![]() |
Theo dự thảo luật, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... làm việc ở bệnh viện công đều phải thi lấy chứng chỉ hành nghề - Ảnh: L.TH.H. |
Góp ý cho dự thảo luật, ông Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng đối với cơ sở y tế nhà nước thì không cần thiết phải có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Chứng chỉ hành nghề: công hay tư được cấp?
Ông Châu cũng đặt câu hỏi: việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nhà nước liệu có khả thi không khi luật này quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng y khoa quốc gia cấp. Bởi số lượng người hành nghề khám chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập có hàng trăm ngàn người nên Hội đồng y khoa quốc gia có thể làm không xuể.
Theo ông Châu, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề ở cơ sở y tế tư nhân mới cần và hợp lý, khả thi hơn. Đại diện Sở Tư pháp TP cũng băn khoăn rằng Hội đồng y khoa quốc gia khó có thể cấp hết chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề khám chữa bệnh trong cả nước. Việc thi cấp chứng chỉ hành nghề, theo đại diện Sở Tư pháp, cũng không ổn.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Báu - phó giám đốc Sở Y tế TP kiêm giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - nói: “Tôi ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này để khẳng định năng lực chuyên môn của thầy thuốc”. Theo ông Báu, các nước khác đều cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả người hành nghề khám chữa bệnh, không phân biệt công hay tư.
Ông Báu dẫn chứng thực tế hiện nay ở TP.HCM vẫn còn chuyện một bác sĩ ở bệnh viện công mổ chết bệnh nhân, nhưng ngay sau đó “nhảy ra” bệnh viện tư làm việc và vẫn được phép hành nghề. Hay một điều dưỡng hành nghề ở bệnh viện công, ý thức kỷ luật rất kém, vi phạm nhiều vấn đề nhưng vẫn ra cơ sở y tế tư nhân làm việc được là không phù hợp. Ông Báu cũng cho rằng thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải là Hội đồng y khoa quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Tùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần y khoa Bệnh viện Hoàn Mỹ - khẳng định “không có luật riêng cho y tế công hay tư mà chỉ có luật chung cho mọi cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề khám chữa bệnh”. Vì thế, nên cấp chứng chỉ hành nghề cho mọi người hành nghề khám chữa bệnh.
Không phải tất cả hồ sơ bệnh án đều bí mật
* Đối với người bệnh, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định bệnh nhân có quyền được khám chữa bệnh với điều kiện thực tế tốt nhất; quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; quyền được từ chối chữa bệnh, chuyển và ra khỏi cơ sở khám bệnh. Đặc biệt là quyền được trao đổi, cung cấp thông tin, tiếp cận với hồ sơ bệnh án và chi phí khám chữa bệnh của mình. * Đối với người hành nghề khám chữa bệnh, dự thảo luật quy định mọi đối tượng hành nghề ở cơ sở nhà nước hay tư nhân đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Dự thảo luật cũng không cấm công chức, viên chức y tế không được mở phòng mạch tư mà chỉ cấm không được thành lập hoặc tham gia thành lập bệnh viện tư nhân. * Dự thảo luật quy định bắt buộc sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp phải về phục vụ có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa. |
Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện đa khoa Triều An lại có ý kiến khác: “Đối với cơ sở y tế tư nhân, lâu nay người bệnh có quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án vì họ trả tiền nên họ đòi lấy tất cả hồ sơ bệnh án, kể cả quyền được tra vặn chúng tôi đủ thứ. Theo yêu cầu của người dân, chúng tôi phải thực hiện hết. Cơ sở y tế tư nhân đã từng bước thực hiện quyền tiếp cận thông tin bệnh án cho bệnh nhân”.
Ông Nguyễn Hữu Tùng nói: “đối với bệnh viện tư nhân họ sợ bệnh nhân dữ lắm, bệnh nhân đòi cái gì cũng phải đưa hết, vì có vấn đề gì thì dư luận đều đứng về người bệnh chứ không đứng về phía bệnh viện hay thầy thuốc”. Đại diện Sở Tư pháp TP cho rằng không phải tất cả hồ sơ bệnh án đều bí mật, nếu thông tin để phục vụ chữa bệnh thì không phải là bí mật, trừ trường hợp dùng thông tin đó để làm việc khác.
Trước hai luồng ý kiến trên, bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận xét: “Việc tiếp cận thông tin hồ sơ bệnh án, bệnh viện tư thấy bình thường mà bệnh viện công lại rất lo lắng!”. Bà Mai cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ trình các ý kiến góp ý để Quốc hội thảo luận. Riêng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho mọi đối tượng hành nghề khám chữa bệnh, đa số ý kiến đều đồng ý vì cấp chứng chỉ là để hành nghề có chất lượng. Còn chứng chỉ thực hành sẽ nghiên cứu thêm.
Bà Mai cho biết thêm: hiện nay cả nước có khoảng 280.000 cán bộ y tế, nhưng mới có 1/5-1/6 được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì thế, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề phải có lộ trình chứ không thể để kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận