27/04/2016 10:00 GMT+7

Người lính tình nguyện và ân tình Lào - Việt

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Ông bảo mình đã sống một cuộc đời viên mãn, và đã hi sinh quãng đời thanh xuân, đẹp đẽ nhất cho đất nước bạn Lào không chút hối tiếc.

Đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam đến thăm ông Lê Việt Muồn (ngồi giữa) tại nhà riêng của ông ở tỉnh Sê Kông hôm 11-4 - Ảnh: Tấn Vũ
Đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam đến thăm ông Lê Việt Muồn (ngồi giữa) tại nhà riêng của ông ở tỉnh Sê Kông hôm 11-4 - Ảnh: Tấn Vũ

“Thế hệ con cháu chúng ta không những phải làm được tương tự mà còn cần nhắc nhau nhớ những câu chuyện hi sinh vì nước non như thế này để không bao giờ đi vào quên lãng

Ông PHAN VIỆT CƯỜNG (phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam)

Bây giờ ở cái tuổi 88, chân yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức đẹp đẽ về một thời lý tưởng cứ cuộn chảy không thôi. Người Lào hay người Việt khi nhắc đến tên ông là nhắc đến những kỷ niệm đẹp nhất của tình hữu nghị hai nước một thời lửa khói. Ông là Bô Nhơn - Lê Việt Muồn, đang sinh sống ở bản Nôn Mi Sai, huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông bên Lào.

Vượt rừng giúp bạn

Nhà ông là căn nhà cấp bốn, nền lát gạch men đã vàng ố màu bụi đỏ. Bọc quanh tường nhà là những bức ảnh của ông thời trai trẻ, ảnh chân dung Bác Hồ, ảnh Bác Hồ cùng bác Kaysone Phomvihane tươi cười cùng nhau. Người lạ bước vào đây không thể nhận ra là căn nhà của người Việt hay nhà của người Lào vì những trang trí, vật dụng của hai dân tộc đan xen vào nhau.

Ông già ngồi giữa hai chiếc chiếu lót dưới nền chờ khách của tỉnh Quảng Nam đến thăm nhân dịp năm mới của nước Lào. Ông bảo mình chỉ ngồi và không còn đứng được vì đầu gối đau nhức, tai cũng nặng rồi nên nghe không còn rõ lắm.

“Mỗi năm đều có những đoàn của Việt Nam từ trung ương đến địa phương đến đây thăm tôi. Mừng lắm. Gần 70 năm sống ở đất này, tôi đã thành người Lào lúc nào không biết nhưng ký ức về làng quê xưa, về Hội An một thời trai trẻ vẫn vẹn nguyên như cũ” - già Muồn nói chậm rãi.

Người vợ Lào của ông không biết nói tiếng Việt nhưng những người con trai đều nói rành rọt vì từng học tại Việt Nam.

Nhấp chén chè xanh mời khách, ông già Muồn kể lại thời được chọn trong số 19 chiến sĩ quân tình nguyện của Liên khu 5, tập trung tại làng Đề An (xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) và đúng ngày 19-8-1948 đã làm lễ xuất quân lên miền tây Tổ quốc, đi chiến đấu đánh Pháp giúp Lào.

Từ Nghĩa Hành, sau hàng tháng trời gùi lương thực, súng đạn vượt dãy Trường Sơn, những người bộ đội Cụ Hồ đã đặt chân lên vùng hạ Lào đầy hoang sơ.

“Đó là những tháng ngày mưa rừng, nắng cháy. Chiến trường mới lạ, khác ngôn ngữ, tập quán nên khó khăn chồng chất. Cùng chịu đựng ốm đau, gian khổ thiếu thốn với quân dân Lào. Nhưng với tinh thần kiên định vì Tổ quốc, chúng tôi đã sống và chiến đấu hết mình” - ông Muồn nhớ lại.

Cả đời gắn bó

Sau khi cách mạng thành công, ông Lê Việt Muồn được phân công ở lại giúp nước bạn Lào và trở thành bí thư, tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, phó Ban Tổ chức trung ương cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhớ lại những ngày gian khổ, ông trầm tư: “Để biết chữ Lào không còn cách nào khác là ngày ngày vác cuốc lên nương trồng sắn, khoai với đồng bào. Rồi hằng đêm học từng con chữ để biết đọc, biết viết thông thạo. Ngày đó Nam Lào là những cánh rừng thiêng nước độc, người thưa. Có những bản làng đi bộ cả tuần không đến nơi. Vậy mà tôi vẫn phải đi phải làm tất cả vì tình yêu thương vô tận”.

Ông đã để quê hương và nỗi nhớ dằng dặc sau lưng. Sau này khi những con đường biên giới đã thông thương giữa hai nước thì sức ông không còn khỏe để về thăm quê.

“Tôi nhớ Hội An lắm, nhớ rừng dừa Cẩm Thanh, biển Cửa Đại nhưng giờ bước lên xe còn khó làm sao đi xa. Những đêm nằm giữa rừng Lào cứ mơ màng đến quê cũ nhưng rồi thương đồng bào nơi đây khốn khó. Thương những anh em đã nằm xuống mình phải gượng dậy” - ông Muồn thổn thức.

Ngồi bên ông Muồn, chia sẻ chút tình quê, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường kể rằng Quảng Nam nay đã đổi thay nhiều lắm. Cây cầu Cửa Đại bây giờ đã nối liền hai miền di sản và công nghiệp dịch vụ đã phát triển mạnh mẽ để cùng đất nước đi lên.

“Công đức và những hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình nguyện ngày ấy không ai và không bao giờ được phép quên lãng. Hình ảnh của các cụ là tình cảm thắm thiết nhất mà quân và dân Việt Nam dành cho nước bạn Lào. Tôi nhắc anh em, đi công tác Lào thì hãy ghé thăm bác bởi tuổi bác đã già như chuối chín cây” - ông Cường tâm sự.

Ông Cường cho biết Đảng ủy và chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn để mắt đến những người như bác Muồn. Tình hữu nghị Việt - Lào có đầm ấm như ngày nay cũng là do những con người tận tụy trong gian khó ấy làm nên.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên