Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Loại phương tiện vận chuyển rặt nhà nông này rất đơn giản, được đóng bằng tre hay ván gỗ bởi chính tay người có đôi trâu cày chứ không cần phải nhờ đến một tay thợ mộc lành nghề nào. Cộ trâu có hai thanh gỗ làm đế, giống như một loại ván trượt cong lên hai đầu, giữ chặt bằng hai thanh gỗ khác, ngắn hơn ở phần đầu cộ và đuôi cộ nêm mộng hay đóng đinh, trên lót tấm vạt tre hay một miếng ván gỗ lớn, hoặc bằng 3-4 miếng ván gỗ nhỏ ghép lại.
Cộ trâu hình chữ nhật, ngang 1m, dài 1,5m hoặc lớn hơn nữa tùy ý, đầu cộ có một cái “ngàm” để móc một thanh trục bằng gỗ tròn vào “ách” đôi trâu cày kéo đi. Tất nhiên cộ trâu dùng để chở mạ cấy, từ chỗ ruộng nhổ mạ tới ruộng cấy hoặc chở lúa gặt tới chỗ đập bồ hoặc nếu không đập lúa tại ruộng thì chở lúa gặt thẳng về sân nhà đạp bằng trâu. Tuy nhiên chiếc cộ trâu còn là phương tiện vận chuyển cơ động để chở những thứ khác như chở lúa bao đi chà máy, chở mía đi ép đường, chở củi và có khi chở cả… học sinh đi tới trường học xa.
Điểm đặc biệt của chiếc cộ trâu khi đi trên đường lộ luôn để lại hai vết hằn trên đất, cát kéo dài suốt lộ trình vận chuyển.Khi đi trên ruộng liền cũng để lại hai vết hằn sâu vào bùn đất và khi phải vận chuyển qua một chướng ngại vật như bờ đê thì người điều khiển không còn cách nào khác là phải… cuốc luôn một khoảng bờ đê tạo thành khoảng trống cho chiếc cộ đi qua. Một điểm đặc biệt nữa là tùy theo công việc nặng nhẹ mà cộ được kéo trâu đôi hay trâu chiếc, và có lẽ công việc nhẹ nhất của nhà nông là khi dùng cộ trâu để… kéo rơm từ ruộng về chất thành đống trong sân nhà dự trữ sau vụ đập lúa dành cho trâu, bò ăn thay cỏ tươi khi mùa nắng tới.
Tuổi thơ tôi ở một góc làng quê gần như gắn liền với chiếc cộ trâu. Nhà tôi không nuôi trâu nên không có cộ trâu, nhưng nhà mấy thằng bạn học chung xóm, chung trường thì có. Vào hai thời vụ của mùa lúa, lúc nhà bạn tôi nhổ mạ chở giao cho công cấy, tôi luôn tình nguyện phụ giúp nó cột mạ lại thành “bó” chất lên cộ trâu để được… ngồi lên cộ trâu đi ngao du khắp đồng ruộng đang no nước chuẩn bị cho vụ mùa. Không gì vui thú hơn được ngồi trên chiếc cộ trâu, cổ quàng cây súng cao su, tức chiếc nạng thun bắn đạn đất sét, trong lúc cộ trâu lướt trên bùn lầy đang dậy lên hương thơm đất mới, của cỏ ải, của mưa nắng trộn lẫn nhau thành mùa màng rộn rã, bất ngờ phát hiện một cánh cò vừa đáp xuống bờ đê, mép ruộng tìm thức ăn, tôi vội rút ná thun tra viên đạn đất sét bắn vèo một phát. Suốt một buổi theo cộ trâu, thế nào tôi cũng thu được một xâu “chiến lợi phẩm” nào cò, cu đất, sáo trâu…, để trưa đó tôi và đứa bạn có một bữa tiệc thịt chim nướng lửa rơm giữa cánh đồng ngon tuyệt, không cao lương mỹ vị nào bằng.
Nhưng thú vị nhất là vào vụ gặt lúa chín đập bồ tại ruộng được theo cộ trâu chở lúa giao cho thợ đập, lúc này tôi thay chiếc ná thun quàng trên cổ bằng cây chĩa ba mũi làm từ ba cây căm xe đạp mài nhọn đầu có cán bằng đoạn trúc vừa tầm để phóng. Ngồi trên cộ trâu đang lướt trên ruộng nước lấp xấp có những toán thợ đang cắt lúa, bất ngờ phát hiện chú cá lóc đang quẫy bùn hay cả gia đình chuột đồng bị “động ổ” kéo nhau chạy trốn, tôi lập tức phóng chĩa và ít khi… sẩy con mồi đang sát bên đường cộ chạy. Chuột nướng mọi và cá lóc nướng trui chấm muối ớt ăn giữa đồng, bên một con cúi cuộn khói rơm un muỗi được xem như bữa tiệc dân dã nhớ đời mà khi lớn khôn, rời quê hương lên thành phố, bôn ba hết một thời thanh niên đến tận bây giờ tôi vẫn chưa được ăn món nào ngon như thế.
Nhưng nhớ nhất vẫn là cái thú được ngồi cộ trâu. Dẫu từng đi ôtô máy lạnh, tàu hỏa xuôi Nam - Bắc, ngồi trên máy bay Boeing hiện đại tận chín tầng mây, hoặc tàu cánh ngầm từ sông Sài Gòn ra biển Đông, tôi vẫn thấy chiếc cộ trâu ghi đậm dấu ấn kỷ niệm một thời tuổi thơ tuyệt vời nhất, khó quên nhất. Nếu tuổi thơ đã cho ta một thứ hồn vía gắn với quê làng và đó là hạnh phúc của tháng năm đẹp nhất đời người, thì đối với tôi chiếc cộ trâu là hình ảnh, một thứ “hia bảy dặm” để đưa ta về lại với tuổi thơ, sống lại với hạnh phúc hồn nhiên, ngọt ngào nơi một góc làng quê yêu dấu ấy.
Tiếc thay trẻ con thành phố hầu như không biết được chiếc cộ trâu, ngay như trẻ con thôn quê bây giờ cũng không thấy chiếc cộ trâu vì đã thay bằng xe công nông. Đó phải chăng còn là thiệt thòi cho thế hệ con em chúng ta khi mai này không còn hình dung được một thứ kỷ niệm nào đó nơi một góc làng quê đã ngày càng xa mờ trong nhịp sống ồn ã, quay cuồng theo dòng chảy sôi động của cuộc sống đuổi theo sự nghiệt ngã, làm tâm hồn ta chai cứng, trơ dần những kỷ niệm tuổi thơ?
Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận