08/10/2010 12:00 GMT+7

Nghiên cứu thành công tế bào gốc phôi nhân tạo

TIẾP TRƯƠNG (Theo Montreal Gazette, International Herald Tribune)
TIẾP TRƯƠNG (Theo Montreal Gazette, International Herald Tribune)

TTO - Trước những bất an xoay quanh tính hợp pháp và hợp y đức của việc lấy tế bào gốc từ phôi người, các nhà khoa học ở Boston, Mỹ đã thử nghiệm thành công một phương thức mới để có tế bào gốc phôi.

* Nghiên cứu tế bào gốc phôi gây tranh cãi tại Mỹ

6aU2Yo1G.jpgPhóng to

Tiêm RNA vào tế bào thường để đưa chúng về dạng gốc

Bằng cách sử dụng RNA (Ribonucleic Acid), họ có thể đưa các tế bào trưởng thành trở về dạng phôi gốc, rồi sau đó phân hóa thành các tế bào khác.

Kỹ thuật này thậm chí còn có thể biến tế bào biểu bì thành tế bào cơ bắp một cách trực tiếp.

Hướng đi này bắt đầu từ năm 2007 khi James Thomson thuộc Đại học Wisconsin-Madison và Shinya Yamanaka ở Kyoto thành công trong việc dùng virus cấy gene để đưa tế bào da người trở về tế bào gốc phôi. Kể từ đó các nhà khoa học khắp thế giới đã tìm kiếm những cách thức an toàn hơn.

Derrick J. Rossi, một giáo sư trợ giảng ở Đại học Y khoa Havard dẫn dắt chương trình nghiên cứu, công bố kết quả tuần trước trên tạp chí Cell Stem Cell. Ông nói hy vọng phương pháp mới sẽ được chấp nhận rộng rãi. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là loại bỏ những nguy hiểm do gene gây ra, thí dụ như gene có thể nhập luôn vào tế bào. Chỉ có một câu hỏi duy nhất: liệu tế bào gốc phôi nhân tạo có đầy đủ những tính năng ưu việt như tế bào gốc phôi tự nhiên do người mẹ tạo ra hay không?

Nhưng dù gì thì đây cũng là một bước tiến lớn lao. Chẳng những vậy nó còn thể hiện một ý tưởng thiên tài trong khoa học thực nghiệm.

Thông thường khi RNA đưa vào tế bào, tế bào sẽ xem nó như một dạng virus và triệu tập một phản ứng diệt virus, mà kết quả có thể làm cho chính tế bào đó cũng chết đi. Nhưng Rossi và cộng sự đã giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi RNA về mặt hóa học, tạo ra một sự ngụy trang hiệu quả.

“Họ đã giải quyết khó khăn một cách rất tài tình: chỉ một ít thay đổi trong cấu trúc hóa học”, Stephen Duncan, một chuyên gia tế bào gốc ở Đại học Y KHOA Wisconsin nói. “Việc này cũng giống như khoác lên nó một tấm áo tàng hình của Harry Potter và vượt qua hệ thống bảo vệ của tế bào”.

Một thành công khác của nhóm là họ đã tăng tỷ lệ thành công lên đến 100 lần so với các nhóm khác. Tỷ lệ của họ mặc dù vậy cũng chỉ ở mức 4,5%.

Chỉ có một khó khăn kỹ thuật là phải tiêm RNA mỗi ngày trong suốt từ hai đến ba tuần lễ. Ngoài ra, thay đổi RNA ra sao để không bị phát hiện cũng không hề dễ dàng.

Sheng Ding, một chuyên gia tế bào gốc khác nói đây là một công trình ấn tượng, nhưng còn quá sớm để khẳng định là khuôn mẫu cho các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Trong khi đó, khi đối mặt với câu hỏi liệu tế bào gốc phôi nhân tạo như vầy có thể nào sánh được tế bào gốc phôi tự nhiên hay không, Rossi nói rằng nhóm của ông đã sử dụng những tiêu chuẩn khắT khe, để đảm bảo rằng tế bào tạo ra có đầy đủ tính năng cần thiết để phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể.

Rossi nói sẽ có một ứng dụng tức thì cho kỹ thuật này. Nhóm của ông sẽ hợp tác với nhà nghiên cứu Douglas Melton thuộc Đại học Havard để tạo ra các tế bào sản xuất insulin. Sự mất đi của các tế bào này chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường loại 1.

Nghiên cứu tế bào gốc phôi có thể bị cấm ở Mỹ

Chỉ một năm sau khi được tổng thống Obama bật đèn xanh, ngành khoa học tiềm năng tế bào gốc phôi của Mỹ có thể chết từ trong trứng nước. Tháng 8 vừa rồi tòa án liêng bang thuộc quận Colombia phán xét chính phủ của ông Obama đã vi phạm luật cấm tài trợ cho “các nghiên cứu trong đó một hay nhiều phôi người bị hủy diệt, bị thải bỏ hay cố ý làm cho nguy hiểm, thương tật hay tử vong”.

IJxgggEk.jpgPhóng to
Tế bào gốc phôi

Từ đó đến nay số phận của 1.300 việc làm cũng như 200 dự án cứ đong đưa như sợi chỉ mành. Mới tuần trước chính phủ đã thắng phiên tòa phúc thẩm để tiếp tục tài trợ cho các dự án. Nhưng không ai biết những phiên tòa tiếp theo sẽ cho kết quả ra sao.

Có hai cách để lấy tế bào gốc. Một là từ phôi người, tức là trứng mới thụ thai chừng 4 hay 5 ngày tuổi và chỉ mới phân thành 50 tới 150 tế bào. Hai là từ người lớn ở các mô như tủy xương và máu cuống rốn. Tế bào phôi người có nhiều ưu điểm hơn nhờ khả năng phân hóa thành bất cứ loại tế bào nào. Nhưng nó cũng thách thức y đức hơn tất cả. Nhiều người tin việc hủy hoại và lạm dụng phôi người là một tội ác.

Tham vọng lớn lao của Viện Sức khỏe Quốc gia, với quỹ đầu tư lên đến 26 tỉ đô la, có thể không bao giờ chào đời.

TIẾP TRƯƠNG (Theo Montreal Gazette, International Herald Tribune)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên