Phóng to |
Đi cáp treo lên núi Bà Đen |
Thoáng chốc, mây như chiếc khăn voan mỏng choàng quanh đỉnh núi. Rồi mây biến thành chiếc nón trắng cho núi thêm một nét duyên. Có lẽ không ở đâu núi có những sắc thái và hình dạng như núi ở đây. ở Tây Ninh, mỗi khi đi xa về đã thấy núi như xa, như gần phía trước mặt. Nhà ở quay về hướng núi, mỗi sáng mai thức dậy, mở cửa ra là thấy núi, gặp núi. Một núi, cô đơn, đơn chiếc.. cho dù quần thể núi còn có núi Phụng, núi Heo... Nhưng người ta vẫn chỉ nhớ có núi Bà Đen, với tên chữ là Vân Sơn, hay dân dã mộc mạc là núi Một...
Trong cả vùng Đông Nam bộ, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất, với độ cao 986m so với mực nước biển, cũng đủ là niềm tự hào của người dân Tây Ninh, khi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, núi Bà còn là khu căn cứ của cách mạng và là nơi thờ phụng tín ngưỡng của người dân.
Núi Bà Đen linh thiêng, được người dân cả nước đến viếng, cầu xin may mắn, hạnh phúc bởi núi gắn liền với nhiều truyền thuyết và huyền thoại, đặc biệt là sự tích “Linh Sơn Thánh Mẫu”, người con gái Lý Thị Thiên Hương, hay còn gọi là Bà Đen, gắn liền với tên núi. Cùng với những kỳ quan của thiên nhiên, núi còn có những kỳ quan nhân tạo như suối Vàng, hang Gió, động Kim Quang, động Ba Cô, động ông Tà, Linh Sơn Tiên thạch động...
Khách thập phương hành hương về với núi Bà, vui lây và tự hào về những cái “nhất” ở Tây Ninh: vùng đất thánh của đạo Cao Đài (Tòa thánh Tây Ninh), thánh địa của cách mạng (căn cứ Trung ương Cục), hồ lớn nhất nước (hồ Dầu Tiếng), cáp treo, máng trượt đầu tiên của cả nước... và náo nức muốn đi thăm tất cả, thử đi cáp treo, máng trượt, lướt cùng với mây, gió, quên đi những bụi đường, mệt nhọc đường xa...
Hãy để cho những cô, những cậu tuổi trẻ sung sức, mạnh tay, mạnh chân, thử tìm cảm giác mạnh trên những máng trượt inox. Ta cứ chầm chậm leo từng bậc đá mà lên với núi. Mệt đâu nghỉ đấy. Tay cầm tay, vai kề vai mà dìu nhau lên suốt cuộc hành trình bậc bậc, tầng tầng. Nghe hơi núi đá lạnh mát dưới chân và sau lưng...
Hay là muốn tìm một... khoảng không cho lứa đôi ngồi ngắm mây trời và nhìn mặt đất dưới độ cao hàng trăm mét, đỡ phải leo trèo vất vả, thì đây những cabin cáp treo sẵn sàng đón mời và phục vụ.
Hỏi thăm Công ty Cổ phần cáp treo núi Bà Tây Ninh, cơ quan chủ quản hiện nay của các phương tiện cáp treo, máng trượt, thì được biết: Năm 1996, dự án trạm xe điện cáp treo núi Bà Tây Ninh được Công ty Du lịch tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư xây dựng. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng chính thức ngày 8-3-1998. Hệ thống cáp treo núi Bà có chiều dài 1.225m, cao độ giữa hai nhà ga là 225m, với tổng số trụ tháp là 16 trụ.
Hiện có 180 cabin, vận tốc di chuyển trung bình của cabin là 18 phút/ 1 lượt lên hoặc xuống. Công suất phục vụ là 500 lượt/giờ. Như vậy chỉ cần tốn khoảng thời gian chừng 20 phút trên cabin cáp treo là ta có thể lên hay xuống núi Bà.
Không còn cảm giác mệt mỏi, chen lấn, dìu nhau lên từng bậc, cái cảm giác gần gũi, thú vị trong cùng một chỗ ngồi, ấm áp của một căn... phòng nhỏ, nhìn ra phía ngoài xa kia, những kỳ hoa dị thảo, ánh nắng vàng nhẹ của buổi sáng mai như chưa xua hết hơi sương, hơi núi, bảng lảng, chập chờn trên từng phiến lá non xanh mềm mại.
Có lẽ mỗi thời khắc ngồi trên cabin lên núi biến ảo theo thời tiết và khí hậu. Xa tít dưới chân núi là những ô vuông của đồng ruộng, xanh đến mơ màng trong mắt nhau. Dường như tai nghe cả tiếng sóng vỗ mơ hồ từ đâu vang vọng. Khói nước lòng hồ hay khói nhang của những người đi lễ núi cứ vương vấn, quyện vào không khí. Mây hay sương như nâng nhẹ cả xác thân phàm trần. Lòng bỗng tưởng tượng bao điều kỳ thú. Đây có phải là hội “Bàn đào”, mà ta là quần tiên đang trẩy hội? Mây lành trong bước “Cân đẩu vân” xưa xa? Lờ đờ mây bên khung cửa kính.
Và cái với tay nhẹ, mây len vào trong tay, cầm mây trong tay mà như cầm mảnh lụa tinh khiết trắng ngần. Muốn tự tay quàng lên cổ người bạn đồng hành dấu yêu mà chỉ sợ dải lụa kia tan biến mất. Cõi thần tiên chắc cũng chỉ bấy nhiêu?
Người đi ở phía dưới chân núi, cần mẫn, miệt mài. Cái cõi thiêng của một góc tâm linh đến lạ. Núi Bà Đen, hằng năm đón hàng triệu lượt du khách. Người ở Nam kỳ lục tỉnh. Người ở miền Trung, miền Bắc xa xôi... Và cả người nước ngoài. Họ đến với núi Bà Tây Ninh không chỉ là hành hương hay tìm về nguồn cội. Mà muốn thử một lần làm “người thần tiên” lên với gió mây chăng?...
Áo Trắng số 16(số 102 bộ mới) ra ngày 15/08/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận