05/12/2017 16:16 GMT+7

Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng không được đến liên hoan

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2017 sẽ không nhận các bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài như ‘Người phán xử’, ‘Sống chung với mẹ chồng’.

Ở hạng mục phim truyện, số lượng phim truyện dài tập gửi về dự thi năm nay chỉ có 5 bộ phim: Lẩn khuất một tên người (TFS, 37 tập), Mật danh Rocker (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, 44 tập), Mẹ hổ dạy con dâu (SCTV, 40 tập), Sống trong bóng đêm (Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, 40 tập), Chiều ngang qua phố cũ (VFC, 26 tập).

Không có những bộ phim "đình đám" của năm 2017 như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử.

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập, phó Trưởng ban thường trực Liên hoan Truyền hình 2017 cho biết ban tổ chức không nhận các bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài.

Đó là quy định từ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ nhất. Vì liên hoan là sân chơi nghiệp vụ của người làm truyền hình tại Việt Nam, tôn vinh sáng tạo của những người làm truyền hình trong nước, nên chúng tôi chủ trương chọn các tác phẩm thuần Việt. Những chương trình có kịch bản nước ngoài, hay phim tài liệu mà thuê đạo diễn nước ngoài sẽ không được nhận tham dự liên hoan này.

Ông Nguyễn Hà Nam

Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng không được đến liên hoan  - Ảnh 2.

Họp báo Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 chiều 5-12 tại Đài Truyền hình Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP

"Năm nay số lượng phim truyền hình dài tập gửi về ít hơn so với mọi năm phản ánh thực tế sản xuất phim của các hãng phim tư nhân, công ty truyền thông giảm sút nhiều", ông Hà Nam cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online vì sao thành viên của ban giám khảo phim truyền hình lại có những nhà sản xuất có phim gửi dự thi tại Liên hoan. 

Ông Nguyễn Hà Nam cho biết các thành viên giám khảo là đại diện cho các đơn vị có tác phẩm gửi về dự thi sẽ không được bỏ phiếu, được thảo luận về bộ phim của họ, để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Số điểm của bộ phim đó sẽ do thành viên còn lại của ban giám khảo chấm. Lá phiếu của các thành viên ban giám khảo và trưởng ban giám khảo có giá trị ngang nhau.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 diễn ra từ ngày 13 đến 16-12 tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Liên hoan sẽ tôn vinh 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chuyên đề - Khoa giáo, Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Ca múa nhạc, Sân khấu và Phim truyện truyền hình.

Ban tổ chức đã nhận được gần 500 tác phẩm dự thi, trong đó phóng sự chiếm số lượng nhiều nhất (150 tác phẩm).

Ban giám khảo thể loại sân khấu gồm: NSND Hoàng Dũng, NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên (Ban giám khảo thể loại sân khấu).

Ban giám khảo thể loại Phim truyện truyền hình: NSND Như Quỳnh, NSND Lý Thái Dũng, NSƯT Đỗ Thanh Hải.

Ban giám khảo thể loại chương trình ca múa nhạc: NSƯT Huỳnh Tấn Minh.

Ban giám khảo phim tài liệu: NSND Lê Thi, NSND Nguyễn Như Vũ.

Lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 13-12, lễ bế mạc diễn ra vào 20h ngày 16-12, đều được tường thuật trực tiếp trên VTV1.

Liên hoan Truyền hình đã xác định được địa điểm tổ chức cho ba năm tới. Liên hoan sẽ được tổ chức tại Đà Lạt năm 2018, tại Nha Trang năm 2019. 

Năm 2020 Liên hoan Truyền hình lần thứ 40 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Truyền hình mới khánh thành, trong khuôn viên Đài Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên