23/12/2013 11:25 GMT+7

Ngọn nến hồng của mẹ

B.ĐÀO
B.ĐÀO

TT - Nghe con vừa hát say sưa vừa múa thật đẹp bài Ba ngọn nến lung linh mà lòng mẹ - một người mẹ có H - đau thắt.

kgqf62sQ.jpgPhóng to
Ngọn nến vàng và ngọn nến xanh trong bài con hát sẽ dần lụi tàn, ngọn nến hồng sẽ sáng mãi - Ảnh minh họa từ internet

Mẹ gặp ba khi cùng tham gia “Dự án tạo việc làm cho người có H”. Từ tình yêu ấm nồng của hai kẻ hoàn lương, đang tìm lại lẽ sống của chính mình, ba mẹ quyết định có con trên đời này. Tháng đầu tiên, ba mẹ mừng khấp khởi khi biết con đã tượng hình trong lòng mẹ. Cả bên nội lẫn ngoại đều ra sức can ngăn, nhưng mẹ cứ vẫn kiên tâm. Mẹ đi làm nhân viên đồng đẳng, mẹ nhận quần áo của bà con xung quanh về giặt mỗi tối... Tất cả thu nhập, mẹ gom góp mong dành dụm cho con chút vốn liếng sau này, nếu một ngày con không còn có mẹ.

Con ra đời vào một ngày tháng 11-2008. Tiếng khóc con thỏ thẻ, rụt rè trước những đứa trẻ khỏe mạnh khác đang đua nhau “oe... oe” rền vang phòng sinh Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đêm ấy. Mẹ còn không được cái đặc ân trao cho con nguồn sữa ngọt ngào mà tạo hóa ban cho, để được ôm con, được đôi môi chúm chím kia bú tham lam vào bầu vú mẹ, rồi no nê môi con bẽn lẽn cười. Nhìn con nằm một mình ngậm bình sữa vô tri, nhắc nhở mẹ phải yêu thương con mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Tháng thứ nhất con nằm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì sặc sữa. Mẹ nghe như sét đánh ngang tai khi bác sĩ báo tin máu con có kháng thể virút HIV, và chỉ biết ôm xiết con vào lòng mong có phép nhiệm mầu để biến có thành không. Vị bác sĩ ở phòng tham vấn thì nhẹ nhàng an ủi có thể chỉ là huyết thanh con còn kháng thể của mẹ. Vậy là mẹ lại hi vọng, dù rằng hi vọng quá mong manh.

Ba tháng sau, con lại vào viện vì thoát vị bẹn phải mổ. Nỗi lòng ba mẹ xốn xang, trăm mối tơ vò: Liệu con có đủ sức khỏe để vượt qua cuộc phẫu thuật này không? Dòng máu con có còn là nỗi sợ hãi cho bao người? Và rồi, phép nhiệm mầu là có thật: con lại về khóc cười cùng mẹ và huyết thanh con không còn kháng thể kháng virút HIV nữa.

Thấm thoát đã năm năm. Ngọn nến vàng và ngọn nến xanh trong bài con hát sẽ dần lụi tàn, ngọn nến hồng sẽ sáng mãi. Mẹ thật lòng cảm ơn các y bác sĩ và mọi người trên thế giới này đang chung tay giúp gia đình mình cùng người có H luôn được sống trong sự yêu thương. Tận hưởng từng ngày giờ hơi thở của cuộc sống đang thì thầm: có tiếng trẻ thơ trong veo hỏi han liên hồi bao điều mới lạ; có vạt nắng chiều xuân ấm lòng lứa đôi xuống phố; có tầng không xanh ngắt, vài cánh chim cùng bạn bay về cuối trời...

Chỉ 1% trẻ bị nhiễm HIV nếu mẹ uống thuốc ARV sớm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - tiểu ban nhi chương trình phòng chống HIV/AIDS TP.HCM - cho biết nếu biết cách phòng ngừa tốt từ đầu thì việc lây truyền HIV từ người mẹ có H sang con chỉ có 1%. Cụ thể, trong tuần thai thứ 14 đến 28, tỉ lệ lây truyền là 1%. Từ tuần thai thứ 28 trở đi, tỉ lệ lây truyền khoảng 5-6%, nhưng trong lúc người mẹ chuyển dạ sinh thì tỉ lệ này khoảng 10% và nếu mẹ cho con bú sẽ lây nhiễm thêm khoảng 10%. Do vậy, người mẹ có H phải uống thuốc kháng virút HIV (thuốc ARV) từ tuần lễ thứ 14, hoặc chậm nhất phải từ tuần thai thứ 28. Nếu ở tuần thai 28 mà mẹ chưa uống thuốc ARV thì ngay khi trẻ vừa sinh ra phải được uống thuốc ARV liên tục trong một tháng và trẻ không được bú sữa mẹ. Nếu làm tốt việc này, việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gần như không có.

Khi trẻ sinh ra từ người mẹ có H, việc xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể HIV là không chính xác vì huyết thanh trong máu trẻ là huyết thanh của người mẹ tiết ra để chống lại virút HIV và truyền qua nhau thai chứ không phải của trẻ (huyết thanh của người mẹ tồn tại trong máu của bé đến 18 tháng mới hết). Do vậy, muốn chẩn đoán trẻ dưới 18 tháng có nhiễm HIV hay không phải dùng phương pháp PCR để tìm kháng nguyên mới chính xác. Trẻ sinh có cha mẹ nhiễm HIV nhưng bé không bị nhiễm HIV thì sức khỏe của trẻ khi chào đời và việc phát triển thể chất, tinh thần về sau này hoàn toàn bình thường nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng bình thường như những trẻ khác. Việc trẻ sống chung với cha mẹ có HIV cũng rất khó có khả năng lây nhiễm HIV nếu cha mẹ không để máu của mình dính vào vết thương (nếu có) của trẻ.

Dù trẻ không bị nhiễm HIV nhưng khi đi học trẻ vẫn có thể bị kỳ thị nên thông thường cha mẹ của trẻ phải giấu rất kỹ việc mình có H. Do vậy, trẻ có cha mẹ nhiễm HIV rất cần được xã hội có cái nhìn đồng cảm, không phân biệt đối xử để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng.

L.TH.H. ghi

(*) Cuộc thi Nhật ký người mẹ đã kết thúc nhận bài dự thi với gần 600 bài viết của độc giả trong nước, ngoài nước gửi về. Thể lệ bình chọn Bài viết được yêu thích nhất của cuộc thi sẽ được công bố trên tuoitre.vn/nhatkynguoime trong tuần này.

UX8HmOBn.jpg

B.ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên