28/04/2021 12:53 GMT+7

Người phụ nữ mê nông nghiệp thuận tự nhiên

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Bỏ lại công việc ổn định tại TP.HCM, Huỳnh Thị Quốc Trị một mình lên Ka Đơn, Đơn Dương, Lâm Đồng để bắt tay đưa dự án nông nghiệp thuận tự nhiên đến với nông dân và đồng bào K’Ho.

Người phụ nữ mê nông nghiệp thuận tự nhiên - Ảnh 1.

Huỳnh Thị Quốc Trị (phải) bên những nông dân tham gia dự án nông nghiệp thuận tự nhiên mà Trị theo đuổi suốt 6 năm qua - Ảnh: C.K.

"Chúng tôi mong muốn những người có thu nhập thấp được ăn rau sạch và dự phòng được bệnh tật. Ngoài các khu công nghiệp và trường học, chúng tôi cũng mang rau ra chợ và đến các bệnh viện.

Gần sáu năm "dầm mưa, dãi nắng" cùng khát vọng làm ra sản phẩm rau, củ an toàn cho người dùng và cả người nông dân. 

"Làm dự án rau sạch là cả một sự liều lĩnh quá lớn và thách thức, vì mình chưa bao giờ làm nghề nông, tuy đã có thời gian trải nghiệm về nông nghiệp sạch và mô hình sản xuất tại Osaka của Tổ chức Teikei, Nhật Bản. Mình vẫn thấy có những nông dân phun xịt phân, hóa chất một cách tự do nên quyết tâm đưa dự án vào thực tế" - Quốc Trị chia sẻ.

Giúp nông dân ổn định đầu ra

"Trong canh tác thuận tự nhiên chúng ta không phải mất các chi phí đầu tư như nhà kính, nhà lưới hay phân thuốc và các nghiên cứu chuyển giao công nghệ, mà chúng tôi chỉ lưu truyền giống bản địa, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, cho cỏ mọc giữ độ ẩm và hệ vi sinh cho đất, từ đó đất làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cây. Vì chi phí không nhiều nên giá sản xuất của chúng tôi luôn rẻ" - Quốc Trị chia sẻ.

Trị còn cho biết điều thú vị hơn nữa là trong canh tác thuận tự nhiên sản lượng lại cao gần gấp đôi và sẽ hơn gấp đôi so với dùng phân thuốc, nên cho dù bán rẻ thì nông dân vẫn có lợi nhuận. 

Kinh nghiệm này đã được cô bạn chứng minh được với các bạn làm nghề nông tại nhiều tỉnh thành. Và dự án của Trị cùng nông dân đã lan tỏa đến nông dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Trị và Ninh Thuận. 

Nhưng để có được kết quả như vậy, Trị cũng phải "lên bờ xuống ruộng" mới cải tạo được hệ sinh thái của đám đất mà cô nàng "trình diễn" cho các nông dân xung quanh, trong đó có những người đồng bào K’Ho theo dõi.

Trị bị người dân địa phương nói... khùng. "Mà họ nói cũng đúng, sâu và ốc sên xuất hiện rất nhiều, tấn công dữ dội. Rau mọc còi cọc nhìn khô khốc. Tui giải thích cho nhân viên và người nông dân địa phương nguyên nhân duy nhất là hệ vi sinh của đất đã bị hủy vì phân thuốc hóa học. Người nông dân ban đầu không nghe mình đâu. 

Họ nói mình là đại gia rửa tiền, khách hàng chê rau xấu, thậm chí bố mẹ và anh chị em mình cũng không ăn rau do mình trồng, mang đến đâu bán cũng không bán được, mình phải bỏ đi rất nhiều, nhân viên bắt đầu bất mãn vì tui không chịu xịt thuốc và bón phân hóa học. 

Thêm cái nữa là người nông dân quen trồng một sản phẩm trên một diện tích lớn, trong khi mình lại muốn trồng nhiều sản phẩm. Họ cho rằng làm như thế sẽ tốn nhiều công và sẽ bị nhiều sâu bọ tấn công" - Trị nhớ lại lúc ban đầu triển khai dự án.

Sản lượng rau vườn của Trị ban đầu trồng chỉ được 1/10 so với cách trồng dùng phân thuốc. Mà rau cũng chưa có thị trường để bán. 

Nhưng rồi Trị bắt đầu lập fanpage và kể những câu chuyện hằng ngày về vườn rau của mình. Rồi cô trồng xen canh hoa với rau, cho cỏ mọc tự nhiên không nhổ bỏ. Đất chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục như ông bà mình ngày xưa. 

Kết quả đã mỉm cười khi năng suất rau tăng lên và đầu ra được người tiêu dùng ủng hộ, người nông dân ban đầu không ủng hộ nhưng nay đã theo dự án khá nhiều...

Có gia đình cha mẹ, con cái cùng tham gia dự án như gia đình GRek, người K’Ho chia sẻ: "Mình trồng rau như cái Trị hướng dẫn, cả họ nhà mình cũng đã theo cách làm này. 

Không dùng hóa chất sẽ tốt cho sức khỏe của mình và cả người ăn rau nữa. Rau nhà mình trồng xong là bán được hết nên không lo như trước nữa".

Triển khai dự án khi trong tay là con số 0

Tốt nghiệp chuyên ngành văn học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 1999, Trị đi làm báo khoảng 7 năm rồi sau đó nhận học bổng qua Nhật học ngành phúc lợi xã hội. 

Năm 2014 về nước, Trị làm thông dịch và tiếp tục dạy tại Tổ chức KOTO, nơi dạy nghiệp vụ nhà hàng miễn phí cho những người trẻ khó khăn. "Lúc đó mình học thêm nghề may thêu cho vui. 

Nghe nói trên Ka Đơn nhiều thiếu nữ người K’Ho biết thêu, mình tìm đến để cùng hợp tác làm thời trang, giúp thêm các bạn ấy. 

Nhưng càng đi vào nhà các hộ nông dân, mình mới thấy họ canh tác dùng quá nhiều phân bón, hóa chất một cách vô tội vạ. Thế là dự án nông nghiệp thuận tự nhiên của mình ra đời" - Trị bộc bạch.

Một thân một mình, cô nàng triển khai dự án khi trong tay chỉ là con số 0. Nghe về dự án, một người bạn đã đưa tiền để Trị mua 1.600m2 đất triển khai trồng rau theo hướng thuận tự nhiên, sau đó bạn bè hỗ trợ tìm đầu ra... 

Dần dần chính cách làm của dự án đã thuyết phục được những khách hàng là nhà máy, trường học, cửa hàng bán sản phẩm nông sản sạch ủng hộ và đầu ra cho nông dân ngày càng ổn định hơn, thu nhập cũng bớt bấp bênh.

Trị đi vào hỗ trợ những người trẻ để mong thay đổi thế hệ nông dân mới. Nhớ lại sáu năm trước khi đặt chân đến vùng đất này triển khai dự án, Trị kể: "Bên kia các em vui vẻ phun xịt, bên này mình gieo hạt rồi cho cỏ mọc tự nhiên và cho sâu ăn thoải mái. 

Đến ngày thu, mình chỉ hái được một ít trong khi các em được rất nhiều. Sau khi thu hoạch, các em đánh đất, rải vôi, rải thuốc rồi lên luống trong khi đó mình thì chỉ lấy hết cỏ ra rồi tiếp tục gieo luống mới. 

Cứ như vậy, một vụ rồi hai vụ..., dần dần rau của mình được nhiều hơn rồi nhiều hơn một chút. Cho đến một ngày của năm thứ hai, cây súplơ của mình cân được 0,9kg trong khi cây của các em cao nhất 0,7kg thì mình mới thở phào nhẹ nhõm và bài học thứ nhất được bắt đầu, các em đã chịu nghe và làm theo".

Với ba nguyên tắc trong canh tác thuận tự nhiên về sản phẩm là: "Giống bản địa, vùng nào thức nấy, mùa nào thức nấy". 

Cô bạn đã tìm đến các vùng miền để chia sẻ, sưu tầm và giữ giống, để hiểu về điều kiện thời tiết bao gồm khí hậu và thổ nhưỡng, rồi sắp xếp các danh mục gieo trồng sản phẩm cho phù hợp, tiến hành ký hợp đồng đầu tư cho nông hộ và bao tiêu đầu ra. 

Tính đến nay dự án đã triển khai được 6 địa phương bao gồm: Đơn Dương, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận và Quảng Ngãi.

Farmstay, mô hình trải nghiệm nông nghiệp hướng đến giá trị giáo dục cho cộng đồng và giao lưu văn hóa vùng miền, đang được dự án tiếp tục triển khai. 

Tại mỗi địa phương, dự án sẽ xây dựng mô hình farmstay nhằm tạo điều kiện để khách hàng được gặp gỡ và thăm viếng nông hộ. Nông hộ cũng được cơ hội để học hỏi và giao lưu văn hóa với các vùng miền.

Với tâm niệm làm bất cứ việc gì mà bằng cái tâm bạn sẽ được kết nối với nhiều duyên lành. Dù bao khó khăn nhưng cô nàng vẫn kiên trì thuyết phục nông dân và người tiêu dùng ủng hộ dự án. 

Trong lúc bao nhiêu farm organic rần rần với giá bán cao ngất ngưởng thì dự án này tìm đến các nhà máy, xí nghiệp và trường học để bán rau với giá bình dân.

Bài toán khó

Trị cho biết ở vai trò làm cầu nối giữa người nông dân với khách hàng, dự án mong muốn làm sao để nông hộ được bán với giá cao nhất và khách hàng được mua với giá rẻ nhất.

"Bài toán này làm mình rất nhức đầu, bởi sản phẩm nông nghiệp không công thức nào quản lý được hết các rủi ro, và chúng ta phải trông chờ vào thời tiết với phương thức canh tác thuận tự nhiên không dùng bất cứ biện pháp nào can thiệp vào cây trồng.

Thật may mắn! Khách hàng đã hiểu, thông cảm và sẵn sàng chia sẻ các rủi ro do thiên tai với dự án để cùng nhau bảo vệ nông hộ, chúng ta vẫn đảm bảo đủ thu nhập cho nông hộ nếu vụ mùa bị hư hỏng.

Một số đại lý cũng đã hiểu và đang chung tay với dự án để lan tỏa tinh thần dự án đến với khách hàng" - Trị cho hay.

Chàng trai đi lan tỏa thông điệp làm vườn thuận tự nhiên Chàng trai đi lan tỏa thông điệp làm vườn thuận tự nhiên

TTO - Trăn trở làm nông nghiệp thuận tự nhiên - không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, chàng trai trẻ Võ Quốc Lập (27 tuổi, quê Đồng Tháp) đã cùng bạn của mình lập dự án Tre Mỡ.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên