15/02/2009 08:21 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á: Tìm lại đồng minh

HẢI MINH
HẢI MINH

TT - Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Clinton được giới quan sát nhận định là “nhiều tín hiệu nhưng ít sự kiện”.

RS0ZBuyA.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Hillary Clinton nói chuyện ở Asia Society - Ảnh: Reuters
TT - Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Clinton được giới quan sát nhận định là “nhiều tín hiệu nhưng ít sự kiện”.

Hôm nay (15-2), bà Hillary Clinton lên đường thực hiện chuyến công du đầu tiên ở cương vị ngoại trưởng Mỹ, với các điểm dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia. Giới quan sát cho rằng những thông điệp phát ra từ chuyến đi này khẳng định châu Á có ý nghĩa quan trọng với Mỹ, và Washington cam kết giữ vai trò lớn hơn tại khu vực trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu châu Á Asia Society ở New York trước khi lên đường, bà Clinton đưa ra lời đề nghị với CHDCND Triều Tiên về hòa ước, bình thường hóa quan hệ và trợ giúp kinh tế để đổi lấy việc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân. CNN gọi đây là hành động “vừa dẫn dụ vừa răn đe” đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bà Clinton cũng cảnh báo: hi vọng CHDCND Triều Tiên sẽ không có những hành động “khiêu khích” khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Chọn thời điểm công du trước khi chính quyền Obama hoàn tất chính sách đối với châu Á, bà Clinton muốn xác lập thái độ về một cuộc đối thoại cởi mở và minh bạch với những đồng minh của Mỹ. Chuyên gia nghiên cứu Đông Bắc Á Bruce Klingner nhận định sứ mệnh của bà Clinton là lấy lại lòng tin từ các đồng minh vốn bị chọc giận sau khi chính quyền Bush vì quá hăng hái đạt cho được mục tiêu thúc đẩy Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân mà từ bỏ những chiến lược quan trọng ở khu vực này. Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho biết một phần nhiệm vụ của bà Clinton còn là đảm bảo với Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Mỹ sẽ không “đi đêm” với CHDCND Triều Tiên.

Trong lịch trình của bà Clinton sẽ có cả cuộc gặp thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập ở Nhật Bản hiện nay, ông Ichiro Ozawa, một động thái mà AFP bình luận có thể làm phật lòng chính quyền đang lung lay của Thủ tướng Taro Aso. Reuters dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói Nhật Bản và Mỹ cũng sẽ xem xét ký một thỏa thuận đưa 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Guam sang đảo Okinawa, nơi hiện có 50.000 lính Mỹ đồn trú.

Trong bài phát biểu của mình, bà Clinton nhấn mạnh sẽ hợp tác tích cực hơn với Trung Quốc và không coi nước này là một địch thủ. “Nhiều người tin rằng khi Trung Quốc phát triển, họ sẽ trở thành một địch thủ (của Mỹ). Ngược lại, chúng tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể hưởng lợi từ nhau và cùng góp tay xây dựng cho sự thành công của mỗi nước”. Bà tiết lộ rằng vào cuối tháng này Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán quân sự mà Bắc Kinh ngưng lại sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Người phó của bà Clinton, ông Jim Steinberg, nói thêm với AP rằng Mỹ coi Trung Quốc là “một nhân tố chủ chốt, không chỉ những vấn đề trong vùng mà trên toàn cầu”. Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cẩn thận không để mất lòng đồng minh số 1 của Mỹ ở Đông Á là Nhật Bản với việc nhấn mạnh đó là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của bà Clinton. “Quan hệ đồng minh với Nhật Bản là nền tảng cho chính sách của Mỹ ở châu Á” - ông Steinberg trấn an Tokyo.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên