnh, phía dưới cũng ký tên Nguyễn Văn Vịnh. Đạo diễn Mai Lộc bảo khi nhận quyết định, ông lo nhiều hơn mừng vì không biết có thể thực hiện được không. Máy quay chưa có, người biết các công nghệ chuyên môn in phim, tráng phim, dựng phim cũng chưa có, các phương tiện kỹ thuật khác như phòng tối, phòng lạnh lại càng không có...

Rồi cũng chính chính ủy Vịnh viết thư mời thêm đạo diễn Khương Mễ, đặt mua máy móc, hóa chất làm phim, sách báo hướng dẫn, và cả viết thư xin trung ương chi tiền cho Khu 8 làm điện ảnh. Trước mỗi trận đánh, bộ tư lệnh lại mời các đạo diễn lên phổ biến ý đồ chiến thuật, diễn biến dự kiến để có hướng xây dựng kịch bản phù hợp.

Phim tài liệu Trận Mộc Hóa - phim chiến sự đầu tiên của điện ảnh VN - đã ra đời như thế, làm nức lòng quân dân trong kháng chiến. Các đạo diễn Khương Mễ, Mai Lộc bảo buổi chiếu phim đầu tiên bên bờ kênh Dương Văn Dương với hội trường lợp cỏ đưng, xuồng ba lá ken đầy là buổi chiếu mà các ông thấy xúc động nhất trong sự nghiệp của mình.

“Chúng tôi được mọi người biết đến như là người đi tiên phong của điện ảnh Nam bộ, nhưng đằng sau là Bộ tư lệnh Khu 8, là vai trò thiết yếu của anh Vịnh”.

Vị võ tướng “mềm như tấm lụa”…

pw1M0Myr.jpgPhóng to
Từ trái qua: các ông Nguyễn Văn Quạn, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Đăng - Bộ tư lệnh Khu 8 tại Đồng Tháp Mười năm 1949
Sự nghiệp, công danh nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những hình ảnh của ông, tâm tình của ông vẫn hiển hiện rất rõ trong tâm khảm những người thân, đồng chí.

Bác sĩ Trương Thị Châu, người vợ yêu thương của ông, vẫn còn nhớ rõ ngày đầu gặp gỡ:

“Ba tôi dặn là có người tới coi mắt, thế rồi anh tới, ngồi vào bàn làm việc. Tôi đã nhất quyết sẽ trả lời không ưng vì không thích chuyện mai mối, nhưng rồi cũng nghe trong lòng dậy lên mối cảm tình. Anh điềm đạm, nhẹ nhàng quá. Ba tôi Nho giáo là thế mà mới gặp đã ưng, bác Mai Chí Thọ thì tự nguyện làm “bà mối”, ngày nào cũng tới thuyết phục. Thế là cưới…”.

Sự tin tưởng tổ chức tuyệt đối đến cả chuyện trao duyên gửi phận đã không làm hai người phải thất vọng.

Cô Châu không thấy chồng mình là một vị tướng “râu hùm hàm én, âm sắc vang rền” như trong truyện Tam quốc chí. Anh Vịnh, chồng cô, chỉ là một ông cán bộ luôn giữ nếp sống mẫu mực, cứ đến tết là nhắc vợ gói bánh chưng, làm bánh mứt “dôi dôi ra để còn biếu hàng xóm”; cùng với vợ đi viếng đám tang thì lại nhắc: “Em là hay cười lắm, đi đám tang không được cười”.

Cùng với một vài tấm ảnh gia đình, vài tấm ảnh chụp trong công tác, cuốn album sờn cũ của gia đình nhà tướng Vịnh còn có một tấm ảnh chụp lại ba quả chuối ông được Bác Hồ tặng trong một lần làm việc.

Chẳng thế mà đạo diễn Mai Lộc bảo: “Anh Vịnh đối với cánh văn nghệ sĩ mềm mại như tấm lụa, hết lòng chiêu hiền đãi sĩ”. Trong suốt những kỷ niệm được các đồng chí, đồng đội của ông nhắc lại, tôi nghe những từ “nhẹ nhàng, điềm đạm” lặp đi lặp lại nhiều lần.

“Nhưng dĩ nhiên là ông rất cương quyết - ông Phạm Văn Hùng (nguyên trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM), thư ký của ông Vịnh, kể - Có lần, do bất đồng quan điểm ông đã tranh cãi với một cán bộ cấp trên của mình tới… mấy tháng cho đến khi đạt được thống nhất. Họ không hề to tiếng với nhau mà chỉ tranh luận qua điện tín”.

Không chỉ có các đạo diễn Khương Mễ, Mai Lộc nói rằng “anh Vịnh đã mở đường cho chúng tôi đi tiên phong làm điện ảnh kháng chiến”. Thiếu tướng Võ Văn Thời (nguyên cục trưởng Cục Binh địch vận Tổng cục Chính trị) còn khẳng định “ngành binh, địch vận được nhận Huân chương Hồ Chí Minh sớm nhất, công lao thuộc về chiến trường và đồng chí Hai Vịnh”; thiếu tướng Võ Bẩm (tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) kể về những chỉ đạo sát sao của ông khi mở đường chi viện miền Nam…

Và nhiều người, nhiều câu chuyện khác nữa. Ai cũng bảo: “Mỗi lần gặp, nghe ông phân tích công việc là học được một cái mới”.

Đến hôm nay, các đồng chí của ông còn nhắc mãi một câu ông đã nói về vai trò tham mưu, cố vấn của mình: “Tôi đi theo cách mạng và làm một người thợ rèn dao. Niềm vui là những con dao sắc bén được anh em sử dụng có hiệu quả…”.

Những năm cuối của công cuộc giải phóng đất nước, sự nghiệp của ông gặp một biến cố lớn. Trước thử thách nghiệt ngã, “người thợ” ấy vẫn bình tĩnh, an nhiên, đấu tranh không ngừng, vẫn một lòng một dạ trung thành với Đảng.

Và ông vẫn tiếp tục “mài dao”. Trung tướng Đồng Văn Cống kể: “Thấy anh gặp khó khăn, chúng tôi sốt ruột quá, nhưng anh bảo: Việc của tôi Đảng sẽ giải quyết, các anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ để sớm giải phóng miền Nam…”.

Miền Nam giải phóng, rồi những ẩn ức trong đời ông cũng được giải tỏa, sáng rõ. Nhưng tất cả niềm vui lớn ấy không thắng nổi căn bệnh hiểm nghèo. Tướng Nguyễn Văn Vịnh mất đi, mang theo trong ánh mắt, nụ cười của mình niềm hân hoan được tiếp tục phục vụ cách mạng.

“Chưa viết, chưa nói được niềm thương kính của mình với anh, chúng tôi không yên lòng. Đến hôm nay mới làm được cuốn sách, như một nén nhang tưởng niệm anh…”. Các đồng chí của ông nói với chúng tôi như vậy.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên