15/06/2009 16:04 GMT+7

Ngô Phan Lưu: Cây bút nghe có vẻ sạch sẽ hơn nhà văn

Theo NGUYỄN THANH BÌNH - Tiền Phong
Theo NGUYỄN THANH BÌNH - Tiền Phong

Mới đây, ở tuổi 63, “lão nông” Ngô Phan Lưu đã có thêm tập sách thứ tư Xoa tay và cười (NXB Văn Học & Nhã Nam). Nhân dịp này, từ Hà Nội chúng tôi có cuộc trò chuyện qua email với ông.

rH9h9uRY.jpgPhóng to
Tác giả Ngô Phan Lưu - Ảnh: Áo Trắng
Mới đây, ở tuổi 63, “lão nông” Ngô Phan Lưu đã có thêm tập sách thứ tư Xoa tay và cười (NXB Văn Học & Nhã Nam). Nhân dịp này, từ Hà Nội chúng tôi có cuộc trò chuyện qua email với ông.

Theo dõi cuộc trò chuyện này, hi vọng độc giả sẽ có những suy nghĩ khác nhau về một người viết đặc biệt.

“Cười chính mình cùng lúc với cười người khác”

* Thưa nhà văn, trước hết xin chúc mừng ông với cuốn sách Xoa tay và cười. Xin hỏi, cảm giác của ông lần này có khác với những lần trước?

- Rất cảm ơn lời chúc mừng của ông. Cảm giác mấy lần trước vui lắm, còn lần này niềm vui lại gấp bội, vì có lẫn sự chờ đợi những đánh giá của bên ngoài. Như thế có nghĩa là quyển này tôi xem có nặng ký hơn.

* Với người sáng tác, mỗi trang viết đều là một ngụ ý. Đọc văn của ông, người đọc càng dễ nhận ra điều đó. Khi quyết định chọn tên truyện Xoa tay và cười để đặt chung cho cả tập, hẳn đó cũng là một thông điệp ông muốn nhắn gửi?

- Thì đấy. Thông điệp “xoa tay và cười”.

* Tiếng cười ấy là tiếng cười của một người viết văn, hẳn vậy. Nhưng nó có giống tiếng cười của một lão nông trúng mùa không, thưa ông?

- Tiếng cười này là hậu quả dính liền gần như đồng bộ của việc xoa tay. Do đó, tiếng cười này không hẳn là tiếng cười trúng mùa của một lão nông, cũng không hẳn là của người viết văn, mà là tiếng cười của một người vừa xong một công việc chả ra cái thể thống gì, nhưng dù sao cũng xong rồi, êm xuôi cả. Tiếng cười này bay vơ vẩn một chặp rồi đáp ngay vào người đẻ ra nó, để chấm dứt cái xoa tay. Tiếng cười này mới ngó tưởng chỉ cười người khác, nhưng hóa ra lại cười chính mình cùng lúc với cười người khác.

“Làm ruộng khó khăn hơn viết văn”

* Tôi vẫn muốn hỏi ông duyên cớ nào khiến ông bước chân vào chốn văn chương?

- Tôi được cha mẹ cho đi học hành tử tế và đã mê văn chương từ nhỏ, nay già rồi, lường khả năng mình có thể viết được thế là viết cho vui mà cũng nhân đó kiếm chút tiền. Thế là tôi sa chân vào chốn văn chương. Còn đợi chết rồi mới viết, đầu và tay đâu mà viết!

* Vậy kiếm tiền bằng viết văn có dễ chịu hơn so với làm ruộng không, thưa ông? Ông có thể đưa ra một vài so sánh về sự giống và khác nhau giữa hai công việc: làm ruộng và viết văn?

- Tôi thích gọi viết văn là cày văn, bởi tôi gốc nông dân. Cày văn là cày vào chính mình. Thu nhập có dễ thở hơn. Cày vào chính mình dĩ nhiên phải chịu đau cho giỏi nên tiền cũng khá hơn.

* Có vẻ công việc viết lách với ông… không khó lắm? Giữa hai việc cày đó, việc nào ông cảm thấy khó khăn, lao tâm khổ tứ nhiều hơn?

- Theo tôi, làm ruộng khó khăn hơn viết văn rất nhiều. Làm ruộng không những khổ nhọc mà còn lo lắng trăm bề. Làm văn thì có gì mà khó với khổ. Sa vào làm văn thì thế nào cũng rớt vào bốn hạng: một là hay, hai là dở, ba là vừa hay vừa dở, bốn là muốn dở thì dở, muốn hay thì hay. Vấn đề là mình muốn nằm vào hạng nào, đó là cái khó. Nhưng làm ruộng lại không như thế. Đối mặt với thiên nhiên vô tâm và to lớn, nông dân không lung tung được.

* Ông thấy mình lọt vào hạng nào?

- Lọt vào hạng hay... nhưng chỉ chút chút.

“Cây bút nghe có vẻ sạch sẽ hơn nhà văn”

Năm 2007, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn cho truyện ngắn Cơm chiềuBuổi sáng biến mất của tác giả Ngô Phan Lưu - một cái tên mới mẻ.

Điều đặc biệt thú vị, tác giả của những truyện ngắn ấy là một lão nông ở đồng đất Phú Yên đã ở tuổi lục tuần. Kể từ đó đến nay, cái tên Ngô Phan Lưu đã không “biến mất” như nhiều trường hợp.

Những truyện ngắn và tạp văn trong Xoa tay và cười hầu hết được Ngô Phan Lưu viết trong thời gian gần đây.

* Nghệ sĩ Mạc Can rẽ ngang vào văn chương ở độ tuổi 60 và được gọi là “nhà văn trẻ”. Ông thì đến với văn chương ở độ tuổi 50 sau khi đã là một nhà nông chính hiệu. Thưa ông, bây giờ sau khi đã giành được giải thưởng báo Văn Nghệ, có trên tay mấy tập sách, ông thích người đời gọi mình là gì? Lão nông viết văn? Nhà văn hay nhà văn trẻ Ngô Phan Lưu?

- Gọi ông Mạc Can là “nhà văn trẻ” là người ta gọi khôi hài. Tôi nghĩ là họ vì vui vẻ, yêu mến mà vô tình xúc phạm ông ta. Quả là chán phèo! Người ta muốn gọi tôi là gì thuộc quyền của họ. Tôi đều chấp nhận và không ý kiến. Nhưng ông hỏi tôi thích người ta gọi gì, tôi thích người ta gọi tôi là “cây bút” hơn gọi là “nhà văn”. Cây bút nghe có vẻ sạch sẽ hơn nhà văn.

* Vậy nhà văn dường như có vẻ không sạch sẽ lắm dưới mắt ông? Xin ông lý giải?

- Việc này rõ như ánh sáng ban ngày còn lý giải cái gì nữa. Nhà văn là một sinh vật, luôn ăn uống, luôn bài tiết. Một ngày không làm vệ sinh là hôi hám. Chết xuống mà không chôn là chẳng ai chịu nổi. Còn cây bút có thế không? Giắt bút vào nắp túi áo một năm vẫn không dơ áo cơ mà. Đấy là chưa nói về mặt tinh thần, nhà văn có thể nghĩ chuyện dơ dáy trong đầu, còn cây bút nó đâu có thế.

“Nhiều người họ tệ lắm! Còn dưới mắt họ, tôi cũng tệ lắm!”

* Những dòng cuối trong cuốn Xoa tay và cười, ông viết: “Dấn thân vào con đường gian truân này tôi ít quan tâm chim kêu, hoa nở, gió mát, trăng thanh... Tôi dành chú tâm nhiều vào con người, đặc biệt tâm tính con người! Việc này không quan tâm không được bởi tôi là đồng loại. Nhiều người họ tệ lắm! Còn dưới mắt họ, tôi cũng tệ lắm!”. Liệu có bi quan không, thưa ông?

- Việc “nhiều người họ tệ lắm. Còn dưới mắt họ, tôi cũng tệ lắm…” thì rành rành ra đấy, sao gọi là bi quan? Thế việc ấy phải gọi lạc quan à? Không bi quan, không lạc quan gì cả, tôi chỉ nhìn thẳng vào và nói trắng ra chỉ được một phần mười so với thực tế. Thực tế kinh khủng hơn nhiều. Kinh khủng tới mức không thể tưởng tượng nổi đấy.

* Vậy xin hỏi, ông tệ như thế nào? Ông có vẻ là người thích trào lộng và giấu sự ngậm ngùi sau từng câu nói...

- Tôi sinh ra làm người là tôi phải “tệ”. Không có luật trừ. Thoát khỏi luật trừ có chăng là thánh và Phật. Tôi không “tệ” làm sao tôi sống nổi với vô số “tệ” xung quanh. Thì tôi cũng tham lam, ganh ghét, cũng ác, cũng ích kỷ… cũng “xấu” chứ chẳng đẹp gì. Tôi cũng ghét tôi chứ chẳng thương gì. Trong một truyện ngắn gần đây tôi có viết đại ý rằng: “Mình không hiểu được tiếng của loài vật, chứ nếu mình hiểu được chắc là sẽ nghe chúng mắng nhiếc lẫn nhau rằng: Mày là đồ con người. Mày là loại con người”. Con người là sinh vật ác hiểm đệ nhất trong muôn loài.

“Trở thành viết văn chuyên nghiệp, nghe có vẻ khôi hài”

* Khởi đầu công việc viết văn là viết trên giấy, sau đó ông quyết tâm viết trên máy tính. Ông còn sử dụng cả những tiện ích mà giới trẻ hay dùng là email và chat nữa. Sự thay đổi đó ở người tuổi xấp xỉ 60 quả không dễ? Ông đã vượt qua những thử thách đó như thế nào? Và giữa hai cách viết ấy, với ông, có khác nhau nhiều hay thậm chí làm tăng cảm hứng viết?

- Không giỏi nhưng có biết kha khá tiếng Anh, thế nên tôi tiếp cận với máy vi tính và Internet tương đối nhanh. Không có gì phải gọi là thử thách cả. Theo tôi, viết trên máy vi tính bài sẽ hay hơn viết tay trên giấy. Lý do là mình có thể sửa chữa thoải mái. Mình đâu phải thiên tài, thế nên càng sửa chữa nhiều càng hay.

* Ông muốn mình trở thành một người viết văn chuyên nghiệp?

- Trở thành viết văn chuyên nghiệp à? Nghe có vẻ khôi hài nhỉ. Việc chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp là do sức nặng của trí tuệ và áp lực bên ngoài, không phải cứ muốn là được.

* Trong cuốn sách mới, ông tâm sự: “Tôi bỏ cày, cầm bút để chất cao lo toan giữa bao lo toan chất đống. Có lẽ tôi chưa biết cách già. Và có lẽ số phận đánh lừa tôi…”. Có vẻ như ông đang sám hối?

- Tuyệt nhiên không có gì là sám hối ở đấy cả. Thời điểm tôi viết những câu đó là đúng tâm trạng của tôi tại thời điểm đó. Nhưng cuộc sống mỗi người là một chuỗi biến chuyển liên tục để vươn lên. Thế nên, nếu phát hiện được số phận đánh lừa tôi, buộc tôi phải đánh lừa lại số phận. Đơn giản vậy thôi.

* Tôi còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông có đưa ra một cách luyện viết văn rất riêng: mỗi tuần phải đọc kỹ mươi trang sách của các tác giả mình đã coi là bậc thầy. Khi đọc phải có tờ giấy trắng bên cạnh để vẽ sơ đồ biến chuyển suy tư của họ. Sau đó bỏ sách và coi sơ đồ... Thưa ông, bây giờ ông còn giữ thói quen ấy? Và cách luyện ấy đã giúp gì cho những trang viết của ông?

- Đúng là lúc ấy tôi đã luyện văn như thế. Và đã giúp ích rất nhiều. Nay tôi không luyện nữa. Không luyện lại cũng giúp ích tôi không kém vì tôi gặp lại được chính mình.

“Thấy nó quá ngắn, tôi ghi tạp văn. Thấy nó dài dài, tôi đề truyện ngắn”

* Thưa ông, vì sao cả hai tập sách gần đây là Cơm chiều (NXB Phụ Nữ) và Xoa tay và cười ông đều in kèm truyện ngắn và tạp văn? Phải chăng ông muốn độc giả có thể thưởng thức nhiều “món” của Ngô Phan Lưu? Hay là vì ông chưa tự tin khi cho truyện ngắn và tạp văn của mình đứng độc lập?

- Cái cách tôi viết truyện ngắn và viết tạp văn cũng giống nhau. Do đó, thấy nó quá ngắn tôi ghi tạp văn, thấy nó dài dài tôi đề truyện ngắn. Còn việc ông nghĩ tôi chưa tự tin khi cho truyện ngắn và tạp văn đứng độc lập là ông nghĩ lầm. Nhưng khi ghi riêng truyện ngắn và tạp văn lại có vẻ thành nhiều món thì việc này ông đã nghĩ đúng.

* Nhiều người viết từng phát biểu rằng văn chương với họ là một cuộc chơi. Ông thì sao?

- Coi văn chương là cuộc chơi là coi thường văn chương và coi thường cả người làm văn chương. Theo tôi, văn chương là cuộc thám hiểm con người và thám hiểm cuộc sống. Tại sao phải thám hiểm? Tại vì trong vạn vật chỉ có con người là kỳ lạ bậc nhất. Không có động vật nào kỳ lạ hơn. Thế nên cuộc sống của động vật kỳ lạ ấy dĩ nhiên cũng kỳ lạ bậc nhất. Mà đã kỳ lạ ắt phải thám hiểm.

“Giải thưởng của báo Văn Nghệ không phải là gánh nặng”

* Ông có nghĩ rằng đoạt giải thưởng văn chương của báo Văn Nghệ cũng như một “vòng nguyệt quế” đã quàng vào cổ mình? Đồng nghĩa là một gánh nặng cần phải vượt qua?

- Giải thưởng của báo Văn Nghệ không phải là vòng nguyệt quế, lại càng không phải là gánh nặng. Nó là bệ phóng. Đã đứng được vào nó mà chỉ để chụp hình rồi đi xuống, không phóng là uổng, là dở. Thế thôi.

* Thưa, ông từng nói đại ý rằng ông không bất ngờ khi truyện ngắn của mình được giải thưởng. Có phải cái nghề thầy thuốc do cha truyền lại đã khiến ông “bắt mạch” được văn chương của mình, và nói rộng ra là “bắt mạch” được cả các cuộc thi văn chương?

- Tôi đọc rất nhiều danh phẩm, trong nước và cả ngoài nước, tôi hiểu được giá trị của nó. Từ cơ sở đó, tôi viết mà tôi đọc thấy hay là tôi vững tin mình có giá trị. Tôi chỉ bắt mạch mình, tôi không bắt mạch cuộc thi.

* Vậy khi xuất bản cuốn sách Xoa tay và cười, ông đã “bắt mạch” được bạn đọc chưa? Và là một người chăm chỉ tham gia các cuộc thi, liệu sắp tới ông “bắt mạch” mình còn đoạt giải thưởng trong cuộc thi nào?

- Tôi viết không phải để làm vừa lòng bạn đọc mà trước hết là vừa lòng tôi. Dĩ nhiên, tôi phải bắt mạch mình có khỏe không trước khi dự thi, nhưng đôi lúc có thể mạch nhảy bá láp nên thi hỏng là chuyện bình thường. Nhưng có vẻ như ông tin vào chuyện bắt mạch hơn là chuyện tài năng?

* Trong cuộc đời mình, ông đã làm qua nhiều công việc: từ bốc thuốc, làm ruộng, thợ chụp hình. Văn chương liệu đã phải là “ga cuối”?

- Từ bốc thuốc, làm ruộng, chụp hình, rồi văn chương... Vậy tại sao văn chương lại là ga cuối? Cuộc sống với những phức tạp của nó đưa đẩy, dĩ nhiên phải còn biến chuyển nữa... Biến chuyển chừng nào xuống lỗ mới thôi.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo NGUYỄN THANH BÌNH - Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên