27/10/2011 04:26 GMT+7

Người máy, máy người

HUỲNH THÁI BÌNH
HUỲNH THÁI BÌNH

TT - Buổi sinh hoạt chuyên đề “Ro-man” (viết tắt từ cụm từ “Robot and human” - người máy và con người) do Câu lạc bộ Nghịch lý (thuộc Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM) tổ chức vào sáng 23-10 vừa qua được khởi đầu bằng một đoạn phim ấn tượng.

Trong phim, các nhân vật là những người máy có thể làm được tất cả mọi việc như học tập, lao động, cầm súng chiến đấu, thậm chí yêu đương và quan hệ giới tính. Một ngày nọ, do chương trình điều khiển bị lỗi nên các robot đó bắt đầu nổi loạn, chúng đập phá và tàn sát con người.

Câu chuyện người máy không chỉ trên phim, vì chúng đã thật sự có mặt trên trái đất từ cả trăm năm trước. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, con người không ngừng sáng tạo và hoàn thiện chúng. Từ những công việc... chán ngắt hằng ngày như rửa chén, lau nhà cho đến các ứng dụng chuyên sâu như phẫu thuật, dạy học, ca múa... và đặc biệt trong lĩnh vực quân sự với vai trò chiến binh, do thám, cứu hộ cứu nạn. Nhưng lịch sử phát triển công nghệ cũng ghi nhận trường hợp một robot cắt gọt đã làm chết người tại Nhật Bản hồi năm 1978.

Vậy có nên cho phát triển tối đa hay giới hạn đối với công nghệ robot? Tại buổi sinh hoạt chuyện đề, phe ủng hộ cho rằng trong thời đại tri thức con người cần nhờ robot giúp giải thoát khỏi những công việc không tên hằng ngày và dành đầu óc thảnh thơi để tạo ra các giá trị khác.

Còn phe đòi giới hạn công nghệ robot cũng có những lý lẽ riêng. Họ cho rằng chúng có thể bị con người lợi dụng để giết người, thậm chí hủy diệt trái đất. Tuy có thể làm tốt vi phẫu, nhưng robot không thể giải quyết sự cố phát sinh và gây hại cho bệnh nhân. Còn nếu đứng trên bục giảng, theo bạn Thảo - SV Trường ĐH Hoa Sen - chúng chỉ truyền đạt kiến thức chứ không thể dạy làm người, thậm chí có thể hủy hoại tâm hồn học trò với cách giao tiếp sư phạm “máy móc”. Chưa hết, nếu robot phát triển đến mức có thể thay thế con người thì liệu con người có thể ngày càng trở nên lười biếng, không chịu vận động và tư duy, trì trệ và chậm tiến.

Thật ra, dù hiện đại đến cỡ nào thì về bản chất robot vẫn là cỗ máy do con người tạo ra và cài đặt chương trình để điều khiển, chúng gây hại hay không cũng là do con người.

“Trọng tài” buổi sinh hoạt, anh Đoàn Anh Kiệt - cán bộ Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM - khơi gợi một vấn đề đáng suy ngẫm: “Trong cuộc sống, có khi máy móc lại hành xử đầy tính người và ngược lại”. Đó là khi những con robot lao vào lửa để cứu người, trong khi không ít người cứ ngó lơ mặc kệ nạn nhân nằm bên đường, như câu chuyện về em bé Duyệt Duyệt mới đây ở Trung Quốc và một câu chuyện khác đang xôn xao hôm nay, xe tải cán qua rồi lùi lại cán cho chết người để khỏi bồi thường nhiều hơn nếu nạn nhân đau ốm suốt đời...

Chưa hết, theo các bạn SV tham dự, robot dứt khoát không làm những việc mà nó không được phép, trong khi con người (nhiều người) lại hành xử rất khác. Nhỏ thì nói tục, chửi thề, xả rác bừa bãi, chạy xe ngược chiều, phì phà thuốc lá chỗ đông người. Lớn thì học dối, làm giả, tham nhũng, hối lộ... Xem ra có những khi cũng khó xác định đâu là máy móc, đâu là con người.

HUỲNH THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên