12/11/2015 08:31 GMT+7

Người con của bản làng Bắc Bẹ

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - Sống trong cảnh không sóng điện thoại, không điện nước, không đường giao thông... nhưng nhiều thầy cô giáo trẻ vẫn tình nguyện cắm bản mang “cái chữ” đến với con em đồng bào dân tộc vùng cao.

Thầy giáo trẻ Lường Văn Thọ cùng học trò của mình trong giờ học - Ảnh: Quang Thế
Thầy giáo trẻ Lường Văn Thọ cùng học trò của mình trong giờ học - Ảnh: Quang Thế

“Cắm bản không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ cho học sinh. Thầy cô còn phải kiêm cả nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước tới những nơi xa xôi, dạy người dân bản địa cách trồng cây hoa màu, chăn nuôi, làm công tác dân vận cho trẻ tới trường...” - ông Hồ Đăng Trung, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phù Yên (Sơn La), chia sẻ.

Trên đường đưa chúng tôi vào điểm trường, thầy giáo trẻ Lường Văn Thọ, 27 tuổi, hiện công tác ở điểm trường Bắc Bẹ B1 (thuộc Trường tiểu học Suối Tọ 2, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La), tâm sự: “Tuy đường sá xa xôi, khó đi, điều kiện kinh tế của địa phương còn nghèo nàn nhưng học sinh tiếp thu bài nhanh và chăm đến lớp là động lực cho những thầy cô giáo trẻ. Chỉ cần đến muộn vài phút thôi cũng thương học sinh lắm vì lúc nào các em cũng chờ thầy. Nghỉ hè một thời gian ngắn không gặp các em là đã thấy nhớ lắm rồi...”.

Bắc Bẹ cách trung tâm huyện khoảng 30km, đứng ở gần trung tâm huyện cũng có thể thấy được bởi đó là nơi nằm trên những quả núi cao nhất. Đường vào điểm trường chủ yếu đi ven theo bìa rừng. Ở Bắc Bẹ phụ nữ không biết nói tiếng phổ thông, nam giới trong bản cũng chỉ nói được ít câu giao tiếp thông thường.

Ông Thào A Thanh (54 tuổi, người dân bản Bắc Bẹ) nói rằng trước đây chưa có thầy giáo vào bản, người dân không cho con em đi học được vì xa trung tâm nên nhiều người không biết chữ.

“Đường đến dân bản đi cũng sợ mà thầy giáo vẫn cố gắng để vào. Đến nay con em ở bản đã có người trở thành cô giáo. Mỗi khi có người ốm đau cũng lên nhờ thầy giáo xuống tư vấn hướng dẫn tới trạm xá, bệnh viện. Dân chúng tôi thương thầy giáo lắm” - ông Thanh xúc động nói.

Lớp học thầy Thọ đang dạy chỉ có tám em học sinh và là lớp ghép ở độ tuổi tiểu học. Vừa dạy cho một nhóm cách đánh vần tập đọc thầy lại quay sang dạy cách cộng trừ, nhân chia cho nhóm bên cạnh. Các buổi lên lớp của thầy thường hoạt động hết công suất. Có những hôm buổi chiều không phải giờ lên lớp nhưng thầy Thọ vẫn tiếp tục dạy học sinh ôn tập bài vở...

“Trước đây đã có nhiều thầy cô bị rơi xe xuống vực phải nhờ dân bản đưa xe lên. Trời mưa thì không thể ra ngoài được bởi đường rất dốc, trơn trượt. Ở nơi núi mây liền nhau nên thời tiết khắc nghiệt, ngoài sương muối, mùa đông thường dài và lạnh hơn so với vùng khác bởi sự cách biệt với bên ngoài. Ngược lại với điều kiện kinh tế, người dân rất yêu quý thầy cô giáo. Có những hôm dân bản hái rau mang vào cạnh bể nước để thầy giáo nấu canh” - thầy Thọ kể.

Tình cảm đó giữ chân thầy ở lại và chỉ đến cuối tuần thầy mới về lại trung tâm huyện để thăm gia đình nhỏ của mình. Mỗi khi lên điểm trường ngoài những đồ dùng cá nhân, đồ ăn dự trữ thì thầy còn mang theo ít phấn, sách vở, quần áo cũ cho học sinh.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 do Trung ương Hội LHTN VN phối hợp với Bộ GD-đT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức dành cho 64 thầy cô tiêu biểu xuất sắc đang công tác ở các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo nhất trên cả nước.

Hôm nay 12-11, các thầy cô được tổ chức viếng Lăng Bác, tiếp kiến lãnh đạo Nhà nước, gặp mặt trao đổi cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước khi được tuyên dương vào buổi tối cùng ngày.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên