Hai nhà báo Abdul Khalik và Andi Haswidi của báo The Jakarta Post, hôm 15-1 đã nhanh chóng loan báo giùm Bộ Ngoại giao nước mình: “Indonesia có ý định lèo lái ASEAN giải quyết hai vấn đề chính trị và an ninh nổi bật là dân chủ ở Myanmar và các yêu sách về chủ quyền chồng lấn ở biển Đông trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình năm nay. Hai vấn đề này thu hút phần lớn sự quan tâm của các ngoại trưởng.
Tổng vụ trưởng Tổng vụ ASEAN Djauhari Oratmangun cho biết Indonesia rất nhiệt tình đóng vai trò người môi giới tìm kiếm giải pháp cho các cuộc tranh chấp ở biển Đông, một trong những điểm nóng nhất của thế giới từng là sân khấu biểu dương sức mạnh của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương”.
Từ ngữ “người môi giới” mà người phụ trách vấn đề ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia sử dụng để chỉ định vai trò chính phủ nước này sẽ đóng trong chức năng chủ tịch ASEAN phản ánh vị trí địa - chính trị của Indonesia so với biển Đông và vấn đề biển Đông, cũng như vị thế của Indonesia trên trường ngoại giao.
Đúng là Indonesia không là nước liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên biển Đông (như Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam). Song là một thành viên của ASEAN, tháng 7 năm ngoái Indonesia đã nhất trí với điều 12 trong Tuyên bố chung về biển Đông của chủ tịch Diễn đàn an ninh ARF là “khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông” trên cơ sở “thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), tái khẳng định tầm quan trọng của DOC năm 1992...”.
Liệu Indonesia sẽ thành công một lần nữa trong vai trò “môi giới” này, như cách nay 20 năm khi Indonesia là đồng chủ tịch hội nghị hòa bình Paris về Campuchia năm 1991?
Ông Djauhari Oratmangun cho biết tại cuộc gặp đầu tiên ở Lombok này, tổ công tác về vấn đề biển Đông của ASEAN đã báo cáo kết quả cuộc gặp hồi tháng 12 năm ngoái với Trung Quốc: ”Chúng tôi đã không thỏa thuận được về những vấn đề nguyên tắc, do vẫn còn những khác biệt giữa Trung Quốc và ASEAN trong cảm nhận về mục đích của cuộc gặp. Hiện chúng tôi vẫn đang cố lấp đầy khoảng cách đó và đang tạo ra những nguyên tắc có thể tiến triển thành các quy tắc ứng xử có thể vận dụng nhằm giữ khu vực này yên bình”.
Ông Djauhari Oratmangun không quên kèm theo ghi nhận của mình: “Các quan chức đã bày tỏ bi quan về cuộc gặp quan chức cấp trung này mà theo họ là không đủ năng lực để giải quyết một vấn đề lớn như thế”.
Khi mục đích các cuộc gặp còn chưa được đả thông, quả thật còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.
Bộ trưởng ngoại giao và đại diện 10 nước ASEAN cuối tuần qua đã nhóm họp tại Lombok, Tây Nusa Tenggara, Indonesia để thảo luận về cộng đồng ASEAN và vai trò của nó trong bối cảnh toàn cầu. Đây là cuộc họp ngoại trưởng đầu tiên của ASEAN trong năm Indonesia là chủ tịch. Các lãnh đạo ngoại giao tuyên bố năm 2011 sẽ là một năm “làm nhiều hơn nói” trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng khối kinh tế hợp nhất vào năm 2015, Jakarta Post ngày 16-1 đưa tin. Bản kế hoạch chung bao gồm các chiến lược thúc đẩy kết nối những mạng lưới hàng không, đường thủy, tàu hỏa và đường bộ giữa các nước thành viên. Liên quan đến vấn đề biển Đông, Tân Hoa Xã dẫn lời trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Hu Zhengyue cho biết Trung Quốc sẽ gặp gỡ các nhà ngoại giao ASEAN tại tỉnh Vân Nam vào ngày 23, 25-1 về vấn đề này. Trước đó, trong cuộc họp chuẩn bị ngày 15-1 các thành viên ASEAN cũng đề cập nhiều nội dung bao gồm thúc đẩy đàm phán vấn đề biển Đông với Trung Quốc, hợp tác cứu hộ, cứu nạn... Các nước ASEAN cũng nhất trí cần có một hội nghị cấp ngoại trưởng về vấn đề biển Đông để giải quyết những khác biệt trong nhận thức liên quan về DOC. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận