![]() |
Magnus Carlsen sẽ làm thay đổi làng cờ thế giới? - Ảnh: Times |
Tại vòng 1 Giải cờ London Chess Classic, Vladimir Kramnik, nhà cựu vô địch cờ vua thế giới và hiện xếp hạng 4, đã thất bại trước tay cờ người Na Uy Magnus Carlsen chỉ sau 43 nước đi.
Tháng 11-2009 khi 18 tuổi, Carlsen đã trở thành tay cờ số 1 trẻ nhất trong lịch sử. Không giống những thần đồng cờ vua khác, những người thường chơi cờ gần như suốt thời gian từ khi 11-12 tuổi, Carlsen vẫn đi học bình thường cho đến năm 18 tuổi. Bố cậu, ông Henrik, nói phần lớn thời gian ông chỉ giục con hoàn thành việc học thay vì khuyến khích chơi cờ.
Dù vậy năm 2004 ở tuổi 13, anh làm choáng váng làng cờ khi đánh bại cựu vô địch cờ vua thế giới Anatoly Karpov và hòa với huyền thoại Garry Kasparov tại một giải đấu. Cùng năm này Carlsen bước vào danh sách những tay cờ xuất sắc nhất thế giới khi trở thành một trong những đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử. Do đó Carlsen được coi như “Mozart trong cờ vua”.
Ấn tượng với Carlsen, năm 2005, sau khi giải nghệ, Garry Kasparov mời Carlsen tới Matxcơva và đề nghị được làm HLV riêng cho anh. Lúc đó, Carlsen lại gây ngạc nhiên khi nói “không” với đề nghị của Kasparov. Mãi đến lần đề nghị thứ hai của Kasparov vào đầu năm 2009, Carlsen mới chấp thuận. Kasparov nói tài năng của Carlsen “nằm ở một nơi rất sâu mà không máy tính nào chạm tới được”.
Dù đang đứng vững ở vị trí số 1 sau chiến thắng tại London nhưng Carlsen vẫn phải thi đấu vòng loại để có thể có mặt ở Giải cờ vô địch thế giới. Trước thành công của con trai, cha Carlsen nói: “Tôi chỉ quan tâm đến việc cờ có làm Carlsen hạnh phúc hay không chứ không quan tâm đến danh hiệu”. Còn với Carlsen, anh chỉ nói ngắn gọn: “Tôi yêu môn cờ và tôi thích được cạnh tranh”.
Magnus Carlsen sinh ngày 30-11-1990. Ngày 26-4-2004 khi 13 tuổi 148 ngày, anh trở thành đại kiện tướng quốc tế trẻ thứ ba trong lịch sử. Cùng năm đó, anh là VĐV cờ trẻ nhất từng tham dự Giải vô địch cờ thế giới. Đạo diễn người Na Uy Oyvind Asbjornsen đã làm bộ phim The prince of chess (Hoàng tử cờ vua) để nói về thành tích của anh. Tại Giải Nanjing Pearl String vào tháng 9 và 10-2009, Carlsen đã đạt 8/10 điểm (6 trận thắng, 4 hòa) và hơn người thứ hai (Topalov) tới 2,5 điểm. Đây được coi là thành tích xuất sắc nhất trong lịch sử giải đấu. Sau giải này, anh trở thành đại kiện tướng trẻ nhất (18 tuổi) từng đạt hệ số Elo trên 2.800 điểm. Ở Giải London Chess Classic tháng 12-2009 với các tên tuổi lớn như Kramnik, Hikaru Nakamura, Michael Adams, Nigel Short, Ni Hua, Luke McShane và David Howell, Carlsen đoạt chức vô địch với 13 điểm (hơn Kramnik 1 điểm) và chiến thắng này đưa anh lên vị trí kỳ thủ số 1 thế giới kể từ ngày 1-1-2010. |
Đó là khẳng định của Carlsen khi trả lời phỏng vấn Time Magazine và Chessvibes. * Là tay cờ số 1 thế giới, anh nghĩ gì khi mọi người nghĩ anh phải thông minh gấp 40.000 lần hơn họ? - Tôi vẫn cố giải thích về việc mình cũng giống như mọi người chứ không phải là một người đặc biệt. Nói ngắn gọn, tôi là người bình thường và có thể chơi cờ giỏi. * Thông thường anh phải tính trước bao nhiêu nước mỗi khi chơi cờ? - Thỉnh thoảng là 15-20 nước. Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá thế cờ sau khi đưa ra tất cả những tính toán đó. * HLV Garry Kasparov nói sức mạnh của anh không phải là tính toán mà là trực giác để lựa chọn những bước đi đúng. Có đúng vậy chăng? - Tôi có thế mạnh là cảm giác được bản chất của thế cờ. Điều này giúp tôi nên đưa quân cờ tới đâu. Điều này rất khó giải thích. * Anh và Kasparov đã tập luyện thế nào ở Matxcơva và Croatia? - Chúng tôi tập trung nhiều vào phần khai cuộc bởi vẫn còn rất nhiều “kho báu” trong các thế khai cuộc. * Ông ấy có chia sẻ với anh các phân tích được lưu trữ trong chiếc laptop nổi tiếng của mình? - Có. Và mọi thứ dễ hiểu hơn rất nhiều khi ông giải thích lại các ghi chép cũng như rất nhiều ý tưởng khai cuộc của mình. * Kasparov nổi tiếng về sức làm việc vô tận, vì vậy sẽ rất mệt mỏi khi làm việc với ông ta? - Dù luôn thấy kiệt sức mỗi khi hết ngày nhưng tôi cảm thấy đó là điều tốt. * Vì sao Kasparov lại muốn làm điều này? - Tôi nghĩ ông ấy muốn làm điều gì đó cho làng cờ thế giới. * Đại kiện tướng người Anh Nigel Short nói việc các máy tính chơi cờ thường đánh bại các kỳ thủ mạnh nhất đang lấy mất đi những bí ẩn của môn cờ. Anh nghĩ sao về điều này? - Tôi hiểu ý ông ấy. Tôi không nghĩ máy tính sẽ tìm ra tất cả các ý tưởng đến mức không còn chỗ cho sáng tạo. * Anh coi cờ vua là môn thi đấu đối kháng hay nghệ thuật? - Đối kháng. Tôi cố gắng đánh bại người đối diện và cố chọn bước đi gây khó chịu nhất cho anh ta. Đương nhiên cũng có những trận đấu rất đẹp giống như nghệ thuật vậy nhưng đó không phải là mục đích của tôi. * Anh có giải thích vì sao phụ nữ không bao giờ lọt vào nhóm cờ cự phách nhất không? - Tay cờ Hungary Judit Polgar từng lọt vào top 10 nhưng tôi không hiểu vì sao không có các tay cờ nữ cao thủ nữa. Tôi không nghĩ chuyện đó là vì vấn đề gen hay di truyền. * Một số nhà tâm lý giải thích rằng bản năng người mẹ khiến họ không dám đánh những nước thí quân? - Thực tế nhiều phụ nữ chơi rất hiếu chiến. Do đó tôi không đồng tình với quan điểm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận