28/03/2006 22:12 GMT+7

Ngộ độc vì... tắm nước nóng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Ca ngộ độc khí hyđrôcacbon do dùng bình nóng lạnh bằng khí gas mà trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ngày 26-3 là lời cảnh báo cho những hộ gia đình sử dụng bình nóng lạnh đốt nóng bằng gas mà điều kiện không khí không bảo đảm an toàn.

AmoIAYyc.jpgPhóng to
Dung và Tú Anh đã hồi phục sau tai nạn.
TTO - Ca ngộ độc khí hyđrôcacbon do dùng bình nóng lạnh bằng khí gas mà trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ngày 26-3 là lời cảnh báo cho những hộ gia đình sử dụng bình nóng lạnh đốt nóng bằng gas mà điều kiện không khí không bảo đảm an toàn.

Nạn nhân là hai chị em họ Hoàng Thị Tú Anh (13 tuổi) và Trần Thanh Dung (10 tuổi), trú tại số 11, ngõ 392 Tây Sơn, Hà Nội. Vào hồi 13h30 phút ngày 26-3, hai chị em Tú Anh, Dung cùng vào tắm trong phòng có bình nóng lạnh sử dụng khí gas. 15 phút sau, gia đình không nghe thấy tiếng hai cháu nói chuyện liền mở cửa nhà tắm thì thấy cả hai đã bất tỉnh, người mềm nhũn, trong phòng sặc mùi khí gas. 20 phút sau, hai em được chuyển vào trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai trong trạng thái lơ mơ, da tím tái.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trung tâm chống độc, cho biết bản chất của ca ngộ độc này là do khí hyđrôcacbon với độc tính chiếm chỗ ôxi trong môi trường khép kín. Là khí gây ngạt đơn thuần, nhưng nếu kéo dài, cơ thể sẽ thiếu ôxi trầm trọng, những trường hợp nặng, sau khoảng 5 phút có thể dẫn đến tử vong. Do đó, không riêng gì bình nóng lạnh bằng khí gas mà các sản phẩm có sử dụng bình gas, khí gas khách cần phải kiểm tra thường xuyên, phát hiện sớm hiện tượng rò rỉ khi thấy bắt đầu có hơi ga mạnh hơn thông thường, chú ý tiếng lì xì nhỏ phát ra từ các đường ống dẫn.

Trung tâm chống độc cũng đã từng tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc do bí khí. Trường hợp xuống hầm sâu, khơi giếng mà giếng lâu không dùng hay xuống hang sâu mà ít người xuống... có nguy cơ ngộ độc rất lớn.

Tốt nhất là bơm khí ở những môi trường yếm khí, xuống giếng sâu lâu ngày không dùng đến thì lấy cành cây gạt đi, gạt lại cho thông khí trước.

Trường hợp hai em Tú Anh và Dung mặc dù đã ra khỏi khu vực có rò rỉ khí gas hơn 20 phút mà người vẫn tím tái là do đã ngấm lượng khí độc khá lớn. Hai em được cứu sống một phần không nhỏ là do đã được sơ cứu tốt. Khi bị ngạt khí gas, quan trọng nhất là phải mở rộng các cửa cho không khí bên ngoài lùa vào, nhanh chóng đưa bệnh nhân ra ngoài môi trường thoáng khí, có gió. Trường hợp bất tỉnh, thở yếu thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo và chuyển ngay bệnh nhân đến đơn vị y tế gần nhất.

Có nên sử dụng bình nóng lạnh bằng gas?

Khi chúng tôi đến trung tâm mua bán thiết bị vệ sinh lớn nhất Hà Nội trên đường Cát Linh, bình nóng lạnh có dùng chất đốt làm nóng là gas xuất hiện ở hầu hết các cửa hàng, giá thành nhìn chung rẻ hơn loại bình nóng lạnh bằng điện. Bình nóng lạnh bằng điện 30lít có giá từ 1.500.000 đến 1.900.000 đồng, trong khí bình nóng lạnh bằng khí gas của Trung Quốc có giá 650.000 đồng, hàng cao cấp hiệu Glow của Hàn Quốc cũng chỉ có giá 1.350.000 đồng.

Tuy nhiên, theo anh Thanh Hải, chủ shop 27A Cát Linh, điểm hấp dẫn của loại bình nóng lạnh bằng khí gas là giá nhiên liệu sử dụng rẻ hơn nhiều, người dùng tiết kiệm được đến 40% chi phí. Loại bình này phổ biến ở các tiệm cắt tóc, gội đầu và một số khách sạn nhỏ. Đối với hộ gia đình thì phải bảo đảm điều kiện thoáng khí, có quạt thông gió mới nên lắp đặt thiết bị này.

Một thực tế là bình nóng lạnh thường được sử dụng khi trời lạnh, các phòng tắm quây kín gió, không bảo đảm an toàn với loại bình nóng lạnh bằng gas. Có một giải pháp khác là lắp thiết bị ở ngoài phòng tắm để tránh hiện tượng rò rỉ gas, “nhưng nút điều chỉnh lượng nước và nhiệt độ lại nằm trên chính thân bình, nên nếu đặt bình bên ngoài thì rất bất tiện”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên