25/11/2012 05:51 GMT+7

Người giới thiệu sông Hồng vào Luật thủ đô

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Người phát hiện khiếm khuyết trong dự thảo Luật thủ đô là ông Lê Nam - đại biểu Quốc hội ở một tỉnh bắc miền Trung (Thanh Hóa).

ZYdHBh7N.jpgPhóng to
Khung cảnh bình yên trên sông Hồng - Ảnh: Hạ My

“Sông Hồng hình thành nên kẻ chợ - nơi giao thương quần tụ, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ và tạo nên cốt cách người Hà Nội. Nhưng trong dự thảo Luật thủ đô lại không thấy nhắc đến sông Hồng. Sông Hồng chảy qua Hà Nội không chỉ là một con sông với những bờ đê mà nó đã là một sinh thể riêng có của Thăng Long - Hà Nội hàng ngàn năm qua và càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô trong tương lai...”.

Những lời tha thiết này của ông Lê Nam sau đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai), đã thuyết phục được Quốc hội đưa sông Hồng vào Luật thủ đô tại khoản 1, điều 10: “Không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng”.

* Tại sao ông lại quan tâm đến số phận sông Hồng?

- Tôi thấy chúng ta có nhiều chương trình bảo vệ sông Mekong, rồi các dự án làm sạch những con sông nhỏ hơn như sông Nhuệ, sông Đáy... nhưng lại quên sông Hồng - con sông mẹ đã đắp bồi nên đồng bằng Bắc bộ trù phú, mênh mang. Hà Nội là TP của sông, hồ. Nhưng đến nay sông Tô Lịch được coi như đã chết, sông Nhuệ thì ô nhiễm nghiêm trọng, sông Hồng cũng đang bị bức tử.

VOCKLKjY.jpgPhóng to
Ông Lê Nam - Ảnh: VIỆT DŨNG
* Ông biết đến sông Hồng từ bao giờ?

- Năm 18 tuổi tôi nhập ngũ đóng quân ngay tại bến sông Hồng của Hà Nội. Sông Hồng ngày ấy lần đầu tiên tôi tắm, mặc dù chảy giữa lòng Hà Nội nhưng rất hoang sơ, sạch sẽ, hiện hữu những gì vốn có. Đó là cuối năm 1974, trước khi đất nước thống nhất, tôi nhớ rất rõ những chiều mùa thu, mùa đông, sông Hồng rộng rãi, mênh mang, lặng lẽ, lãng mạn, cầu Long Biên thấp thoáng trong sương mờ với những hồi còi tàu vang xa. Hà Nội khi ấy dân cư chưa đông đúc, sông Hồng thân thương với những bãi, những cồn, những doi cát, những bến luồng bến nứa... Còn hôm nay cũng dòng sông ấy sao nó xa lạ, ngỡ ngàng, chật hẹp, ô nhiễm, bị lấn chiếm bởi hàng vạn hộ dân phía ngoài đê...

* Vài năm trước, đã rộ lên những cuộc bàn thảo về một đại đề án thành phố bên sông có giá trị khoảng 7 tỉ USD cho sông Hồng với cảm hứng “kỳ tích sông Hàn” của Seoul (Hàn Quốc), ông cảm nhận thế nào về giấc mơ này?

- Đấy là giấc mơ đáng trân trọng. Nhưng đến nay thì rất buồn vì đề án được xới xáo thì gặp phải thời buổi khốn khó, kinh tế suy thoái chưa cho phép giấc mơ ấy sớm trở thành hiện thực. Nhưng tôi nghĩ rằng trước sau cũng phải làm, không thể khác được. Ai từng ngắm cảnh quan sông Thames ở London, sông Seine ở Paris, sông Hàn ở Seoul... thì đều thấy dòng sông là linh hồn, là sức sống của các TP ấy, và sẽ càng có ước mơ cháy bỏng cho sông Hồng. Tôi tin rồi sẽ có một ngày chúng ta được ngắm Hà Nội - thủ đô văn minh, sạch sẽ, lung linh bên đôi bờ sông Hồng - con sông chở nặng phù sa của thiên nhiên và lắng đọng phù sa của lịch sử dân tộc.

Với cơ chế hiện nay, rừng sẽ không còn

* Mười năm làm lãnh đạo chi cục kiểm lâm để lại cho ông những trải nghiệm gì?

- Đó là quãng thời gian có rất nhiều cảm xúc. Thanh Hóa là nơi đầu tiên thực hiện giao đất giao rừng, cũng là nơi đầu tiên đưa kiểm lâm viên về xã để họ gắn bó với dân và chịu sự giám sát của dân. Khi nhận nhiệm vụ này, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái căn nguyên khiến rừng bị tàn phá. Và sau một thời gian nhập cuộc thì tôi gọi được tên của căn nguyên ấy là “rừng vô chủ”.

Đến nay, rừng vẫn chủ yếu nằm trong tay các lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ... Còn nhân dân, đáng ra họ phải là người chủ của rừng, là người được hưởng lợi từ rừng thì bị đẩy ra ngoài, đứng bên ngoài. Tôi vừa đi giám sát ở một tỉnh miền Trung về, ở một huyện có 29.000ha rừng và đất lâm nghiệp thì giao cho dân chỉ có 4.000ha, còn lại 25.000ha nằm trong tay các chủ rừng nhà nước. Với một huyện miền núi mà nhân dân đứng ngoài rừng, không có đất sản xuất, vậy làm sao bảo vệ được rừng.

Tôi dám quả quyết rằng nếu vẫn cứ giữ cơ chế như hiện nay thì dẫu có nói độ che phủ là bao nhiêu đi nữa thì rừng tự nhiên cũng sẽ không còn, mà chỉ còn lại rừng trồng mới, là những khu rừng chỉ còn lại cây leo bụi rậm. Lâm tặc đang tập trung phá các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là nơi những khoảng rừng tự nhiên ít ỏi còn lại. Tài nguyên rừng khánh kiệt, chúng ta sẽ chẳng còn gì.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên