04/04/2006 07:02 GMT+7

Người bạn lớn của VN

Trích “Why protest?”
Trích “Why protest?”

TT - Từ những tháng đầu 1965, Mỹ ào ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam và ném bom bắn phá miền Bắc VN. Mục sư Martin Luther King liên kết hai phong trào - chống kỳ thị chủng tộc và chống chiến tranh xâm lược VN - làm một. Ông chống chiến tranh của Mỹ ở VN vì cuộc chiến tranh ấy ảnh hưởng tai hại đến quyền lợi của người nghèo

iz9zwV1I.jpgPhóng to
Bác sĩ Benjamin Spock và tiến sĩ King (phải) dẫn đầu cuộc tuần hành của hơn 100.000 người chống chiến tranh VN tại New York ngày 15-4-1967 - Ảnh: AP

Chính phủ Mỹ đổ quá nhiều tiền của vào cuộc chiến ở VN khiến chương trình cải thiện đời sống người nghèo ở Mỹ thất bại.

Mặt khác, nạn kỳ thị chủng tộc diễn ra ngay trong chiến tranh: người da đen chỉ chiếm 13% dân số nước Mỹ nhưng có tới 28% số lính bị đẩy đi tham chiến, nên tỉ lệ người da đen chết ở VN cao một cách bất thường.

Ông còn chống chiến tranh vì lợi ích của nhân dân VN. Trong bài diễn văn “Tại sao phản đối?” (Why protest?) đọc tại nhà thờ Riverside ở thành phố New York ngày 4-4-1967, ông lên án bốn đời tổng thống Mỹ đã giúp thực dân Pháp tái chiếm VN sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đã trang trải đến 80% chi phí chiến tranh ở Đông Dương, đã giúp Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Genève 1954, ngăn cản tái thống nhất VN, sau đó ủng hộ các chế độ độc tài quân phiệt của Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu.

“Tôi nói với tư cách một người anh em của những người VN nghèo khổ. Tôi nói vì những người mà đất đai bị bỏ hoang, nhà cửa bị tàn phá, văn hóa bị phá hoại”.

Đặc biệt, ông vạch trần những tội ác mà nhà cầm quyền Mỹ đang gây ra ở VN bằng những lời đanh thép: “Họ (tức nhân dân VN) chết dần chết mòn dưới bom đạn của chúng ta và xem chúng ta như kẻ thù thật sự. Khi chúng ta bắt họ rời khỏi đất đai của cha ông họ để dồn vào những trại tập trung - nơi mà những nhu cầu xã hội tối thiểu hiếm khi được thỏa mãn - thì họ phải di chuyển vào đó vì họ biết, nếu không vào, sẽ bị bom đạn của chúng ta hủy diệt.

Họ nhìn chúng ta rải chất độc xuống nguồn nước của họ, tàn phá cả triệu mẫu mùa màng của họ. Họ than khóc khi xe ủi đất của chúng ta gầm rú trên đất đai của họ, sắp sửa tàn phá những cây gỗ quí. Họ nghĩ gì khi chúng ta thử nghiệm những vũ khí mới nhất của chúng ta trên họ, giống như bọn Đức (quốc xã) thử nghiệm những loại thuốc mới và những cách tra tấn mới trong các trại tập trung của chúng ở châu Âu? Ở miền Bắc, bom của chúng ta ném tới tấp xuống đất đai và mìn của chúng ta đang gây nguy hiểm cho các đường sông đường biển”...

Martin Luther King, Jr sinh ngày 15-1-1929 tại Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Ông tốt nghiệp Trường ĐH Morehouse (1949), Học viện Thần học Crozer (1951) và đỗ tiến sĩ thần học tại Trường ĐH Boston (1955). Ông được trao giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1964. Cách nay tròn 38 năm, ngày 4-4-1968, ông bị bắn chết ở Memphis (bang Tennessee). Để tưởng nhớ ông, một con đường trên khu phố khang trang ở quận 7, TP.HCM mang tên ông.

Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Bằng cách này hay bằng cách khác, phải chấm dứt sự điên khùng này. Chúng ta phải chủ động chấm dứt nó ngay... Để chuộc lại những tội lỗi và sai lầm của chúng ta ở VN, chúng ta phải chủ động chấm dứt cuộc chiến tranh bi thảm này”.

Nếu trong năm 1967, lời kêu gọi của ông được Chính phủ Mỹ nghe theo thì hàng triệu người Việt, Mỹ, Hàn, Thái Lan... đã không phải thiệt mạng khi chiến tranh ác liệt kéo dài thêm tám năm nữa!

Ông khuyên thanh niên Mỹ phải “thấy rõ vai trò của nước mình ở VN” và khuyên họ “từ chối đi lính vì lý do lương tâm” (conscientious objection). Ông nói: “Chúng ta phải chuyển từ sự do dự trong quá khứ sang hành động. Chúng ta phải tìm ra những cách nói mới cho hòa bình ở VN và công lý trên toàn thế giới đang phát triển”.

Trong đạo quân viễn chinh của Mỹ ở VN, người da đen và người nghèo chiếm một tỉ lệ không nhỏ, do đó lời khuyên của ông là một mối đe dọa thật sự cho việc bắt lính.

Trích “Why protest?”
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên