26/04/2005 17:19 GMT+7

Người hát trên đường giải phóng miền Nam

Theo Thế giới mới
Theo Thế giới mới

Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Minh Tuấn phát triển cùng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tên gọi các ca khúc nổi tiếng của ông giúp chúng ta hình dung từng chặng đường gian khổ và vinh quang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

ERZfkcjI.jpgPhóng to

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn năm 1963

Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Minh Tuấn phát triển cùng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tên gọi các ca khúc nổi tiếng của ông giúp chúng ta hình dung từng chặng đường gian khổ và vinh quang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ít ai ngờ, con người mà giọng nói, lời ca và cả dáng vẻ hiền hậu, cởi mở mang đặc trưng phương Nam ấy lại có quê Nam Định, sinh ra và lớn lên trên vùng đất chùa Tháp - Campuchia.

Bản thân cậu bé Phạm Văn Thành (tên thật của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn) vốn không nghĩ mình lại có duyên nợ với âm nhạc. Cậu là con một gia đình nghèo khó, không ai hoạt động nghệ thuật, bố mẹ phải di cư sang tận xứ sở chùa Tháp sinh nhai.

Năm 1946, bố cậu trở về tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh. Tuy nhiên, môi trường văn hóa dân tộc của những người Việt ở đây nuôi dưỡng trong cậu lòng yêu thích đàn ca, múa hát. 15 tuổi, cậu hăng hái tham gia phong trào Việt kiều yêu nước. Đây cũng là lúc cậu viết bài hát đầu tay, nhưng phải nhờ người bạn ký âm hộ vì chưa biết nhiều về nhạc lý.

ihvNBHYP.jpgPhóng to

Bìa sách "Ca khúc Phạm Minh Tuấn" vừa xuất bản giới thiệu 113 bài hát của ông

Năm 1960, Thành nóng lòng trở về quê hương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang thời điểm quyết liệt. Cuộc vượt biên trở về đất mẹ kéo dài hàng tháng trời với những đêm rừng hành quân gian nan trong bí mật. Trở về, hoạt động trong đoàn văn công giải phóng, anh cùng đồng đội cũng phải tải lương, đào giếng, tuổi thanh niên không nề nà gì công việc gian lao, kể cả đôi khi bị những trận sốt rét liệt giường. Thời gian này xuất hiện bí danh Phạm Minh Tuấn, cũng là bút danh sáng tác được biết đến của nhạc sĩ.

Vào môi trường kháng chiến, cảm xúc âm nhạc của Phạm Minh Tuấn thăng hoa với rất nhiều ca khúc nổi tiếng trong thời điểm này. Qua sông, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn và Em đi về hướng bom rơi là những ca khúc được ông sáng tác trong thời gian này rồi về sau được phổ biến rộng rãi. Mỗi ca khúc không chỉ thấm đượm ân tình vì giai điệu mà còn vì gắn với những kỷ niệm kháng chiến.

Qua sông là kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhạc sĩ, khi hành quân qua sông, chứng kiến cảnh những người phụ nữ đảm đương việc nước, việc nhà, cắt lúa trong một đêm trăng sáng trong và gió xuân rất dịu. Cảnh đẹp và gợi tình ấy hòa với tình cảm mến yêu những người phụ nữ trong kháng chiến khiến ông có ngay cảm xúc sáng tạo.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Chiến thắng hạng nhất, Lao động hạng nhất, các giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Bộ Quốc phòng và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật .

Ông giữ nhiều trọng trách: Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM, Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN...

Ở tuổi 64, ông vẫn nhiệt tình giảng dạy cho lớp sinh viên nhạc viện, hy vọng góp sức mình cho thế hệ tương lai...

Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn lại là cảm xúc sau một trận đánh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Phần lời bài hát được giao cho nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác nhưng nhà thơ hy sinh trước khi hoàn thành nên nhạc sĩ thực hiện phần còn lại.

Ở thời điểm 30-4-1975, ông đang học Trường Âm nhạc VN (Nhạc viện Hà Nội bây giờ) ở Hà Nội. Ông bồi hồi nhớ lại buổi sáng lịch sử, khi cùng bạn bè tụ tập trước cổng trường, hướng về đài phát thanh mà nghe tình hình miền Nam. Mọi người đã cùng ôm lấy nhau mà hò reo cười mừng trong nước mắt. Sau những mừng vui của giờ khắc ấy, ông sáng tác Đường tàu mùa xuân, ca khúc được giải A về đề tài thống nhất đất nước.

Không chỉ thành công khi sáng tác trong chiến tranh mà trong thời bình, Phạm Minh Tuấn càng khẳng định rõ hơn tài năng nghệ thuật của mình. 1981, tốt nghiệp đại học, Khoa Sáng tác, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn lao động không mệt mỏi trên con đường âm nhạc.

Những Bài ca không quên, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (phỏng thơ Nguyễn Nhật Ánh), Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca), Khát vọng (phỏng thơ Đặng Viết Lợi), Đất nước (thơ: Tạ Hữu Yên), Mùa xuân (phỏng thơ Êlêna Sưpơman)... đi vào lòng người và đã khẳng định sự đóng góp của ông đối với công chúng yêu nhạc.

Nghiêm khắc trong con đường nghệ thuật, nhạc sĩ quan niệm phải sáng tạo sao cho không lặp lại người khác và không lặp lại cả chính mình. Bài ca không quên - "bài hát của cả đời tác giả" đã ra đời trong hoàn cảnh thế. Ông tâm sự: "Đối với tôi, đó là một hồi ký sâu sắc suốt chặng đường tham gia chiến tranh chống Mỹ. Và Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên) cũng là một quá trình mang nặng trong lòng suốt một năm sau khi đọc bài thơ đăng báo Sài Gòn Giải Phóng số Xuân, ca khúc mới thành hình.

Theo Thế giới mới
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên