13/05/2006 09:14 GMT+7

"Người đội viên không tuổi"

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện

TT - Anh là một trong những đội viên thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh thuộc lứa đầu tiên của Sài Gòn sau ngày giải phóng. Câu chuyện với anh là những ký ức về thời kỳ đầy khám phá và cống hiến.

aHecWms7.jpgPhóng to

Nghệ sĩ Thành Lộc - "người đội viên không tuổi". Ảnh: T.T.D.

Tôi - người đội viên ngày ấy...

* Có thể bắt đầu câu chuyện với anh bằng một câu hỏi: anh nghĩ sao nếu nói anh là người đội viên không có tuổi ?

- 31 năm trước, khi tôi 14 tuổi, thì Sài Gòn giải phóng. Đó cũng là thời điểm tôi biết đến tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên chúng tôi nghe những khái niệm quá lạ: “cách mạng”, “mình vì mọi người”, rồi nghe ý nghĩa của chiếc khăn quàng đỏ là màu cờ Tổ quốc, tượng trưng cho sự hi sinh giải phóng dân tộc... Lần đầu tiên tôi nghe nói rằng trẻ con cũng có thể đóng góp cho xã hội. Tháng 6-1975, tôi vào Câu lạc bộ thiếu nhi thành phố.

Đó là chi đội hoạt động nghệ thuật đầu tiên của nhà thiếu nhi nơi đây. Và nơi ấy, thế hệ chúng tôi đã hăng say hoạt động và trưởng thành. Hầu hết mọi người đều trở thành những trí thức, bác sĩ, nhà giáo hay nghệ sĩ... Mãi tới bây giờ chúng tôi vẫn chọn ngày 1-6 hằng năm làm ngày họp mặt, nhắc lại những câu chuyện cũ hay chọc ghẹo về cái thời “những ngày xưa thân ái”. Vâng, chúng tôi là người đội viên không có tuổi!

* Nghĩa là tính cách của anh đã được phát triển trên cái nền của Đội TNTP Hồ Chí Minh?

- Tôi buộc phải nói một từ lớn lao mà luôn chính xác trong trường hợp này: môi trường ấy đã hình thành nên nhân cách của tôi và một lớp trẻ ngày ấy. Ở đó, chỉ có những đội viên học sinh giỏi, học sinh tiên tiến... mới được cho tham gia văn nghệ, ai học “bết” sẽ bị buộc nghỉ sinh hoạt văn nghệ để tập trung học tốt. Chúng tôi lúc ấy rất tự tin đi cùng với đội văn nghệ các anh chị thanh niên xung phong biểu diễn ở các nông trường, nhiều khi lên tận vùng biên giới hay núi rừng.

* Phải chăng đó là môi trường định hướng phát triển tài năng chuyên nghiệp của anh?

- Chúng tôi là thế hệ đội viên đầu tiên của một Sài Gòn mới được giải phóng. Chúng tôi từng mang trống đi diễu hành khắp thành phố để cổ động cho số đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, Khăn Quàng Đỏ. Chúng tôi là những thiếu niên đầu tiên đại diện cho VN tham gia Đại hội liên hoan thiếu nhi thế giới lần I tổ chức tại Liên Xô... Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến tôi, đến cái nôi nghệ thuật và sự hình thành các giá trị.

Việc chọn thi vào trường sân khấu để học kịch, tôi cũng tham khảo ý kiến từ các anh chị phụ trách của mình... May mắn trên cái nền nghệ thuật, tôi đã được tiếp cận với mọi thứ hay nhất thời đó. Nhưng trong điều kiện chung của đất nước, tuổi thơ chúng tôi ngày đó cũng chịu nhiều thiệt thòi. Sau này, tôi biết nhiều “đồng nghiệp” nhí của mình thời đó từng vất vả bán báo, bán kẹo chewing-gum kiếm sống qua ngày...

* Có phải từ sự thiếu thốn ấy, bây giờ anh luôn muốn bù đắp cho thế giới trẻ thơ?

- Có thể. Nhưng thật ra thì cái gì cũng có hai mặt của nó. Thời kỳ khó khăn ấy, Đội TNTP cho chúng tôi những giá trị về cuộc sống, về lý tưởng, về tính cộng đồng xã hội... Thế giới trẻ con bây giờ có công viên nước, có Walt Disney, bàn phím máy tính, mọi thứ tiện nghi và thậm chí nhiều đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ mà không được giáo dục nhiều về nội dung “phải biết cống hiến” như thế hệ chúng tôi. Đó là một bối cảnh mới mà những người làm công tác thiếu nhi phải đối diện của thời kỳ này.

Tôi chọn hướng tiếp cận của riêng mình

* Giả sử anh là một người làm công tác thiếu nhi, vấn đề lớn nhất mà trẻ em hôm nay cần được tiếp cận và định hướng giáo dục là gì?

- Ngày xưa tổ chức Đội đặt nền tảng tập thể, không chú ý phát huy vai trò cá nhân. Bây giờ trải nghiệm nhiều, tôi thấy bất cứ một tổ chức nào cũng cần phải có nhân tố quyết định là những cá nhân. Nếu chúng ta chỉ giáo dục trẻ em tinh thần chỉ biết cống hiến cho cộng đồng và cá nhân lùi lại ở vị trí mờ nhạt giữa cộng đồng mình thì vô hình trung, chúng ta khuyến khích một thói “khiêm tốn ảo” mà có thể chính các em cũng không muốn.

Tôi thấy đã đến lúc mình phải giáo dục trẻ con tính tự lập và khẳng định tài năng của bản thân để phục vụ cộng đồng... Nếu không, có lẽ chúng ta sẽ có một thế hệ tuổi thơ thiếu khả năng tưởng tượng và sáng tạo.

* Vậy anh và những đồng nghiệp đã làm được chưa và việc đó có gặp trở ngại gì không?

- Chuyện cho một ông thần đèn chạy xe hơi, bắn súng như cao bồi hay lái máy bay... thế giới hoạt hình phương Tây làm được hết. Nhưng ở ta, tôi mới vừa cho Aladdin trôi dạt vào bờ biển VN để làm một số thứ với trẻ con VN, người ta hỏi tại sao không dựng giống sách vở? Tôi bảo cái gì có trong sách trẻ con đọc hết rồi, mắc gì dựng lại? Chúng tôi muốn kể cho trẻ con nghe những câu chuyện khác về thần đèn.

Có người hỏi sao không dựng nhiều câu chuyện VN? Tôi nói văn hóa thì không có biên giới. Nhiều truyện cổ tích VN là dành cho thế giới người lớn chứ không phải trẻ con: có cả bạo lực nữa. Ngoài Dế mèn phiêu lưu ký còn quá ít truyện cho trẻ con. Tôi chọn lựa những câu chuyện nào giáo dục lòng nhân ái, sự sáng tạo của con người là chúng tôi dựng.

Trẻ con khi thích chúng sẽ cho mình biết chúng đang thích gì. Tôi hay nhận được phản ứng rất mạnh, thậm chí cuồng nhiệt của các em và thường phải làm một số động tác để giảm bớt sự cuồng nhiệt đó. Bữa tôi bệnh, có một em đi xem diễn Chú bé rừng xanh không thấy tôi, đòi mẹ đưa vào hội trường hỏi. Nghe chú Thành Lộc bị nạn, bé đòi đi thăm cho bằng được. Em vào thăm tôi với con chó bông, ngồi đầu giường mãi rồi mới nói: “Chú ôm nó mà ngủ, hồi nào đến giờ con ôm nó ngủ ngon lắm!”. Trẻ con là thế đấy.

* Giả sử là một tổng phụ trách Đội, anh sẽ làm gì để cho trẻ em thích sinh hoạt Đội?

- Tôi sẽ không thể là một phụ trách Đội giỏi. Tôi chỉ là người có sở thích làm cho trẻ con biết mộng mơ và sáng tạo. Tôi nhớ trong cổ tích phương Tây có một ông thần hằng đêm bốc ra một lớp phấn rắc xuống trần gian. Mỗi hạt phấn đó là một giấc mơ, hạt phấn rớt trúng đứa trẻ nào thì đứa trẻ may mắn ấy sẽ có một giấc mơ tuyệt đẹp. Tôi hi vọng những người lớn như chúng ta phải biết “rắc phấn mê” cho những mơ mộng của trẻ nhỏ, để thắp lên những ước mơ trên những vì sao...

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên