Bóng đá tự bao giờ đã thành đại diện hẳn của nhiều quốc gia cho đến địa phương. Người ta đã phân tích nhiều, cắt nghĩa trạng thái tâm lý dở hơi của những người cuồng vì quả bóng da. Hè năm ngoái, khi nhiệt độ nóng như đổ lửa, 5.000 cổ động viên của đội Ximăng Hải Phòng đổ đến sân Hàng Đẫy dự khán trận đấu với Thể Công. Cái nóng ngoài trời cộng với cái đau thua trận khiến cho số này ức chế, gây lộn, đánh nhau... đến mức bị cấm bén mảng đến sân khách vô thời hạn.
Hồi Việt Nam vô địch Cúp bóng đá Đông Nam Á, chắc mọi người còn nhớ Hà Nội hay TP.HCM gần như tê liệt giao thông, cả xã hội sung sướng vì có được nguồn động viên tinh thần cao. Bóng đá rút cục được gửi gắm khát vọng của quần chúng, khát vọng về tính đồng đội, 11 cầu thủ lúc này thành ra người nhà, thành máu mủ, thành tay thành chân của mình đang chạy trên sân cỏ hay nhìn qua tivi. “Nó” ngã dúi dụi trên sân, cả tập thể khán giả nhà rên lên xót như xót con em mình. “Nó” bị đối phương cản ngã hay trọng tài xử ép, cả địa phương, thậm chí cả dân tộc tức giận trút cơn thịnh nộ. Còn khi “nó” sút vào là cả triệu người sung sướng đồng loạt.
Nhưng tại sao lại cứ phải nhè bóng đá để làm những việc quá khích, hay vì bóng đá là phép tiên giúp xả stress?
Người ta nghiện một thứ nào đó là vì thứ ấy có thể giải tỏa tâm lý cho họ, chuyển vị họ khỏi thực tại buồn chán đến một cõi hoan lạc nhờ tác dụng của nó. Nhưng chả biết bao nhiêu phần trăm là thuần túy nghiện vẻ đẹp của bóng đá, và bao nhiêu là chăm mua báo bóng đá xem tỉ lệ cá cược?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận