26/06/2005 13:49 GMT+7

Người đàn bà "đa đoan"

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCN - Tạp chí Nghiệp Đoàn Phát Hành (Consortium Distributors) viết: “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với giới học giả Mỹ, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa VN sau đổi mới.

DzBzQX5K.jpgPhóng to
Nhà văn Đoàn Lê
TTCN - Tạp chí Nghiệp Đoàn Phát Hành (Consortium Distributors) viết: “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với giới học giả Mỹ, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa VN sau đổi mới.

Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già; đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của lòng người...”.

Tạp chí Kirkus Reviews thì nhận xét: “Mười truyện mang màu sắc Gogol trong một bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Đoàn Lê, nhà văn VN, kiêm diễn viên, đạo diễn và họa sĩ... Thảng hoặc Đoàn Lê có xu hướng ngụ ngôn kiểu Kafka, như trong Lên ruồi, nói về một nghệ sĩ nhào lộn có tuổi ly dị vợ, muốn xin cấp một căn hộ nhưng bị biến thành một con ruồi, và thế là thoát được mãi mãi vấn đề nhà cửa và cả phụ nữ.

Ở chỗ khác, những truyện ngắn đạt tới giọng điệu riêng tư thấm thía như trong Giường đôi xóm Chùa về người vợ nằm trên giường với người chồng đang ngủ trong khi chị quyết định chia tay người chồng 28 năm chung sống, trước khi người chồng bỏ chị… Đây là những truyện ngắn đặc sắc”.

Z7lOxHjL.jpgPhóng to

Mới đây nhà văn Đoàn Lê có một tuyển tập truyện ngắn mang tên The cemetery of Chua village (Nghĩa địa xóm Chùa) được Nhà xuất bản Curbstone Press ấn hành. Cuốn sách đã có mặt trong hệ thống hiệu sách toàn nước Mỹ, được giới thiệu và bán trên mạng amazon.com.

Đoàn Lê thuộc số những diễn viên điện ảnh đầu tiên của điện ảnh cách mạng VN, cùng lớp với những Trà Giang, Lâm Tới, Thụy Vân, Minh Đức... Trong triển lãm “Năm nhà văn vẽ” mới đây tại Hà Nội, người ta thấy nhiều nghệ sĩ điện ảnh như Tuệ Minh, Thanh Thủy... đến chia vui với Đoàn Lê.

Họ cùng nhớ lại cô gái Hải Phòng đã trốn nhà lên Hà Nội học diễn viên điện ảnh vào cuối những năm 1950, bất kể bị gia đình Nho giáo ngăn cấm. Nhưng rồi nghiệp diễn viên của Đoàn Lê cũng chỉ để lại dăm ba vai phụ và một vai chính duy nhất: cô giáo trong phim Quyển vở sang trang (1975).

Cô diễn viên khi ấy lại nổi tiếng với những bài thơ in báo được bạn bè chuyền nhau: Ngày xưa em ngây thơ/Ngồi bói hoa hồng nở/Đoán tình yêu sau này/Vẹn tròn hay dang dở... Rồi “cô Kiều” mỏng manh ấy làm họa sĩ thiết kế, cô leo lên giàn giáo vác một cái bơm phun màu nặng đến 5kg để vẽ cảnh trang trí cho phim. Rồi cô viết kịch bản, những phim Bình minh xôn xao, Người về, Làng Vũ Đại ngày ấy, Vua Minh Mạng...

Những “cầm kỳ thi họa” đem lại cho Đoàn Lê một danh tiếng tài hoa. Học vẽ từ những bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên. Học điện ảnh từ những bậc thầy của Nga và VN. Khởi nghiệp biên kịch điện ảnh từ những tác phẩm được đồng nghiệp đánh giá tốt. Nhưng rốt cục, văn xuôi mới là sở trường của người đàn bà thành phố cảng, vẻ ngoài thùy mị duyên dáng song hành với tính cách một người đàn bà xốc vác, quyết đoán.

Những điều dường như “xung khắc” cùng lúc tồn tại trong một con người, ngồn ngộn chen chúc, ấy là văn xuôi. Ban đầu chị viết truyện ngắn, tiểu thuyết vào những phút lắng lại sau những ồn ào, xô bồ trên trường quay. Một sự thư thái nghiền ngẫm cần thiết chen vào đời sống bươn chải năng động.

Nhưng rồi càng viết mới càng thấy văn xuôi không phải là cái bến đỗ mà chơi. Dồn trút vào đó bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu nỗi niềm và những khoái cảm nghệ thuật. Văn xuôi cho chị khả năng hội đủ những yếu tố của các ngành nghệ thuật kia: điện ảnh, hội họa, thi ca và cả chút kiến thức chữ Hán mà chị từng “học đòi”.

Đoàn Lê đã có những thành tựu thật sự với văn chương. Một giọng văn được nhớ, nền nã dung dị nhưng bao giờ cũng kèm theo chất hài hước ngầm. Những tập truyện Thành hoàng làng xổ số, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa; những tiểu thuyết Lão già tâm thần, Cuốn gia phả để lại... đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN, báo Văn Nghệ...

Đoàn Lê đang hoàn tất bản thảo cuốn tiểu thuyết Tiền định. Đây có lẽ là cuốn sách quan trọng của chị. Một cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện, chương đầu mở ra ở thời điểm cô học sinh đất cảng trốn nhà lên Hà Nội học điện ảnh, chương cuối kết lại ở đâu thì có lẽ chính tác giả Đoàn Lê còn đang băn khoăn.

Tôi được đọc những chương đầu, thấy Đoàn Lê đã gửi gần như hết vào đó những truân chuyên, từ những năm tháng chiến tranh “hai người yêu nhau nắm tay nhau đi bộ ba mươi cây số từ nơi sơ tán về Hà Nội” mà không hề nghĩ đến bom đạn có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào, đến những năm tháng tưởng đã bình yên mà phải chia lìa để tạo dựng lại một lần nữa.

Từ vùng đất xóm Chùa ở Hà Nội, Đoàn Lê đã trở về với xóm Núi ở Đồ Sơn. Mua đất, dựng nhà, tự thiết kế và làm lấy mọi việc ở nơi tái thiết cho đời mình. Sóng biển Đồ Sơn ào ào ở ngay đầu đường nhà chị. Trong lòng Đoàn Lê, sóng gió dường như đến lúc này đã bình yên, phải bình yên mà đi tiếp. Phải đến cuốn tiểu thuyết này Đoàn Lê mới tự mổ xẻ một cách thành thực nhất, không ngại cả những vết dao sắc cứa vào sai lầm riêng tư.

Đời chị có lẽ ứng với câu thơ của Đoàn Thị Tảo, người em gái viết về chị gái Đoàn Lê: Vấn vương với sợi tơ trời/Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên