24/03/2008 11:10 GMT+7

Người lao động bị tạm giam được trả lương thế nào?

Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN
Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN

TTO - Tôi làm việc tại một cơ quan nhà nước, sau đó cơ quan cổ phần hóa. Tôi được chuyển từ biên chế nhà nước sang dạng hợp đồng không thời hạn. Vì lý do khách quan tôi bị khởi tố và tạm giam để điều tra, sau đó được tại ngoại. Trong thời gian này tôi vẫn được cơ quan trả lương.

Xin hỏi: theo chế độ trong thời gian này tôi được trả bao nhiêu phần trăm lương? Tôi có được đơn vị đóng tiền BHXH, BHYT không? Có được hưởng chế độ nghỉ phép không? Đến 60 tuổi tôi có được làm sổ hưu không (khi bị bắt tôi có thời gian công tác 25 năm)?

Nếu tôi nhận quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tòa xử trắng án thì các quyền lợi như lương, trợ cấp chức vụ, ngày nghỉ phép… của tôi có được phục hồi không?

(Lam Ngoc Kiet)

- Tư vấn của Việc làm Online:

Theo qui định tại điều 35 Bộ luật lao động, điều 13 nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 và điều 10 nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 thì người lao động bị tạm giữ, tạm giam do vi phạm có liên quan đến quan hệ lao động thì hằng tháng được người sử dụng lao động tạm ứng 50% tiền lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tháng trước liền kề, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Khi hết hạn tạm giữ, tạm giam, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trả đầy đủ tiền lương theo HĐLĐ và đóng BHXH theo qui định của pháp luật cho người lao động; nếu do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng thì cơ quan này phải hoàn trả cho người sử dụng lao động số tiền lương tạm ứng cho người lao động và số tiền lương còn lại, tiền đóng BHXH trong thời gian họ bị tạm giữ, tạm giam theo mức lương ghi trong HĐLĐ.

Trường hợp người lao động phạm pháp nhưng được miễn tố hoặc không bị tù giam hoặc không bị tòa án cấm làm công việc cũ, tùy theo mức độ vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bố trí cho họ làm việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới.

Về việc bạn hỏi có được làm sổ hưu không, theo khoản 1 điều 145 Bộ luật lao động và khoản 1 điều 50 Luật BHXH, người lao động được hưởng lương hưu khi nghỉ việc đối với nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi đã có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Nếu bạn đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì khi đủ tuổi nghỉ hưu, bạn vẫn được hưởng chế độ hưu trí theo qui định pháp luật.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, kỹ năng nghề nghiệp, quyền lợi của người lao động... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên