![]() |
Minh họa: Mặc Tuân |
Chắc thầy Thức nói thế cho chúng tôi tập trung vào thi cuối cấp và đại học đó thôi. Sau khi là SV rồi ra trường đi làm và cho đến mãi bây giờ, tôi thấy tuổi học trò có nhiều kỷ niệm nhất, ngôi trường PTTH Quế Sơn với tôi là thân yêu nhất.
Ngày đó chúng tôi đạp xe tới trường mười mấy cây số nhưng không ở trọ ngày nào. Đường đất khó đi, nhất là vào mùa mưa, có khi phải vác cả xe đạp mà lội bùn. Đường xa tôi hay bị trễ học. Đi trễ mà vô cửa trước sẽ bị cờ đỏ ghi sổ. Thế là phải vòng phía sau vào nhà chú Chín (ba của thằng bạn lớp tôi) gởi xe. Nhiều hôm trời mưa to bị trễ quá không dám vào lớp thì ngồi nhà chú chờ. Chú đem cờ tướng ra rủ đánh rồi cho ăn cả đường rút mật ngọt lịm (vợ chú làm nghề buôn đường tán). Chờ cho hết tiết chui hàng rào xương rồng qua trường rồi trèo cửa sổ nhảy vô lớp.
Hai lần nhảy cửa sổ đáng nhớ nhất trong đời tôi. Cửa sổ lớp tôi cao, đứng với cũng chưa tới nên không nhìn thấy bên trong. Lần đầu nhảy vô lớp lúc giáo viên chủ nhiệm vẫn còn ngồi đó chứ chưa ra. Lần thứ hai thấy giáo viên đi ra sân rồi liền nhảy vô, chẳng may gặp phải giáo viên tiết sau... vô sớm quá!
Tôi sinh ngày sao Rua nở nên ngại trời mưa. Trời mưa thường có sét đánh nên tôi ở nhà mang chén cơm để sẵn vì nghe người ta nói trời đánh tránh bữa ăn. Sức khỏe kém nên tuần nào tôi cũng nghỉ học ít nhất một buổi. Có lần tôi ở nhà gần cả tuần. Khi thầy dạy toán gọi lên bảng kiểm tra, thằng Vinh ngồi cạnh dúi cuốn vở cho tôi nhưng chữ nó đâu giống chữ tôi nên tôi chỉ đi tay không. Cũng may tôi trả lời lý thuyết và làm bài tập được. Thầy hỏi vở đâu mà học, tôi trả lời em học trong... sách.
Thầy Hiền chủ nhiệm cho tôi mượn sách để học, lại xin miễn giảm học phí cho tôi. Mấy đứa bạn nói nên cho tôi đóng... 8 tháng học phí là được rồi vì tính ra cả năm tôi đến trường chưa đầy 8 tháng!
Lần sắp hàng dưới cờ buổi đầu tiên, thấy đứa bạn không đứng thẳng hàng nên tôi bảo: "Cái con nhỏ này nó... lé”. Cô bạn quay lại nhìn. Cô bạn không phải bị lé mà... mắt lớn mắt nhỏ. Ý tôi nói lé là sắp không thẳng hàng chứ đâu ngờ. Tôi hoảng hồn vì đã lỡ lời. Sau này trước khi nói, tôi uốn lưỡi đến... bảy lần.
Trường tôi học có cây xà cừ rất to, tỏa bóng mát một quãng sân rộng. Chúng tôi cứ dựng xe quanh gốc cây mà không sợ bị nắng làm cho xì "láp xe độp". Cũng vì bóng cây xà cừ xanh ngắt mà tôi ngồi nghe giảng bài vừa dòm ra cửa sổ. Hôm sau bị thầy Thống gọi lên dò bài, tôi ngạc nhiên hỏi lại rằng thầy mới kiểm tra em hôm qua mà. Thầy không nói lý do nhưng tôi chợt nhớ là tại hôm qua tôi nhìn trời qua cửa sổ làm thơ chứ không lo chép bài.
Lần tập thể dục dưới một bóng cây xà cừ khác, thầy Phương hô: "Hai hai ba bốn, năm sáu bảy tám..." cho động tác vươn thở. Tôi tập được một chút xíu rồi đứng im. Thầy hỏi sao không tập mà đứng im, muốn bị đuổi khỏi lớp hả. Tôi đáp rằng thầy hô nhanh quá em... thở không kịp, thầy mới chịu tha cho.
Còn lần thi tốt nghiệp môn văn, trong đó phần tiếng Việt có yêu cầu chép một đoạn thơ. Lúc đi vệ sinh ngoài cánh rừng tôi bỗng nghe có tiếng đọc thơ: "Bên kia, bên kia sông Đuống. Quê hương ta lúa nếp, lúa nếp, thơm nồng. Tranh Đông Hồ...". Thì ra là thằng Sang, đang thi mà sao học bài thế này? Khi thuộc đoạn thơ rồi nó liền chạy vô và bảo: "Bài thơ hay thiệt". Trời đất! Khi đi thi mới chịu học bài, mới thấy được thơ hay!
Cứ mỗi hè và những ngày đầu năm mới, những học trò cũ kéo về trường họp lớp, tụ tập quanh các gốc cây xà cừ hàn huyên đủ chuyện. Ngày họp lớp rất thiêng liêng vì những người học trò đi xa quê hương lâu ngày háo hức được gặp mặt bạn bè, thăm lại trường xưa. Trò cũ ra trường lâu, còn dắt vợ chồng con cái theo. Có những bạn bè ở xa theo bạn đến họp lớp làm quen nhau rồi nên duyên bền chặt.
Còn những đứa học trò chúng tôi đi xa, khi có dịp ngồi lại cùng nhau ở bất kỳ nơi đâu đều hát bài Quế Sơn quê mình của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm để nhớ trường, nhớ quê.
Áo Trắng số 16 (ra ngày 1-9-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận