![]() |
Nói chung, có thể tìm thấy rất nhiều ý kiến tranh luận với các câu hỏi khác nhau về vấn đề này. Do vậy, để đánh giá tình hình “NCKH trong SV”, chúng ta cần bắt đầu xem xét từ khái niệm căn bản: Thế nào là NCKH nói chung? NCKH trong SV có gì khác biệt? Mục tiêu chính của hoạt động này trong SV là gì?
Xét một cách nghiêm ngặt nhất, NCKH là công việc đi tìm lời giải thích và thực hiện các dự báo cho các câu hỏi mà khoa học và thực tiễn chưa có đáp án, nhằm góp phần gia tăng tri thức nhân loại. Với cách đặt vấn đề này, NCKH là công việc chuyên nghiệp của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp - thông thường là những người có bằng tiến sĩ ở các chuyên ngành.
Bằng thạc sĩ (master) ở các nước cũng chủ yếu để đi làm chứ không phải là bằng cấp nghiên cứu. Chúng ta cũng cần phân biệt rõ hai thành phần trong NCKH: hoạt động nghiên cứu (quá trình thực hiện nghiên cứu) và kết quả nghiên cứu (mức độ đóng góp cho khoa học, mức độ ứng dụng giải quyết vấn đề thực tiễn). Hai thành phần này cũng chính là hai tiêu chí để đánh giá một công trình nghiên cứu, trong đó kết quả nghiên cứu là thang đo quan trọng nhất.
Tuy nhiên, nếu dùng cách tiếp cận này để đặt mục tiêu và đánh giá hoạt động NCKH trong SV đại học (và cả cao học?) thì không ổn vì một số lý do: (1) mục tiêu đào tạo của bậc học này chưa phải là đào tạo ra các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, (2) do vậy đầu tư cho hoạt động này ở bậc học này là hạn chế, (3) mục tiêu chính của NCKH ở bậc học này là trang bị cho SV các kiến thức, kỹ năng NCKH độc lập để hỗ trợ hoạt động học tập và chuẩn bị cho các dự án thật sự sau khi tốt nghiệp.
Do vậy, khi tiếp cận NCKH trong SV, mục tiêu nên đặt nhiều vào hoạt động nghiên cứu hay quá trình tiến hành nghiên cứu (phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, tổ chức thực hiện, phương pháp thực hiện, tìm kiếm tài liệu, thu thập thông tin, thí nghiệm, quan sát, phân tích số liệu, thử nghiệm kết quả, viết báo cáo, trình bày báo cáo) chứ không đặt nặng vào kết quả nghiên cứu/sản phẩm cuối cùng. Chính vì vậy khi đánh giá tình hình NCKH trong SV, cái chúng ta cần đánh giá đầu tiên chính là chất lượng của hoạt động NCKH, hay khả năng của SV nói chung trong việc hình thành các ý tưởng và triển khai (một phần hay toàn bộ) quá trình nghiên cứu một cách khoa học.
Từ cách tiếp cận này, hiện trạng NCKH trong SV không thể được đánh đồng với số lượng/chất lượng các đề tài nghiên cứu cấp bộ. Đây chỉ là một mặt cắt, mà mặt cắt này có thể bị lệch lạc khi được đặt nặng quá nhiều, bởi nó chỉ thể hiện được kết quả nghiên cứu của một bộ phận SV (ưu tú), chứ không đánh giá được năng lực nghiên cứu nói chung của giới SV Việt Nam.
Để đánh giá một cách cơ bản và toàn diện, chúng ta cần đánh giá hoạt động này ngay từ trong hoạt động đào tạo và phương pháp đào tạo của từng trường, từng chương trình đào tạo, từng môn học. Chương trình đào tạo có được cấu tạo hợp lý để hỗ trợ phát triển kỹ năng và kiến thức nghiên cứu cho SV hay không? SV có được khuyến khích, dành thời gian và điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới nhất không? Chất lượng thư viện, Internet, phòng thí nghiệm thế nào? Trong từng môn học, SV có được hướng dẫn và yêu cầu thực hiện các đề án môn học mang tính nghiên cứu hay không? Quan hệ nghiên cứu giữa giảng viên và SV thế nào? Có nhiều đề tài của giảng viên sử dụng trợ lý là SV hay không?
Rõ ràng là nếu được cấu trúc tốt, NCKH trong SV không là cái gì xa vời, nó nằm ngay trong hoạt động đào tạo của các trường. Nó bắt nguồn từ những việc nhỏ như SV tự tìm đọc tài liệu, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi với nhau (và với giảng viên) ở các diễn đàn chính thức và không chính thức đến việc thực hiện các đề án môn học, luận văn tốt nghiệp hay cao hơn là các đề tài nghiên cứu độc lập.
Thực tiễn cho thấy SV học được rất nhiều từ việc thực hiện các đề án môn học như sử dụng thư viện, Internet, tìm, đọc và tổng kết tài liệu, xác định vấn đề, phương pháp thực hiện, làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ... Một đề án môn học hay một luận văn tốt nghiệp có thể chưa hoàn thiện về giải pháp, nhưng thể hiện được sự đầu tư lớn của tác giả vào việc tìm tòi, vận dụng các phương pháp NCKH thì cũng đã có thể xem là đạt được mục tiêu đề ra. Vì có lẽ cái quan trọng nhất của bậc học này là việc SV độc lập vận dụng và thực hiện hoàn chỉnh một qui trình NCKH, thấy được những trở ngại, thấy được những khó khăn và xử lý các khó khăn đó. Quá chú trọng vào kết quả còn dẫn đến việc nhiều đề tài na ná nhau vì sợ rủi ro khi thực hiện các đề tài mới, lĩnh vực mới.
Tất nhiên trong điều kiện còn nhiều hạn chế của các trường hiện nay, NCKH của SV dù chỉ ở mức các đề án môn học cũng còn nhiều khó khăn như thiếu tài liệu, khả năng ngoại ngữ của SV, năng lực hướng dẫn nghiên cứu của giảng viên, trang thiết bị nghiên cứu...
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất thường thấy lại ở chỗ SV hiện nay chưa được trang bị tốt phương pháp nghiên cứu nên hầu hết đều loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, làm gì và muốn đạt kết quả nào, cho ai. Chương trình học hiện nay khá nặng với rất nhiều môn học, nhưng lại rất hiếm các môn học về phương pháp nghiên cứu chuyên ngành - một kỹ năng quan trọng của những người lao động tri thức. Có lẽ cần thêm vào các môn học hoặc chuyên đề (bắt buộc hoặc tự chọn) về phương pháp nghiên cứu - môn học loại này không chỉ nâng cao khả năng nghiên cứu của SV mà còn hỗ trợ tốt việc tiếp thu các môn học khác.
Một phương pháp khác nhằm đẩy mạnh giao lưu nghiên cứu trong nội bộ các trường và giữa các trường, khoa là các hội thảo chuyên môn mini được tổ chức hằng tuần hay hằng tháng mở rộng cho mọi thành phần (giảng viên, SV, những người quan tâm) - nội dung là việc báo cáo các hướng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, dự án nghiên cứu, hay trao đổi bình luận các bài báo khoa học mà báo cáo viên có thể là bất cứ ai. Quan sát ở một số trường đại học nước ngoài và ở khoa quản lý công nghiệp (ĐH Bách khoa TP.HCM), các hội thảo này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các môi trường nghiên cứu, trao đổi chuyên môn. Nó cũng là cơ hội cho SV tích lũy kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu từ những người đi trước, cũng như tham gia các dự án nghiên cứu do giảng viên thực hiện.
Cuối cùng, nói như trên cũng không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ việc đánh giá các kết quả tìm được trong các nghiên cứu của SV. Một số SV xuất sắc vẫn có thể thực hiện những nghiên cứu hoàn chỉnh với kết quả thật sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đây là nhóm đối tượng tài năng cần có những đầu tư đặc biệt, còn trên bình diện số đông thì một cách tiếp cận chính xác về NCKH trong SV sẽ mang lại những hiệu quả xã hội cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận