Phóng to |
Ông Năm Hiếu bên cây mai không rụng cánh |
Tết năm 1993, trên đường Ngô Gia Tự, thành phố Cần Thơ có hai cặp vợ chồng bán mai cành. Bán mai nhưng không rón rén nâng niu như những người khác. Và họ giới thiệu đó là mai không rụng cánh, nhưng không ai tin rằng đã có hoa mai không rụng cánh.
Đó cũng là năm ông nghiên cứu thành công quy trình xử lý làm cho cánh hoa mai lâu rụng. Bình thường mai chưng Tết chỉ được 3-4 ngày, có loại sau một ngày là "lá rụng về cội", nhưng mai Năm Hiếu độc đáo đi ngược được tự nhiên, vừa kéo dài thời gian hoa nở trên cành từ 10 - 15 ngày, vừa giữ nguyên được sắc mầu mà cánh hoa lại to, bung đều rất đẹp mắt. Nhiều khi cành đã khô cây đã héo mà cánh hoa vẫn không chịu lìa cành, thà chết khô, quyện chặt.
"Cũng phải mất năm, sáu năm lao tâm khổ tứ. Sáng ra Ðại học Cần Thơ làm quen, học hỏi, xin tài liệu các thầy rồi về nhà mày mò đọc lại. Chế phẩm nào có tác dụng cho lá, cho cành; hóa chất nào kiềm chế trái... Nông sản thì mênh mông nên tôi chỉ nhắm vào cây mai".
Trong khi mai chỉ nở bông bung cánh vào tháng chạp mà hàng trăm gốc mai trong vườn nhà rũ cánh ra đi nhưng đổi lại năm 1995 sản phẩm mai không rụng của ông giật được huy chương vàng trong Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ, năm 1997 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp "Giấy chứng nhận kỹ thuật xử lý ra hoa mai vàng lâu rụng".
Thế rồi "độc chiêu" này được tung lên Sài Gòn, miền Ðông bán "không nghỉ tay". Dân Sài Gòn chơi hoa "độc" lắm, đẹp và lạ thì mắc mấy cũng chơi, không hạp mắt rẻ mấy cũng bỏ. Hỏi ông đã dùng cách gì hay vậy, Năm Hiếu cười cười "Ðó là tổng hợp các chế phẩm dinh dưỡng... phải biết đo mây, đoán gió, hiểu trời...".
Sự nhạy cảm của người sống chết với nghề. Nhiều người trong nghề hoa kiểng nghe tiếng đổ về bàn chuyện hợp tác làm ăn, có người còn mò xuống tận nhà ra giá hàng chục triệu đồng để mua bí quyết nhưng ông dứt khoát không bán.
Từ thập niên 50, 60 thế kỷ trước ông từng là một trong những người tiên phong cắt cây bán cành (nhánh). Sau khi tìm ra loại chế phẩm làm hoa mai không rụng ông lại xử lý cho lá mai tự rụng.
Cứ đến 14, 15 tháng chạp mỗi năm là Năm Hiếu đủng đỉnh ra vườn phun đều lên lá mai một loại hỗn hợp chế phẩm dinh dưỡng, sau ba ngày lá mai chuyển mầu, từ từ rụng xuống trong khi ở vườn khác phải mất ít nhất hai ngày với khoảng chục người lẩy lá mới xong, nhiều khi còn làm nụ rớt ào ào. Mai ngậm nụ, sai bông, hoa to, nở đều, mầu sắc ánh vàng...
Cái gì ông cũng lao vào làm, đến xong mới thôi. Ðó là tâm huyết của một người đã có truyền thống gia đình 50 năm gắn bó với cây mai, sống giữa làng hoa - kiểng cổ Long Tuyền từng nổi danh khắp "lục tỉnh" gần ba thế kỷ trước.
Mỗi cành mai không rụng ông bán trung bình 100 ngàn đồng, thu về hàng chục chục triệu đồng/năm. Nhiều khi ông còn ôm đồ nghề lên TP Hồ Chí Minh, miền Ðông xử lý hoa không rụng cho các nhà vườn (hoặc có khi mua nguyên cả vườn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận