![]() |
Qua quan sát một số phiên tòa xét xử các vụ án TNGT, tôi nhận thấy có khi TNGT xảy ra do phần lớn lỗi của người đi bộ nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ buộc tội người điều khiển xe.
Vụ TAND quận 1, TP. HCM năm 2004 xử phạt một phụ nữ với mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo hay gần đây, cuối năm 2009, TAND huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên xử phạt bị cáo N.T.D. 9 tháng tù cho hưởng án treo là hai bản án hiếm hoi dành cho những người đi bộ sai luật, gây TNGT. Hai bị cáo nói trên đi bộ qua đường sai luật, nạn nhân chạy xe gắn máy không tránh kịp nên tông vào, bị ngã và tử vong.
Cần hiểu đúng luật
Trong một số vụ án mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới phải chịu trách nhiệm hình sự “oan” thay cho người đi bộ, căn cứ buộc tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra thường là bị cáo “không làm chủ tay lái”, “không làm chủ tốc độ”, “chủ quan, thiếu cảnh giác”, “thiếu kinh nghiệm nên xử lý kém”, hoặc không nhường đường khi gặp “chướng ngại vật”...
Theo Luật giao thông đường bộ, quy định về tốc độ là một quy định mang tính định lượng, bằng các con số cụ thể cho từng loại phương tiện, cho từng loại đường, trên từng đoạn đường. Do đó, để kết luận một người vi phạm quy định về tốc độ thì phải chứng minh được người đó điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép khi gây ra tai nạn, “không làm chủ tốc độ” là cách nói chung chung.
Có kinh nghiệm đi đường là điều tốt, giúp hạn chế rủi ro nhưng pháp luật không quy định phải có kinh nghiệm mới được điều khiển xe cá nhân. Bên cạnh đó, quan niệm người đi bộ ngang qua đường hoặc đi ngược chiều, đi sai phần đường là các “chướng ngại vật” là không ổn về mặt pháp lý. Cần phải hiểu chướng ngại vật là vật bất động, sự tồn tại của nó trên đường sẽ gây trở ngại cho hoạt động giao thông, còn người và phương tiện đang tham gia giao thông thì không thể coi là chướng ngại vật.
Mặt khác, theo Luật giao thông đường bộ, “người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn”. Và “trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”.
Người đi bộ tuân theo Luật giao thông cũng chính là để tự bảo vệ tính mạng của mình trước tiên. Đối với xã hội, cần sớm xóa bỏ tiền lệ xe lớn phải đền cho xe nhỏ, người lái xe đương nhiên có lỗi khi đụng người đi bộ.
Bên cạnh việc nhiều người đi bộ không tuân thủ Luật giao thông đường bộ, tự mang nguy hiểm cho bản thân, cũng có tình trạng nhiều người đi bộ phải đối mặt với nguy hiểm do đường sá, đèn tín hiệu không bảo đảm.
Luật giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 yêu cầu công trình giao thông đường bộ xây dựng phải bảo đảm an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật. Đường bộ đô thị phải có hè phố, cầu vượt, hầm chui và các giải pháp tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận lợi. Mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Ôtô chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 80.000-100.000 đồng và từ 40.000-60.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, người đi bộ dù đi đúng vạch kẻ vẫn bị xe cộ bao vây, không nhường đường.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận