Phóng to |
Cơ sở đóng đàn của anh Võ Văn Nam nằm sát bên dòng sông Láng Thé. Muốn vào phải lội qua một con kênh, rồi men theo con đường mòn ngoằn nghèo giữa rừng dừa nước.
Anh Nam kể: “Gia đình tôi ở ấp Trại Luận, nhà đông anh em nhưng ruộng ít nên cuộc sống rất khó khăn, học hành không đến nơi đến chốn. Năm 16 tuổi tôi bỏ lên TP HCM làm thuê kiếm sống. Từ đầu tôi đã có ý định cố gắng học một nghề để có thể nuôi sống bản thân và gia đình”.
Những ngày tháng lang thang trên đất khách bữa đói, bữa no, anh Nam phải đi làm công, ăn nhờ ở đậu hết chỗ này đến chỗ khác.
Rồi anh được người quen giới thiệu vào làm cho một cơ sở đóng đàn ở Gò Vấp, Nam siêng năng lại có chí nên được cả chủ và thợ lành nghề tận tình chỉ dạy. Ngày mới vào học việc, anh phải làm không lương, đầu ngón tay luôn sưng vù vì không quen bào, cưa, đục đẽo, lộng ván…
Rồi dần dần ngày tháng học việc cũng trôi qua, các công đoạn đóng một cây đàn anh đã rành rẽ. Hơn 3 năm miệt mài vừa làm, vừa học, anh đã tương đối thạo nghề.
Mười năm làm thợ đóng đàn trên đất khách, thu nhập khá ổn định nhưng anh Nam luôn muốn về lập nghiệp trên quê hương mình. Năm 2000, anh về quê, đất đai quá ít, anh tận dụng hết diện tích trong nhà và nới thêm bên chái để vật liệu...
Hiện nay cơ sở của anh Nam đang sản xuất các loại đàn ghi-ta, ghi-ta phím lõm và măng-đô-lin. Thường xuyên có 10 người làm và học nghề ở đây.
Hoàn thành một cây đàn ghi-ta phải trải qua gần 30 công đoạn từ gò tiện, uốn gọt, cưa, lộng, bào, sơn… phải làm 11 bộ phận rồi lắp ráp thành cây đàn hoàn chỉnh.
Cầm cây đàn ghi ta vừa mới làm xong, Nam đánh cho tôi nghe thử vài nốt nhạc rồi anh chỉ cho tôi xem: “Đây là một trong những chiếc đàn cao cấp mà các cơ sở tại TP HCM đặt hàng, trong vòng một tháng tôi phải cung cấp khoảng 200 đàn các loại. Ngặt nỗi làm không xuể, quá ít thợ mà vốn liếng thì eo hẹp, chưa thể mở rộng sản xuất thêm”.
Thanh niên học nghề được anh Nam hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng, bao luôn ăn ở, khi bắt đầu làm chính thức thì được hưởng lương sản phẩm bình quân 1 triệu đồng/tháng.
Anh Nam ước mơ: “Mình mở cơ sở đóng đàn ở quê, mong sau này cả xóm trở thành một làng đóng đàn, ai cũng có việc làm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận