![]() |
Ông Thuần đang phục chế lại chiếc quạt cổ Êmi trên 100 năm tuổi |
Hoài niệm xa xưa
Ông Thuần tự hào vì mình là đời thứ ba theo nghề điện mà cha ông để lại. Công việc chính của ông hiện nay là đi tìm những chiếc quạt cổ từ các nhà thờ, công sở, hoặc những gia đình để về phục chế lại. Mỗi chiếc quạt như hoài niệm của những ngày xưa cũ, ông theo và mê nó lúc nào cũng chẳng hay. Cửa hàng chật hẹp khoảng vài chục mét vuông, không gian dường như không còn chút thừa thãi dưới bàn tay khéo léo của người thợ phục chế, những chiếc quạt trần, mô tơ, cánh… nằm ngay ngắn theo một thứ tự như được lập trình.
Cũ kỹ nhưng chắc chắn, đơn giản mà quyến rũ, những chiếc quạt mà ông sưu tầm hoặc do khách hàng đến bán có tuổi thọ hàng trăm năm. Quạt bàn, quạt trần của hãng Marami (Italy), Êmi (Hà Lan) tại nhà ông Thuần có đến 700 chiếc. “Tuổi đời” ít nhất của một chiếc quạt là 100 năm, nhưng có những chiếc quạt lên đến 300 năm vẫn vững chắc đứng tại phòng của chủ nhân có niềm say mê kỳ lạ.
Đa số những chiếc quạt khi đến tay ông đều không còn nguyên vẹn, chính vì “mất một vài chi tiết” nên ông mới khám phá ra cả thế giới lý thú từ những chiếc quạt vô tri này. “Mọi chi tiết của quạt đều ấn tượng” - bằng giọng hoài cổ, ông kể về công việc của mình say sưa vì “mê nó như mê vợ”.
Khi những chiếc quạt mất “sâu”, ông lại bắt tay tiện, phay răng, tuốt răng… để lắp ghép lại hoàn chỉnh. Công việc này theo ông từ thuở nhỏ mà không một chút nhàm chán. Gắn bó với nghề lâu năm, các phần stato, roto, cuộn dây… của bầu quạt cổ, ông Thuần như in hình vào cả từng giấc ngủ. Theo ông, cả hai loại quạt Marami và Êmi chỉ khác nhau về hình dáng, tuy nhiên phục chế khó nhất là quạt của hãng Êmi, vì loại này được cấu tạo với bốn “sâu” cùng những “chi tiết rất phức tạp”.
Ông nhận phục chế những chiếc quạt có tuổi đời hàng trăm năm từ các gia chủ muốn lưu lại hình ảnh của ngày xưa. Chỉ tay lên chiếc quạt bàn hãng Êmi, ông cho biết đó là chiếc quạt của một gia đình sống ở Hà Nội, họ muốn được sửa lại vì nó từng quạt mát cho bốn chị em trong một gia đình cả thời niên thiếu.
Nhiều chiếc quạt rơi vỡ, khách hàng mang đến tân trang rồi mang về, mặc dù giá bán của nó có khi lên cả “nghìn đô”. Điều đặc biệt, các bộ phận của quạt cổ được sản xuất theo một “mô típ” nhất. “Cánh của loại quạt bàn chỉ được làm bằng đồng, nhôm. Riêng quạt trần, vật liệu làm cánh quạt cũng đa dạng hơn vì nó được làm từ nhôm, sắt, hoặc gỗ. Quạt bàn có 3-4 cánh, quạt trần đặc biệt hơn vì có từ 2-4 cánh”, ông chia sẻ hiểu biết về vốn cổ cho những người ngoại đạo như chúng tôi.
Cha, con giữ gìn vốn cổ
![]() |
Cũng như bố, Trương mê mẩn từng bầu quạt treo mỗi góc phòng |
Bán được nhiều quạt đó không phải là mục đích của ông, cho dù đó là những cái có giá trị “năm nghìn đô, chú ạ”. Ông sợ một lúc nào đó “không còn chiếc quạt nào có tuổi thọ cả trăm năm xếp trong cửa hàng thì buồn lắm". Nguồn hàng về loại quạt cổ ngày một hiếm, nhiều khi cả tháng trời mới mua được một chiếc.
Vẻ thư sinh, 22 tuổi, Dương Văn Trương con trai ông Thuần phù hợp với giảng đường hơn. Nhưng sống với bố, Trương cũng thôi nốt chuyện đèn sách để mân mê “chiếc bầu hở, bầu kín” trong những cái quạt treo lủng lẳng trên trần nhà. Tí tuổi, nhưng “vốn” hiểu biết của con trai ông Thuần về quạt cổ lại chẳng “khiêm tốn" chút nào. Nhìn hoa văn, sờ tay vào chiếc bầu của quạt là cậu có thể biết niên đại chính xác của từng loại.
Mỗi quạt một thế đứng khác nhau, vì thế nên gian phòng ông Thuần có nhiều quạt có hình dáng kì quái đến mức khó hiểu. “Có những chiếc quạt khách hàng gọi là “quạt bom”, vì hình dáng rất giống quả bom đang chúi đầu… sắp nổ. Rồi quạt hai lồng quay tròn, quạt hai cánh, quạt giống tên lửa, mũi máy bay… đó là những sản phẩm độc đáo không dễ có đến chiếc thứ hai”, Trương thay bố cung cấp cho chúng tôi những thông tin thú vị.
Quạt cổ thường dùng nguồn điện 110V, yêu cầu đầu tiên khi bắt tay phục chế thứ hàng cổ này là phải thay đổi nguồn điện như nó vốn có. Hai chiếc quạt cây cổ trên 100 năm đứng góc nhà, ti quạt làm bằng đồng, thân trục đúc bằng gang đặc cũng đang được Trương “đổi nguồn” từ điện 1110V lên 220V.
Có những chiếc quạt ra đời cách nay hơn một thế kỷ, nhưng cánh quạt làm bằng gỗ vẫn còn nguyên nước sơn, chất liệu chưa xây xước. Do yêu cầu của khách, hiện cửa hàng ông Thuần còn nguyên hàng trăm chiếc quạt mộc. Đây là những chiếc quạt còn nguyên hiện trạng ban đầu chưa được tân trang, phục chế.
Đưa chúng tôi về cuối gian phòng, ông Thuần chỉ tay lên chiếc quạt trần bốn cánh đen bóng, quay không một vết gợn, tự hào: “Đó là chiếc quạt trần Marami 100 năm tuổi của ông nội tôi để lại. Nhiều người trả giá cao, nhưng đó là kỷ vật để mình gắn bó với nghề nên không bán”.
Giữ gìn cái đẹp cho đời, giữ gìn vốn cổ là nghiệp đã theo ông Thuần không chỉ một thế hệ. Và mai sau, con cháu ông cũng duyện nợ với những chiếc quạt lâu đời này, nhìn Trương mải mê với chiếc ổ bầu hở của quạt trần Êmi, dù không nói, nhưng ánh mắt của ông Thuần đã nói điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận