Phóng to |
Chàng thanh niên Nguyễn Thành Đô (Ba Đô) |
Không những thế, ông còn là thủ quân của Thể Công, thủ quân đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và sau này là HLV đội tuyển VNDCCH. Con người có quãng đời 50 năm gắn bó với bóng đá ấy chính là Nguyễn Thành Đô - nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT tỉnh Cần Thơ (cũ).
Từ chiến trường đến cầu trường
Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong số hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc có chàng thanh niên Nguyễn Thành Đô (Ba Đô), cán bộ tiểu đội của Tiểu đoàn 309. Ra Bắc, anh được điều về Sư đoàn 338 do Tướng Đồng Văn Cống làm sư trưởng. Năm đầu, sư đoàn liên tiếp di chuyển từ Thanh Hóa vào Ninh Bình rồi về Hà Nội để tiến hành các đợt luyện quân. Lúc ấy, Đoàn Thể dục công tác (gọi tắt là Thể Công) được thành lập.
Những khi rảnh rỗi, Ba Đô cùng bạn bè chơi bóng và qua những giải bóng đá giao hữu với các đơn vị trong sư đoàn thì đôi chân dẻo như làm xiếc với trái bóng của Ba Đô đã lọt vào mắt xanh của cán bộ đội đoàn và cuối năm 1954, Nguyễn Thành Đô có quyết định điều động về đấy.
Cùng đợt ấy còn có khá nhiều danh thủ của miền Nam, miền Trung và từ các binh chủng khác của quân đội được gọi về như Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Tống Viết Khánh, Bùi Đức, Trần Cao Đường, Nguyễn Văn Tiền, Hồ Quang Quới, Huỳnh Văn Len, Diệp Phú Nam, Trần Tương Lai, Trần Công Thành...
Những ngày đầu Ba Đô phải tập ở đội hình 2. Mùa hè 1955, Ba Đô cùng với đội B Thể Công giành chức vô địch Giải bóng đá Hòa Bình (giải giành đội hình 2). Năm 1956, Ba Đô chính thức lên đá ở đội hình 1 và cùng đồng đội giành cúp vô địch giải bóng đá miền Bắc lần 2: giải Thống Nhất.
Trong năm 1958, ở trận bán kết giải vô địch miền Bắc, Thể Công đã thắng đậm đội Hoàng Diệu - đội bóng cực mạnh, có nhiều ngôi sao bóng đá miền Bắc trước 1945 với tỷ số chóng mặt 9-1, trong đó trung phong mang áo số 10 của Thể Công là Nguyễn Thành Đô đã ghi 1 lèo 5 bàn.
Cũng trong năm 1958, lần đầu tiên báo Thời Mới (Hà Nội) tổ chức bầu chọn 11 vị trí tiêu biểu toàn miền Bắc, trong đó có trung phong Nguyễn Thành Đô cùng các danh thủ như thủ môn Bùi Đức, trung vệ Lưu Đình Tòng, Trương Tấn Nghĩa, Đặng Thịnh (Thịnh Cóc, Bưu Điện), Ngô Xuân Quýnh,...
...và bàn thắng đẹp mắt vào lưới đội tuyển Rumani
Trong quãng thời gian còn là cầu thủ cùng đồng đội tung hoành trên sân cỏ trong nước và quốc tế, có 2 khoảnh ấn tượng nhất đối với Ba Đô, là 2 kỷ niệm không dễ cầu thủ nào cũng có được. Đó là pha ghi bàn vào lưới đội Quân đội Rumani (Ru-ma-ni) tại giải SKDA 1958 – là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ghi bàn tại giải SKDA; và trận cầu giao hữu với đội tuyển Thanh niên Liên bang Nga ngay sát vĩ tuyến 17 (cách cầu Hiền Lương khoảng 2 km).
Nói về pha ghi bàn danh dự cho đội Quân đội VNDCCH tại giải SKDA 1958 (tổ chức ở CHDC Đức), ông chậm rãi kể: “Trận đầu tiên đội mình ra quân gặp ngay đội Quân đội Rumani quá mạnh, bạn thắng chúng ta 5-1. Dù thua nhưng ta cũng có 1 bàn danh dự”. Mà bàn thắng danh dự ấy lại là một bàn thắng cực kỳ đẹp mắt, khó có cầu thủ Việt Nam nào có thể thực hiện được.
Đó là pha bóng trung vệ Lưu Đình Tòng chuyền bóng lên phần sân của Rumani, Tôn Kỳ nhận bóng và chuyền căng ngang khu vực 16m50. Phát hiện Ba Đô đang di chuyển ở khu vực sát vạch 16m50, 2 hậu vệ Rumani bám theo rất chặt, nhưng bất ngờ Ba Đô đảo người quay lưng lại khung thành Rumani và dùng ngực khống chế đường bóng Tôn Kỳ chuyền, rồi đột ngột xoay người tung cú vô-lê chân phải sấm sét khiến thủ môn đội bạn không kịp phản ứng. Bàn thắng tuyệt đẹp khiến cầu trường sững sờ rồi bùng lên tiếng vỗ tay tán thưởng như vỡ cả khán đài.
Ở những năm cuối của thập niên 1950 và đầu những năm 1960, đội Thể Công luôn có những trận thắng như chẻ tre với tỷ số đậm trước các đội như Hoàng Diệu, Hải Phòng, Nam Định,... Nhưng ít ai biết rằng, trong số các bàn thắng mang về những trận thắng vẻ vang ấy có phần đóng góp thầm lặng của người thủ quân mang chiếc áo số 10 Nguyễn Thành Đô đá ở vị trí hộ công với những pha phát động tấn công, chuyền bóng cho đồng đội ăn bàn.
Và thời ấy, bộ tứ Nghĩa, Đô, Thành, Tâm trở thành nỗi ám ảnh của những hàng hậu vệ các đội bóng tên tuổi của miền Bắc.
... Đến thầy của những người thầy...
Phóng to |
Nguyễn Thành Đô (giữa) vẫn đam mê cùng lứa cầu thủ trẻ |
Có lẽ trong đời cầm quân của ông ấn tượng sâu đậm nhất là trận thắng lịch sử 5-2 của đội tuyển VNDCCH trước đội trẻ Liên Xô (đội trẻ Liên Xô cuối năm 1966 giành chức vô địch giải trẻ châu Âu khi thắng đội Anh 1-0 ở chung kết) tại sân Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) vào mùa thu năm 1966. Một trận cầu lịch sử mà trong đó các học trò cưng của ông như Lê Đình Chính, Tô Đức Phàm, Trần Duy Long, Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc, Nguyễn Sỹ Hiển,... đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ.
Nhắc về kỷ niệm ấy, ông cười rung rinh cả người: “Mới giao bóng chưa đầy 1 phút là bóng đã nằm gọn trong lưới đội bạn rồi. Lúc ấy tôi vừa bắt tay xã giao với chuyên gia bóng đá người Liên Xô Crê-ốp, chưa kịp đi vào ngồi tại khu vực kỹ thuật giành cho đội mình”. Nói đoạn ông xuýt xoa: “Hay lắm nghe. Nhanh như chớp, Trần Duy Long và Tô Đức Phàm passé cho nhau rồi Duy Long chuyền xuống cánh phải cho Phùng Mạnh Ngọc. Đồng thời Phàm lao thẳng về phía cầu môn đối phương, Lê Đình Chính ở cánh trái cũng lao chéo góc vào vòng 16m50 (chếch về góc phải) vậy là 2 hậu vệ trẻ Liên Xô chạy theo Lê Đình Chính. Tô Đức Phàm chạy vòng lại qua cánh trái, lúc này Phùng Mạnh Ngọc tung đường chuyền ngay vị trí mà Phàm di chuyển đến, và ở ngay vị trí đang chạy Tô Đức Phàm tung ngay cú sút vào góc gần ở cự ly khoảng 18m mở tỉ số 1- 0”.
Ngày 1-8-1966, đội tuyển VNDCCH lại có trận thắng vang dội 4-0 trước đội hạng A của Liên Xô.
Cùng năm 1966, tại giải GANEFO (Giải bóng đá các nước đứng lên giành độc lập) tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, đội VNDCCH vẫn do Ba Đô dẫn dắt đoạt huy chương đồng. Sau thời gian nắm đội tuyển quốc gia tham dự nhiều giải thi đấu quốc tế thuộc các nước XHCN, ông được gọi về Tổng cục TDTT để tăng cường về đảm trách công tác huấn luyện bóng đá Hải Phòng... Đến ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ông lại từ biệt vợ con để khoác ba lô trở về Cần Thơ bắt tay vào gầy dựng lại phong trào TDTT.
***
Năm nay, “người lính già” của Thể Công năm xưa giờ đã bước vào cái tuổi vượt ngưỡng thất thập nhưng ngày ngày ông vẫn có mặt bên cạnh các cầu thủ trẻ để đảm trách công tác cố vấn về chuyên môn nhằm giúp ngành TDTT TP Cần Thơ đào tạo cầu thủ kế thừa. Rất nhiều cầu thủ trong đội hình đội hạng nhất Cần Thơ hiện nay là do chính ông cùng các cộng sự chăm chút bồi bổ để cung cấp cho tuyến trên và đã thành danh như: Thanh Tùng, Thanh Danh, Huỳnh Long, Trung Tiến...
Không chỉ có thế, những học trò của ông ngày nào như Lê Đình Chính, Trần Bình Sự, Phùng Mạnh Ngọc, Nguyễn Sỹ Hiển, Trần Duy Long... giờ đều gắn bó với bóng đá và trở thành những nhân vật trụ cột của bóng đá nước nhà hoặc đảm trách công tác huấn luyện tại các CLB chuyên nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận