27/03/2008 06:28 GMT+7

Người giàu cũng nhiễm lao

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - PGS.TS ĐINH NGỌC SỸ (ảnh), giám đốc Viện Lao và bệnh phổi T.Ư, nói 60% bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây là những người có thu nhập trung bình trở lên; trong khi nhiều người vẫn nghĩ chỉ người nghèo mới mắc căn bệnh này. Ông cho biết:

D9tZOcvs.jpgPhóng to
TT - PGS.TS ĐINH NGỌC SỸ (ảnh), giám đốc Viện Lao và bệnh phổi T.Ư, nói 60% bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây là những người có thu nhập trung bình trở lên; trong khi nhiều người vẫn nghĩ chỉ người nghèo mới mắc căn bệnh này. Ông cho biết:

- Nghèo đói là một trong những điều kiện cho các bệnh xã hội, trong đó có bệnh lao hoành hành. Nhưng hiện nay có những người không nghèo, có tri thức, thậm chí cả bác sĩ và sinh viên đi du học cũng bị lao! Chưa có điều tra nào về chuyện người bệnh lao có thu nhập bao nhiêu, nhưng tại viện chúng tôi, số người nghèo chỉ chiếm 40%.

* Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên là do đâu, thưa ông?

- Tôi cho là có hai nguyên nhân chính. Thời thơ ấu của người đang ở lứa tuổi trung niên, thanh niên chưa được tiêm phòng lao, nhiều người bị nhiễm lao. Theo điều tra, trên 40% người VN đã nhiễm lao, tức là đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa thành bệnh. Đến tuổi trung niên, trường hợp người nhiễm lao mắc thêm các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, dạ dày, tiểu đường..., giảm sức đề kháng và vi khuẩn lao có cơ hội trỗi dậy. Với nhóm học sinh - sinh viên, lý do là các stress, sức ép về học hành, lao động... Những sức ép này làm thay đổi phần nào nội tiết tố có tính chất bảo vệ trong cơ thể. Người nào có nhiều yếu tố tâm lý, nội tiết sẽ mất cân bằng mắc bệnh cũng là do mất cân bằng khiến bùng phát yếu tố có sẵn.

* Những chứng lao nào thường xuất hiện ở nhóm bệnh nhân này?

rXG4cwa0.jpgPhóng to
Khám cho bệnh nhân lao tại Viện Lao và bệnh phổi T.Ư - Ảnh: L. Anh

- Đó là các chứng lao ngoài phổi như lao xương, lao khớp, lao hạch... Trước đây chúng ta tuyên truyền chưa tới khiến người dân nghĩ đã mắc lao thì chỉ có lao phổi! Thật ra bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể bị lao, ngón chân cũng có thể bị lao, hay gặp nhất là lao cột sống lưng và cổ, lao khớp háng, khớp gối, lao màng não. Vì lý do này, các bác sĩ nhiều khi không để ý, còn người bệnh thấy đau lưng, đau khớp lại đi khám đông y, dán lá thuốc, đến khi trong xương xuất hiện những ổ mủ rồi mới biết là lao.

Có những trường hợp học sinh bị đau lưng, gia đình cứ cho rằng do cháu đeo cặp sách nặng quá, nhưng thật ra cháu bị lao cột sống! Khi xâm nhập cơ thể, vi khuẩn lao chạy đến khắp các bộ phận, nhưng chúng thích nhất là những đầu xương xốp, nhiều máu, nhiều oxy, rồi trở thành bệnh tại chỗ trú ẩn khi nội tiết tố bảo vệ hoặc sức khỏe người nhiễm lao bị suy giảm.

* Mỗi năm có nhiều triệu USD được chi cho chương trình chống lao nhưng VN vẫn nằm trong 1/23 quốc gia có gánh nặng bệnh lao nặng nề. Vì sao vậy?

- Thuốc điều trị không thiếu, phương tiện chẩn đoán không thiếu, nhưng ý thức của người bệnh không phải dễ. Một liệu trình điều trị 6-8 tháng, nhưng có những người bệnh chỉ thấy đỡ bệnh là ngưng điều trị, tiếp tục thải vi khuẩn ra môi trường, làm tiếp tục lây lan vì vi khuẩn trong không khí không ai nhìn thấy. Chưa kể những yếu tố mới như người bệnh lao kèm HIV, tình trạng lao kháng thuốc, kháng đa thuốc (mỗi năm có khoảng 3.000 bệnh nhân lao kháng thuốc mới).

Những bệnh nhân này vẫn sống cùng cộng đồng, điều kiện cách ly kém và có khả năng lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc ra cộng đồng! Chương trình chống lao đang nghiên cứu để cắt giảm yếu tố kỹ thuật, thay đổi phác đồ điều trị với thuốc mạnh hơn, liệu trình ngắn hơn, bệnh nhân dễ tiếp nhận hơn. Hiện chúng tôi đã sử dụng loại thuốc "3 trong 1" cho bệnh nhân.

* Ông vừa nói đến hiện tượng người bệnh bỏ trị và lây lan bệnh qua không khí. Làm thế nào để phòng bệnh vì không thể gặp ai chúng ta cũng nghi ngờ là họ mắc lao và... đeo khẩu trang!

- Bảo vệ bằng cách bảo vệ sức khỏe cho mình, hạn chế những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, vệ sinh môi trường, sinh hoạt điều độ, đưa nắng, gió vào nhà ở. Thiên nhiên đã ưu đãi cho VN nắng và gió, nhưng vào nhiều gia đình tôi thấy họ để những ổ chăn lưu cữu hằng năm, trong những buồng ở rất tối, đó là nơi vi khuẩn lao tồn tại lâu nhất. Chúng tôi đang điều tra môi trường bằng cách "lọc" không khí xem có bao nhiêu vi khuẩn lao trong bệnh viện lao, nhằm tìm một mô hình cho những bệnh viện này. Theo tôi, bệnh viện lao phải thoáng gió, nhiều cửa sổ, cây xanh, nhất là cây thông.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên