05/09/2008 08:00 GMT+7

Ngọn gió lành Buenos Aires

LƯU ĐÌNH THỊNH
LƯU ĐÌNH THỊNH

TTO -Ở Nam Mỹ, người ta gọi Buenos Aires là "Paris của Nam bán cầu":Paris có dòng sông Seine hiền hòa chảy qua, càng dễ làm tôi liên tưởng đến Rio de la Plata (Dòng sông Bạc) ở Buenos Aires.

rIM7UCIQ.jpgPhóng to
TTO -Ở Nam Mỹ, người ta gọi Buenos Aires là "Paris của Nam bán cầu":Paris có dòng sông Seine hiền hòa chảy qua, càng dễ làm tôi liên tưởng đến Rio de la Plata (Dòng sông Bạc) ở Buenos Aires.

Ở đây cũng có xe điện ngầm (năm tuyến chia làm 69 trạm), có những trạm xe làm tôi chợt sững người đứng lại ngắm nhìn và tự hỏi không biết tôi đang ở châu Âu hay Nam Mỹ chỉ vì không khí ở đó giống Paris quá. Tôi nói đùa với cô bạn đi cùng, Buenos Aires chỉ thiếu một ai đó viết bằng tiếng Việt về thành phố này như nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu với Mùa thu không trở lại hay nhà thơ Nguyên Sa trong Paris có gì lạ không em... Được vậy thì Buenos Aires nổi tiếng và quen thuộc với người Việt như Paris thôi.

Kỷ niệm buồn

Với tôi, Buenos Aires như một cô nàng xinh đẹp và bướng bỉnh. Nàng làm tôi chết mê chết mệt vì vẻ đẹp của nàng và có những lúc nàng làm tôi buồn lòng nhưng không biết nói với ai mà phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Vừa ra khỏi sân bay, còn chưa tỉnh giấc sau chuyến bay dài, một thành viên trong đoàn bị móc mất hộ chiếu và vé máy bay (cùng hàng loạt những rắc rối đi kèm). Ngồi trong Đại sứ quán Việt Nam tại Buenos Aires cùng anh bạn mất hộ chiếu để xin cấp giấy thông hành tạm, tôi cảm thấy giận chính mình vì tội quá chủ quan. Chúng tôi đã quên lời dặn dò cẩn thận của bà lãnh sự - Đại sứ quán Argentina tại Hà Nội (hôm chúng tôi xin thị thực nhập), về tệ móc túi ở Buenos Aires. Đây phải chăng là mặt trái của những gì du khách đang được “hưởng” khi nền kinh tế Argentina tuột dốc sau cuộc khủng hoảng năm 2001 kéo theo hàng loạt bất ổn xã hội. Trước đây, vật giá và tiêu dùng ở Buenos Aires thuộc hàng cao nhất Nam Mỹ. Nay du khách đã thấy “dễ thở” hơn sau khi nhiều ngân hàng đồng loạt bị vỡ nợ và đồng peso liên tục mất giá.

Ngọn gió lành

Đối với chúng tôi, mất giấy tờ là một việc không may, nhưng từ thế kỷ XIV đến mãi tận sau Thế chiến thứ hai, Buenos Aires luôn là “ngọn gió lành”, như những người di dân từ châu Âu đặt tên cho nó. Sau khi tìm thấy nhiều vàng ở Peru, người Tây Ban Nha đã tiếp tục mở rộng bờ cõi xuống Chilê sau đó vượt dãy Andes vào vùng đất phía nam của Nam Mỹ này. Gặp nhiều thổ dân với các đồ trang sức làm bằng bạc, người Tây Ban Nha gọi vùng đất mới là Argentina (Đất Bạc). Đất đai màu mỡ ở đây rất thích hợp để phát triển các đàn gia súc và những chàng gaucho (những người chăn bò) mạnh mẽ, độc lập đã ra đời. Họ thường là những mestizos (con lai) mang hai dòng máu Tây Ban Nha và da đỏ.

Buenos Aires giờ đây có nhiều sắc dân châu Âu sinh sống hơn. Người gốc Ý chiếm gần 40% trên tổng số 39 triệu dân của nước này, hầu hết sống tập trung quanh Buenos Aires. Ngoài ra, người gốc Tây Ban Nha chiếm 30% dân số, Argentina từng có một cộng đồng người Anh lớn hơn bất kỳ nơi nào khác ngoài nước Anh... Những cộng đồng di dân này đã làm thay đổi vùng đất mới rất nhiều. Ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha, nhưng đa số người dân đất cảng Buenos Aires, còn được gọi là potenos, đều nói được một chút tiếng Anh. Tiếng Tây Ban Nha ở đây rất khác với tiếng Tây Ban Nha ở mẫu quốc. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe người ta chào nhau bằng buongiorno (chào buổi sáng trong tiếng Ý) thay cho buenos dias (chào buổi sáng trong tiếng Tây Ban Nha). “Tạm biệt” được thay bằng chau, một biến thể của ciao (chào tạm biệt trong tiếng Ý).

Ẩm thực

Phố trung tâm của Buenos Aires có nhiều khu rất giống quận 16 giàu có của Paris. Không khí se lạnh của những ngày đầu xuân tháng chín (nằm ở Nam bán cầu nên thời tiết ở đây rất khác phần còn lại của thế giới) thật dễ chịu. Khi dạo khu trung tâm Microcentro, đi ngang qua một loạt các quán sá bên đường, quán cà phê Tortoni như níu chân tôi lại bằng mùi thơm lừng của cà phê và mùi bơ sữa. Phía trong được trang trí ấm cúng bằng gỗ, các ghế bọc da màu đỏ theo kiểu thế kỷ XIX, trên các bức tranh ảnh treo tường tôi thấy có nhiều người nổi tiếng đã từng ghé qua đây, thiên tài Einstein, Josephine Baker nàng Vệ nữ đen trong giới kinh doanh biểu diễn, nữ hoàng quần vợt Sabatini, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton... Trong nền nhạc piano du dương, tôi gọi một ly cà phê cortado (một loại cà phê sữa) thơm béo, bánh sừng trâu giòn tan và ngồi ngắm thiên hạ. Người Argentina thích gọi một loại thức uống mùi chanh có cồn là sidra rồi ngồi tán gẫu với bạn bè. Ở những quán khác gần đó, nước bột trà maté có màu xanh nhạt, được uống bằng ấm và ống hút bằng bạc cũng được nhiều người thích. Tối đó về lại khách sạn, đọc quyển 1000 nơi bạn nên đến trước khi qua đời (1000 Places to See Before You Die) của Patricia Schultz, tôi mới biết đây là quán cà phê cổ, nổi tiếng nhất ở Argentina, mở cửa vào năm 1858.

Người Argentina hãnh diện khi được khen là những chuyên gia về món thịt nướng. Món nướng phổ biến nhất là bò nướng ăn kèm khoai tây và xà lách. Nhìn thực đơn các món bò của Nhà hàng Cabana Las Lilas, tôi như bị lạc vào ma trận, không biết gọi món nào. Người ta nói thịt bò Argentina thuộc loại ngon nhất trên thế giới và người Argentina là thực khách kỳ phùng về bò các món, mỗi người trung bình ăn 70kg thịt bò một năm (gấp đôi người Mỹ). Tôi bắt chuyện với ông quản lý nhà hàng (có một đều rất lạ là phần lớn phục vụ bàn ở hầu hết các nhà hàng tại Buenos Aires đều là nam) về thịt bò ở đây, được biết người ta dùng khoảng 70km2 đất chuyên nuôi bò để phục vụ riêng cho nhà hàng, mỗi năm khoảng 90 tấn thịt bò được xơi tái. Khi ăn thịt bò phải uống rượu vang đỏ mới đúng điệu, mà phải là Malbec vì Malbec được xem là quốc tửu của Argentina, quốc gia xuất khẩu rượu vang lớn thứ năm trên thế giới.

Tham quan

Những ngày còn lại, tôi rong ruổi khắp các góc phố của Buenos Aires. Khu La Boca của người lao động mà tôi đặt tên là khu Sắc Màu vì nhà cửa ở đây được sơn phết đầy màu sắc sinh động. Ngắm các đôi nghệ sĩ đường phố biểu diễn tango thật lãng mạn. Tuy không chuyên nghiệp và bóng bẩy như những nghệ sĩ ở các milonga (nơi chuyên diễn tango) nhưng họ diễn rất tình. Tôi đi bộ hàng giờ dưới những cây ngọc lan tây (magnolia) tham quan nghĩa trang Recoleta, nơi được đánh giá là điểm tham quan sinh động nhất của thành phố với hơn 7.000 ngôi mộ, thiết kế khác nhau của những gia đình danh giá nhất của Buenos Aires. Họ là những nguyên thủ, anh hùng quân đội, chính trị gia, giới giàu có và những nhân vật nổi tiếng. Có một ngôi mộ làm bằng cẩm thạch đen, luôn có hoa tươi và dòng người chụp ảnh, đó là mộ của Evita Peron, vợ kế của nhà lãnh đạo Juan Peron nổi tiếng của Argentina. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, luôn đấu tranh đòi nữ quyền, trợ cấp y tế và phúc lợi cho người nghèo. Tầng lớp công nhân thành thị tôn sùng Evita, họ xin cả tòa thánh Vatican phong thánh khi bà mất năm 33 tuổi vì bệnh ung thư.

Ngày đến Buenos Aires, vali của tôi nhẹ tênh, vậy mà ngày cuối trước khi về, nó đã nặng trĩu với những món quà lưu niệm, rượu vang và các mặt hàng làm bằng da bò mua được ở Phố Forida. Buổi tối cuối cùng, tôi diện bộ đồ đẹp nhất để vào xem diễn tango chia tay Buenos Aires. Ngồi thả mình cùng điệu nhạc trữ tình thường viết về những tình yêu đã mất, những mong ước không trọn vẹn... là một kỷ niệm khó quên về Argentina. Tôi thích thú ngắm những bước đi lả lướt kèm những đoạn dừng thật ấn tượng của các vũ công, thích ngắm những gương mặt thoáng buồn dường như họ đang về những trăn trở trong tình yêu.

Nếu ví Paris như một phụ nữ sang trọng và kiêu sa thì Buenos Aires là một típ phụ nữ khác, giản dị và đằm thắm. Xin mượn câu viết trên mộ của Evita thay cho lời kết, “... Argentina Tôi vẫn mãi ở bên bạn”, mãi trong tâm trí của du khách như chúng tôi.

LƯU ĐÌNH THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên