![]() |
Giám đốc Nguyễn Văn Phi |
Phi “Hải Vân” - Phi “đèo Ngang”
Cuối năm 1998 công trình thủy điện Yaly hoàn thành, tháng 5-2000 giám đốc Xí nghiệp “Mười chấm bốn” (10.4) thuộc Công ty sông Đà 10 - Tổng công ty Sông Đà Nguyễn Văn Phi kéo quân về nhận nhiệm vụ thông hầm đèo Hải Vân.
Sau hơn một năm rưỡi bao gian khó ban đầu đã trôi qua, cửa hầm đã mở được 60m chiều dài phía nam thì công ty lại điều anh đi làm hầm mới A Roàng 1 và A Roàng 2 trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã A Roàng, huyện A Lưới ( Thừa Thiên - Huế).
Xúc động trước giờ chia tay, nhớ lại những ngày khai phá cửa hầm đầy gian nan, một thợ đổ bêtông đã đặt cho anh tên Phi “Hải Vân”. Từ đó cái tên nghe ngồ ngộ bắt đầu loang dần trong những đám thợ rồi trở thành cách gọi thân quen của hàng trăm công nhân chuyên nghề đi đào hầm xuyên núi.
Sinh năm 1960. 24 năm sau tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1991, sau chín năm đào hầm ở sông Đà, anh được đề bạt làm phó giám đốc Xí nghiệp hầm 1. Năm 1993, sau năm năm đào thông 17km hầm Yaly, anh trở thành giám đốc Xí nghiệp hầm 2. Năm 2000, làm giám đốc Xí nghiệp hầm Hải Vân rồi đến đèo Ngang. Anh tâm sự: “Đời đào hầm sướng nhất là khi đứng nhìn những đoàn xe từ hai đầu đất nước nối nhau dài dằng dặc chạy xuyên qua dãy núi cao ngất ngưởng mà không còn phải sợ những hiểm nguy bất chợt ập đến trên cheo leo đèo cao”. |
Tình thế không cho phép anh áp dụng “chiến lược” thông hầm cùng lúc hai phía bắc và nam như ở đèo Hải Vân mà buộc anh bắt đầu từ cửa hầm phía bắc đào suốt sang cửa hầm phía nam. Nếu Hải Vân có 20-30 chuyên gia tư vấn nước ngoài của liên doanh Nhật-Mỹ thì hầm đèo Ngang chỉ có mỗi ông Phi “Hải Vân” với năm phó giám đốc cùng đồng lòng dốc sức.
Hôm nghe tin giám đốc Phi báo cáo kế hoạch thông hầm đèo Ngang lên Tổng công ty Sông Đà, Ismoto - giám đốc tư vấn người Nhật tại hầm Hải Vân - lộ vẻ bất ngờ rồi đánh xe ra xem chuyện có thật không. Sau khi bước từ cửa hầm phía nam ra cửa hầm phía Bắc, Ismoto nói một câu ngắn nhưng đầy sự thán phục: “Tốt. Các ông đào hầm tốt!”.
Một lúc sau Ismoto lại nói rất thật với chuyên gia, công nhân VN: “Lương của tôi 8.000 USD/tháng. Công việc của kỹ sư Phi cũng chả kém gì tôi mà lương quá khiêm tốn, chỉ 300USD/tháng”.
Sáng 5-2, sau ngày thông xe kỹ thuật, dẫn tôi vào đường hầm đèo Ngang, giám đốc Phi nói: “Công nghệ mới NATM “di căn” từ Hải Vân sang 100% nhưng do ta thực hiện từ A - Z chứ không phải nhờ chuyên gia nước ngoài như ở Hải Vân nên tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng tiền thuê chuyên gia (lương của chuyên gia trưởng ở Hải Vân là 28.000 USD/tháng, khoảng nửa tỉ đồng VN)”.
Khi Phi “Hải Vân” chuẩn bị bắt tay vào công việc thì không ít người đã tỏ ra hoài nghi về khả năng hoàn thành đúng tiến độ. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Đó là tiến độ khoan đá, đào đất nhanh hơn hẳn Hải Vân, đổ bêtông cũng nhanh hơn. Nếu ở Hải Vân mỗi tháng khoan được 150m thì đèo Ngang làm được 170m. Hải Vân đổ 216m bêtông/tháng thì đèo Ngang đổ 240m/tháng.
Hỏi về bí quyết, anh nghiêm nét mặt trả lời: “Phải giữ nghiêm kỷ luật lao động vì công nghệ mới, hiện đại không thể chấp nhận bất kỳ ai làm việc vô kỷ luật”. Để đào được 47.000 khối đất đá, khoan 1.200 mũi khoan thì phải lót gọn 80 tấn mìn đúng qui cách. Nếu không huy động công nhân liên tục làm tốt cả ba ca thì khó lòng làm được chuyện ấy để đạt tiến độ thông hầm đèo Ngang trong bảy tháng.
Muốn vậy anh tìm cách bố trí công việc thật hợp lý cho từng tổ thợ, tránh chồng chéo làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Quan trọng nhất là anh chủ động tìm cách giảm khó khăn cho người lao động. Trung bình mỗi ngày nổ một quả mìn cỡ 500kg. Sau tiếng nổ ầm trời là mịt mù khói mìn bay lẫn khói máy quẩn vào các hốc, hang đầy những bụi đá đến nghẹt thở.
Những lúc ấy anh điều động công nhân thông gió, tưới nước, đẩy gió ra ngoài càng nhanh càng tốt để tránh độc hại cho thợ chọc, om đá bắt đầu hạ những tảng đá đang treo lơ lửng trên đầu suốt dọc trần hầm. Sau đó là thợ khoan, cắm neo không cho đá sập. Đây là công việc nguy hiểm nhất trước khi phun vữa. Làm được như thế cũng có nghĩa tạo điều kiện cho công nhân nâng cao năng suất công việc, giảm tối đa hao phí sức lao động vô ích, tiết kiệm nhiều chi phí về điện, nước, kể cả chi phí hành chính sự nghiệp.
Tất cả những bài học kinh nghiệm ấy anh đều san sẻ cho đồng đội đến nỗi anh có thể khẳng định: “Bây giờ các phó giám đốc của tôi đều có thể điều hành công việc thông hầm. Vì cơ chế chỉ có một giám đốc, nếu không họ cũng có thể làm được giám đốc như tôi”.
Đời thông hầm
![]() |
Phía trong đường hầm đèo Ngang |
Tôi theo anh rẽ vào lán công nhân để chia từng tấm bánh, khúc giò lụa, thuốc lá anh vừa mang từ quê xã Trực Đông, huyện Trực Ninh (Nam Định) vào cho anh em.
Công nhân nói lời cảm ơn, còn anh thì phân bua: “Những thứ này mẹ nó làm ở nhà. Tôi đi liền tù tì, mỗi năm có khoảng vài ba đợt về nhà dịp tết hoặc giỗ chạp, mỗi đợt không quá năm ngày. Mọi việc khoán cho mẹ nó tất”.
Trở lại chuyện thông hầm, anh thanh minh: “Phi “Hải Vân” hay Phi “đèo Ngang” là do người ta đặt. Gọi tôi là Phi “hổ lửa” thì đúng hơn vì anh em thường phê tôi nóng tính”. Không biết anh có nóng tính không, nhưng về mặt kỷ luật thì anh không khoan nhượng bao giờ.
Trong bảy tháng chỉ đạo công trình hầm đèo Ngang anh đã ký kỷ luật hai đội trưởng do không tuân thủ qui trình kỹ thuật, lơi là các biện pháp thi công. Theo anh, thợ đào hầm ai cũng vất vả như nhau nhưng phải có ý thức kỷ luật như người lính khi xung trận. Cho nên tuy hai đội trưởng ấy là đồng hương nhưng đã vi phạm thì phải nhận kỷ luật.
Anh là một trong những thành viên của “quĩ đồng nghiệp” của Tổng công ty Sông Đà. Quĩ này ra đời nhằm giúp đỡ, thăm hỏi anh em công nhân ngày lễ, tết, đặc biệt dành giúp thân nhân những người thợ đã hi sinh vì sự nghiệp đào hầm, bởi như anh nói: “Đã cùng chung cảnh ăn hầm, nằm hầm nếu không biết thương yêu đùm bọc lấy nhau thì lấy đâu ra sức mạnh tập thể để đào hầm”. Hầm đèo Ngang vừa thông, công ty lại điều anh đến... đào hầm ở công trình thủy điện - thủy lợi ở Quảng Trị có kinh phí đầu tư đến hàng ngàn tỉ đồng.
Không hiểu sau công trình mới ở Quảng Trị giám đốc Phi sẽ còn kéo quân tới những miền quê nào. Đèo Cả ở Phú Yên hay đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng ở Thừa Thiên - Huế trên quốc lộ 1A? Và sẽ không còn mấy ngạc nhiên khi Xí nghiệp “Mười chấm bốn” tiếp tục lên đường thì Phi “Hải Vân”, Phi “đèo Ngang” còn có thêm nhiều tên gọi mới mang theo cả dáng hình những con đèo cheo leo của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận